Đó là thông điệp được nhấn mạnh trong bài phát biểu của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 - Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững - Mạng lưới một hành tinh, do Việt Nam đăng cai tổ chức, khai mạc ngày 24.4, tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của trên 300 đại biểu, trong đó gần 200 đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và tổ chức quốc tế. Diễn ra từ ngày 24 - 27.4, hội nghị tập trung thảo luận về chủ đề cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của hội nghị. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), trong các năm 2020 - 2021, nạn đói vẫn đang trên đà gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người (năm 2021).
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2065, chậm hơn 3,5 thập kỷ so với kế hoạch. Vấn đề lương thực, thực phẩm, nạn đói gia tăng đã trở nên cấp bách hơn, đòi hỏi các quốc gia phải hành động ngay từ bây giờ, chứ không phải lúc nào khác.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: "Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn".
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương, thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, để thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Đây cũng là nội dung Việt Nam đã khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm năm 2021.
"3 biến" lớn của nông nghiệp Việt Nam
Chia sẻ trong phiên tọa đàm cấp bộ trưởng, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng một trong những thách thức của nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở ngành hàng lúa gạo là phương thức canh tác thâm dụng tài nguyên, đánh đổi môi trường... để đảm bảo an ninh lương thực. Trong khi hiện nay, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...
Cũng theo ông Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp Việt Nam đang có những thách thức rất lớn khi đứng trước 3 "biến": biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tham gia hệ thống lương thực, thực phẩm thích ứng thông minh và xem việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm có vai trò quan trọng trong nỗ lực đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Để tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, Việt Nam đề ra các nhiệm vụ: rà soát, đánh giá hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến và tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững; phát triển cung ứng đầu vào cho sản xuất; phát triển nông nghiệp, hệ thống chế biến và phân phối...
Ông Hoan cũng nhấn mạnh, Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm gắn liền với nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Bình luận (0)