Theo đó, rạng sáng ngày 29.10 tới đây, nguyệt thực một phần xuất hiện và nếu điều kiện thuận lợi, người yêu thiên văn Việt Nam có thể chiêm ngưỡng được hiện tượng này.
Việt Nam sắp đón nguyệt thực: Hiện tượng này có ảnh hưởng tới giấc ngủ con người?
Bản chất nguyệt thực
Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), bản thân trái đất và mặt trăng là những thiên thể không thể tự phát ra ánh sáng. Ánh sáng chúng ta thấy trên mặt đất, cũng như của mặt trăng là do chúng hấp thụ và phản xạ ánh sáng từ mặt trời.
Những ngày trăng tròn (ngày 15 hoặc 16 âm lịch) là những thời điểm mặt trăng nằm ở phía bên kia của trái đất so với mặt trời, nên lúc đó toàn bộ một nửa được chiếu sáng của nó hướng về trái đất. Đó cũng là lý do ta thấy mặt trăng tròn.
Tuy nhiên, có những lần khi đi qua điểm tròn nhất này, mặt trăng đi vào vùng bóng tối phía sau trái đất, nói cách khác dễ hiểu hơn là mặt trời, trái đất và mặt trăng lúc này nằm trên một đường thẳng.
Như vậy, ánh sáng từ mặt trời tới với mặt trăng bị trái đất cản lại, chỉ có một phần rất nhỏ ánh sáng ở bước sóng đỏ và gần đỏ khúc xạ qua khí quyển trái đất và tới được với mặt trăng. Do vậy, thiên thể này tối hơn bình thường và chuyển sang màu đỏ.
“Có thể thấy rằng nguyệt thực hoàn toàn là hiện tượng vật lý được lý giải cụ thể. Thậm chí ngày nay, việc tính trước giờ nào, ngày nào sẽ xảy ra hiện tượng này là một điều hết sức dễ dàng của khoa học. Do đó, việc gán ghép cho hiện tượng này với những câu chuyện huyền bí hay những dự đoán thiếu khoa học, đôi khi nguy hại hơn là trở thành nguyên nhân của nhiều hoạt động tín ngưỡng không lành mạnh có thể làm ảnh hưởng tới đời sống xã hội", ông Sơn cho biết.
Nguyệt thực có ảnh hưởng tới đời sống?
Tuy nhiên, theo chuyên gia, nguyệt thực ít nhiều cũng có những tác động tới đời sống và sinh hoạt của con người. Theo đó, trái đất chịu tác dụng hấp dẫn đồng thời của mặt trời và mặt trăng. Vào những thời điểm thông thường, lực hấp dẫn tác động lên hành tinh của chúng ta từ 2 thiên thể này không cùng một phương mà lệch nhau một góc nhất định.
Vào những ngày trăng tròn, lực hấp dẫn của 2 thiên thể nêu trên với trái đất gần trùng phương với nhau nên tổng lực là lớn nhất trong mỗi chu kỳ. Khi xảy ra nguyệt thực, 3 thiên thể này là thẳng hàng nên hai lực này gần như hoàn toàn trùng phương và tổng giá trị của chúng là cực đại.
Khi tổng lực hấp dẫn tăng lên, trước hết nó làm cho các đợt thủy triều mạnh hơn, cao hơn. “Thậm chí, người Nhật xa xưa tin rằng nguyệt thực có thể báo hiệu các trận động đất, sóng thần có thể sẽ tới. Điều này hoàn toàn không phải mê tín mà ngày nay, nghiên cứu cho thấy tại những khu vực có hoạt động địa chất không ổn định thì sự gia tăng của lực hấp dẫn là một nhân tố tác động lên thêm các khả năng phát sinh các dao động địa chất, vốn là nguyên nhân gây nên động đất, sóng thần", nhà nghiên cứu nói thêm.
Với lịch sinh học của con người, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cũng cho biết một số nghiên cứu chỉ ra vào thời điểm trăng tròn, đặc biệt khi có nguyệt thực có liên quan tới việc suy giảm melatonin, một hóc môn liên quan tới việc điều chỉnh chu kỳ ngủ và tỉnh giấc.
Vậy nên những ngày này, người ta thường khó ngủ hơn, làm tăng khả năng ức chế thần kinh. Dù vậy, ảnh hưởng này là không lớn. Ông Sơn cũng cho biết một số nghiên cứu chỉ ra trăng tròn và nguyệt thực có khả năng ảnh hưởng tới việc tăng tỉ lệ sinh ở phụ nữ, tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có những bằng chứng khoa học cụ thể.
“Xin lưu ý rằng tất cả những ảnh hưởng vật lý nêu trên đều khá nhỏ, thực tế không tác động đáng kể tới đời sống hằng ngày của con người. Song, nguyệt thực vẫn là một hiện tượng thú vị trên bầu trời mà con người có thể quan sát", nhà nghiên cứu bày tỏ.
Bình luận (0)