Việt Nam sẽ có nghị định về kiểm soát, truy xuất nguồn gốc gỗ

07/01/2019 18:13 GMT+7

Trong năm 2019, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ ban hành một nghị định về kiểm soát, truy xuất nguồn gốc gỗ , đặc biệt là ngăn chặn gỗ tự nhiên bất hợp pháp.

Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí diễn ra chiều nay, 7.1, tại Hà Nội. Tại cuộc gặp này, bà Heidi Hautala, Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu, cũng thông tin về hành động của Việt Nam trong chuẩn bị thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT).
Ông Hà Công Tuấn cho rằng, Việt Nam đã từng bước siết chặt kiểm soát nguồn gốc gỗ rừng tự nhiên trong nhiều năm qua để ngăn chặn các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Thực tế, số lượng vụ phá rừng đều giảm qua từng năm. Kiểm soát nguồn gốc gỗ, đặc biệt là gỗ tự nhiên, là nhu cầu tự nhiên của các cơ quan bảo vệ pháp luật, để xây dựng ngành lâm nghiệp phát triển bền vững.
Không chỉ với Liên minh châu Âu, Việt Nam cùng các đối tác khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã có đàm phán để có quy định hài hoà kiểm soát nguồn gốc gỗ. Đối với thị trường EU, Việt Nam đang có xuất khẩu sản phẩm từ gỗ vào 28 quốc gia. Các sản phẩm này thực tế không phải là gỗ rừng tự nhiên của Việt Nam hay các nước Đông Nam Á. Thị trường EU hiện chiếm khoảng 13 - 17% giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của toàn ngành nông nghiệp và đây là thị trường rất tiềm năng các doanh nghiệp có thể tăng lượng xuất khẩu trong những năm tới.
Theo đó, Việt Nam cam kết thực hiện VPA một cách nghiêm túc để gia tăng niềm tin ở thị trường này. Cụ thể, ngay trong năm 2019, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ phê duyệt, ban hành một nghị định về kiểm soát nguồn gốc gỗ, ngăn chặn nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.
Bà Heidi Hautala nhấn mạnh, khi VPA chính thức có hiệu lực thì chỉ có sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp mới được xuất khẩu vào châu Âu. Điều này có nghĩa là Việt Nam hay các quốc gia khác muốn vào thị trường này buộc phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu và nâng cao chất lượng đời sống người dân trồng rừng.
Cũng theo bà Heidi Hautala, ở châu Á, Việt Nam là quốc gia thứ hai (sau Indonesia) ký kết Hiệp định VPA và đây cũng là cách đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của thị trường niềm năng như EU khi người dân đặc biệt đề cao sử dụng sản phẩm đồ gỗ có nguồn gốc an toàn và hợp pháp. VPA cũng là hiệp định mà EU chuẩn bị cho việc xây dựng bộ quy định chống lại nạn phá rừng trên quy mô toàn cầu.
Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, bà Heidi Hautala, Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 7 - 9.1 nhằm khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo cấp cao để chuẩn bị trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định VPA với Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.