Đọc những tập du ký này, độc giả vui thích nhất khi biết chắc rằng sách viết đúng sự thật và tác giả thành thực, không có ý đánh lừa người đọc.
Công chức Bắc kỳ xưa - Ảnh: Tư liệu |
Xứ Đàng Ngoài từ lâu lắm không được các nước Âu châu biết đến; đôi khi có người viết sách du ký thì lại không biết rõ xứ này, hoặc trí nhớ không được tinh tường chắc chắn cho lắm.
Tập sách tôi đem xuất bản đây là nhờ em tôi. Chuyến thứ hai sang châu Á, tôi đem em tôi theo; từ Batavia tới Bantam (Indonesia - PV), nó có qua Đàng Ngoài mười một mười hai chuyến, giúp tôi khi ở Batavia và Bantam. Tôi còn được gặp nhiều người Đàng Ngoài sang buôn bán, họ có chỉ dẫn cho tôi nhiều điều về xứ họ. Đi với họ có nhiều nhà sư trông nom việc cúng lễ và nhiều văn nhân để dạy dỗ con cháu các ông lái tàu, vì các ông này đem gia đình theo. Các tăng nhân ấy đã vui lòng giúp tôi biết rõ xứ Đàng Ngoài. Trái lại tôi cũng nói cho họ hiểu nền chính trị nước Pháp ta thế nào, tôi bày cho họ xem tập địa đồ thế giới, nhiều địa đồ riêng từng vùng và chỉ cho họ hiểu mặt đất sắp đặt thế nào và có những nước nào. Họ hoan hỉ lắm.
Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây: Lễ nghi của người Bắc kỳ
Mọi việc đều được sắp đặt quy củ, từ việc họ tiếp nhau đến thái độ trước mặt vua. Không có ai được vào bái vua mà không mặc thứ lễ phục riêng gọi là áo chầu, mà đầu không đội mão, để tỏ lòng tôn kính.
Em tôi vốn dĩ là người táo bạo hay bon chen, lại thích du lịch như tôi; nên lúc ở Ấn Độ nghe người ta đồn ở xứ Đàng Ngoài có nhiều sản vật lạ, quyết định sang ngay. Nó lại có khiếu học các thứ tiếng rất mau, nó biết ngay tiếng Mã Lai là thứ tiếng được các nhà thông thái trong những vùng này dùng thông dụng như tiếng Latin bên Âu châu ta. Nó biết rõ rằng bên xứ ấy tơ lụa, xạ hương, nhiều hàng hóa bán rẻ hơn mọi nơi và trong việc buôn bán người ta còn trọng sự tín thực. Thăm hỏi xong nó sửa soạn một chiếc thuyền, nhờ chiếc thuyền này mà suốt lộ trình nó trải qua đều may mắn cả.
Bao giờ nó cũng mang theo trong người một số tiền khá lớn và bao giờ cũng có sẵn ít nhiều đồ vật nho nhỏ lạ mắt để làm quà cho vua và các vị đình thần (vì ở các xứ Đông phương, không nên đi tay không vào bệ kiến vua chúa hay ra mắt các đại thần). Nhờ vậy nó được tiếp đãi tử tế khi mới bước chân đến đất này; viên quan lên chào đầu tiên và được nó tặng một chiếc đồng hồ có quả nặng (L’horloge à poids), một đôi súng cầm tay và hai bức tranh mỹ nữ. Vị quan này lập tức lên báo tin nó đến cho đức vua. Ngài truyền lệnh cho vào triều kiến. Tại triều, nó làm cho mọi người ngạc nhiên sao lại có một người đi khỏi quê hương xa đến thế, mà lại nói tiếng Mã Lai giỏi như thế. Đức vua tiếp đón nó rất ân cần và vui lòng thu nhận những phẩm vật nó dâng tặng: một thanh gươm có chuôi, cán bằng vàng nạm ngọc hồng và ngọc bích, lưỡi rộng hai ngón tay, chỉ mài sắc một bên như kiếm, gươm bản xứ; một đôi súng có bịt bạc; một yên ngựa kiểu Ba Tư thêu chỉ vàng chỉ bạc có dây cương, một chiếc cung có tên và ống đựng, sáu bức tranh mỹ nữ cùng kiểu với những bức nó đã cho viên quan. Những phẩm vật này làm đẹp lòng đức vua lắm. Ngài rút gươm ra khỏi bao để ngắm nghía thật kỹ; một hoàng tử cũng cầm thử xem có vừa tay không rồi đứng vào thế sắp chém địch thủ một nhát. Hoàng tử đứng rất đẹp nhưng theo lối bên phương Đông, nên em tôi có xin phép đức vua chỉ cho hoàng tử hiểu cách đánh gươm ở bên Pháp, đức vua rất vui thích. Nếu độc giả cho phép tôi nói rõ về em tôi, thì tôi xin nói thêm rằng thân hình nó rất đẹp, rất cân đối và trong các phòng đấu kiếm nó không thua ai bao giờ. Hồi niên thiếu nó có theo học các trường dạy đấu kiếm và nó đã không phí thì giờ.
Đấy là lần đầu tiên nó được vào bệ kiến vua xứ Đàng Ngoài. Nó có qua lại xứ ấy nhiều bận và mỗi bận nó đều được biệt đãi thêm. Nó được lòng đức vua và các đình thần, nhất là vì nó thích đánh bạc với các ngài. Tính nó lại liều, có một lần nó thua hơn hai vạn écus. Nhưng đức vua vốn quảng đại, không muốn nó thiệt và có đền bù cho nó nhiều.
Nó đã ở lâu năm tại xứ Đàng Ngoài, được ra vào chốn triều trung, lại quen nghề buôn bán trong nước, cái gì nó cũng tò mò, nên tôi đã tra cứu tập ký ức của nó để viết cuốn du ký này. Nhưng tôi có thể nói rằng tôi cũng có dùng những điều tự tôi ghi chép, tôi đã tiếp chuyện nhiều người Đàng Ngoài sang buôn bán bên Batavia, Bantam và đã khoản đãi họ để biết thêm nhiều phong tục, nghi lễ của họ. Họ cũng ước ao tôi đem phong tục và nghi lễ nước ta nói cho họ nghe, họ thích lắm. Bên họ cũng như bên ta, muốn vào hàng quý phái phải có chiến công rực rỡ, phải có tài điều đình, ngoại giao hoặc đã làm được một việc gì to tát, ích quốc lợi dân, và học hành giỏi giang có thể giữ được những chức cao trong ngạch tư pháp, hành chính hay trong hội đồng cơ mật của vua.
Bình luận (0)