Việt Nam sẽ bị phạt nặng nếu xem nhẹ phòng chống doping

19/09/2022 07:51 GMT+7

Nếu không đưa công tác phòng chống doping vào chiến lược phát triển, thể thao Việt Nam hoàn toàn đứng trước nguy cơ phải nhận các hình thức xử lý rất nặng từ Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA).

Việt Nam đang buông lỏng phòng chống doping

Sau bê bối các VĐV điền kinh Việt Nam phải nhận kết quả dương tính mẫu A với các chất cấm trong hoạt động thể thao tại SEA Games 31, Bộ VH-TT-DL có thể sẽ lên kế hoạch rà soát lại toàn bộ việc khai báo y tế đối với VĐV đỉnh cao đang tập huấn tại các trung tâm thể thao quốc gia. Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng từ WADA nhưng theo một chuyên gia về doping, gần như chắc chắn, việc danh tính các VĐV Việt Nam dùng doping tại đại hội thể thao lớn nhất khu vực được WADA công bố chỉ còn thuộc về vấn đề thời gian và nguy hại hơn, có thể WADA sẽ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia sẽ phải chịu các hình thức xử lý nghiêm khắc.

Đô cử Hoàng Anh Tuấn từng giành huy chương bạc tại Olympic 2008 hạng 58 kg bị phát hiện dương tính với chất Oxilofrine, bị cấm 2 năm

CTV

Một chuyên gia thuộc Trung tâm phòng chống doping quốc gia cho biết: “Trong chưa đầy 2 thập niên, một nền thể thao thuộc đất nước đang phát triển như Việt Nam bị phát hiện hơn 20 trường hợp sử dụng chất cấm là một thực trạng đáng báo động. Ngoài những trường hợp đã được công bố, có một vài ca khác chưa bị nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng do các VĐV này không quá nổi tiếng. Tuy nhiên, dù là những VĐV nào đi chăng nữa, đã đến lúc thể thao Việt Nam phải thực sự coi trọng công tác phòng chống doping, chứ không thể xem nhẹ như suốt thời gian vừa qua.

Việc phòng chống vấn nạn này đối với chúng ta, mới chỉ dừng ở hình thức mang tính chất đối phó nhiều hơn, nếu không muốn nói việc giáo dục về phòng chống doping dường như đang bị buông lỏng. Trước mỗi đại hội, trước một giải đấu lớn của châu lục hay của khu vực, ngành thể thao có tổ chức các đợt tuyên truyền nhưng sao gọi là đủ. Hoạt động này cần phải thực hiện thường xuyên theo tuần, theo tháng, theo quý chứ không thể chỉ thực hiện một cách chiếu lệ, có cũng được, không có cũng được. Hậu quả là thể thao Việt Nam vẫn không triệt tiêu được doping. Đau lòng hơn là các VĐV Việt Nam bị nghi ngờ dùng doping tại SEA Games 31, đều là những VĐV nổi tiếng và cùng sử dụng như nhau loại chất cấm. Thử hỏi nếu đúng họ đã vi phạm bộ luật Phòng chống doping của thế giới thì chả nhẽ thể thao Việt Nam lại vô can?”.

Phải áp dụng răn đe từ các giải trong nước

Cũng theo chuyên gia này, WADA năm 2021 đã có những hình thức xử phạt nghiêm khắc với thể thao CHDCND Triều Tiên và Indonesia vì đã không tuân thủ quy trình xét nghiệm doping. Còn thể thao Thái Lan bị phạt do không thực hiện đầy đủ Bộ quy tắc chống doping năm 2021. Indonesia đã không được phép tổ chức các đại hội thể thao lớn mà mãi đến tháng 2.2022, quốc gia này mới hết án phạt nên mới được phép đăng cai Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Paralympic). Còn thể thao Việt Nam có thể sẽ nhận án phạt tương tự (không được tổ chức các giải đấu quan trọng quy mô khu vực và châu lục) nếu tiếp tục xem nhẹ công tác phòng chống doping.

Theo một thành viên cốt cán của Trung tâm phòng chống doping quốc gia, WADA sẽ giám sát việc Việt Nam có thực hiện việc xét nghiệm doping tại các giải quốc nội và nếu chúng ta không chịu đưa việc xét nghiệm này vào như một hoạt động mang tính chất bắt buộc với mỗi giải đấu trong nước, thể thao Việt Nam nhiều khả năng chịu hệ lụy nghiêm trọng là hoặc không được phép tham dự các giải đấu lớn hoặc được quyền tham dự nhưng có thể có nguy cơ không được kéo quốc kỳ Việt Nam. Khi đó sự việc sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

“Chưa thể kết luận các VĐV này đã bất chấp quy định để cố tình sử dụng doping hay chỉ vô tình nhưng đã đến lúc, ngành thể thao Việt Nam phải quyết liệt hơn trong công tác phòng chống doping. Kinh phí quan trọng nhưng cũng chỉ là một phần của vấn đề, điều cốt yếu là chúng ta cần đối diện với sự thật, dám dấu tranh với nó và không né tránh nữa. VĐV dù mới chỉ có kết quả xét nghiệm mẫu A nhưng nếu dương tính cũng nên công bố để làm gương cho các VĐV khác. Khi còn né tránh, chúng ta còn chịu hệ lụy nặng nề và lâu dài. Sắp tới, giải cầu lông trẻ thế giới sẽ bắt buộc mỗi VĐV phải có chứng nhận đã tham gia lớp học truyền thông online về doping. Nếu không có chứng nhận, sẽ không được tham dự”, chuyên gia này cho biết.

Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam Đoàn Thanh Tùng cho biết: “Việc kiểm tra doping khởi đầu từ các giải quốc nội là rất quan trọng. Cần phải đưa vào quy chế để tất cả các giải đỉnh cao phải làm việc này một cách thường xuyên, liên tục, không được lơ là để vừa tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trong việc hiểu biết và phòng chống doping, vừa phát hiện, xử lý một cách nghiêm khắc và kịp thời nhất. Chúng ta có Trung tâm kiểm soát doping từ năm 2011 nhưng việc tồn tại của cơ sở này “có cũng như không” vì năng lực và cách làm chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần phải siết lại chặt chẽ từ gốc trước khi các VĐV ra thi đấu quốc tế, nếu không bao nhiêu công sức bỏ ra của ngành TDTT và các HLV, VĐV chân chính sẽ bị vẩn đục bởi hình ảnh phi thể thao do doping mang lại”.

T.K (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.