(TNO) Ngày 22.4, tại Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) đã công bố kết quả thực nghiệm lâm sàng pha 1 vắc xin cúm A/H5N1 (IVACFLU - A/H5N1) do Viện này sản xuất.
Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế
|
Tiến sĩ Lê Văn Bé, Viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế nói: “Vắc xin IVACFLU-A/H5N1do IVAC sản xuất đủ điều kiện tiến hành thực nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác với những đồng nghiệp đã gắn bó với chúng tôi của các tổ chức BARDA, WHO và PATH để tiến đến viejc vắc xin dự tuyển này được cấp phép và sản xuất trên quy mô công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, cung cấp trong khu vực và trên toàn cầu trong tình huống đại dịch xảy ra”.
|
Toàn cảnh khu sản xuất vắc xin và một số thiết bị sản xuất vắc xin
|
Cũng theo tiến sĩ Lê Văn Bé, sau khi sản xuất thành công vắc xin cúm A/H5N1 (IVACFLU - A/H5N1) đơn giá, Viện đã phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM thử nghiệm lâm sàng vào tháng 4. 2014 và được Ban đánh giá các vấn đề đạo đức Bộ Y tế nghiệm thu tháng 3.2015.
Trước đó, tháng 5.2011, được sự giúp đỡ của các chuyên gia kỹ thuật thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO, PATH) và Cơ quan phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA), thuộc Bộ Y tế và phúc lợi con người Mỹ, IVAC đã xây dựng thành công quy trình “lõi” cho phép sản xuất vắc xin cúm trên dây chuyền công nghệ này để dự tuyển thử nghiệm lâm sàng. Ngay sau đó Viện đã sản xuất thành công vắc xin cúm A/H1N1/09 (IVACFLU - A/H1N1/09) đơn giá và được Ban đánh giá các vấn đề đạo đức Bộ Y tế nghiệm thu năm 2013.
Do tình hình dịch tễ của virus cúm A trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn đang diễn ra phức tạp, cùng với thói quen nuôi gia cầm ngay tại nhà của người dân, nguy cơ bùng phát các dịch cúm ở Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1/09 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh và hạn chế tối đa lây lan trong cộng đồng.
Bình luận (0)