Người đứng đầu bảng xếp hạng người giàu nhất trên sàn chứng khoán VN, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tiếp tục tiến cao hơn trong danh sách người giàu thế giới của tạp chí Forbes (Mỹ).
Lộ diện các tỉ phú mới
Trong quý 1/2018, VN lần đầu tiên có 4 tỉ phú USD được xếp hạng chính thức theo danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes. Trong đó, 2 tỉ phú USD đã được đưa vào danh sách từ năm trước đó là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup có mặt trong danh sách 2018 với tài sản trị giá 4,3 tỉ USD, đứng thứ hạng 499; và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet có tài sản trị giá 3,1 tỉ USD và đứng ở vị trí 766 trong số những người giàu nhất hành tinh. Trong xếp hạng vào ngày 28.12 của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng mạnh lên 6,7 tỉ USD và đứng ở vị trí thứ 210 trên danh sách. Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo thì tài sản sụt giảm xuống 2,4 tỉ USD và đứng ở vị trí 903.
|
Hai gương mặt mới trong danh sách này là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải với số tài sản trị giá 1,8 tỉ USD và đứng ở vị trí 1.339. Riêng ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn thép Hòa Phát với tài sản được ghi nhận lúc đầu năm có trị giá 1,3 tỉ USD và xếp hạng 1.756 thế giới. Đến ngày 28.12 vừa qua, Forbes ghi nhận tài sản của ông Trần Bá Dương giảm nhẹ xuống 1,7 tỉ USD nhưng vị trí lại tăng lên đứng ở thứ hạng 1.283. Tuy nhiên, tỉ phú Trần Đình Long lại bị “lọt” khỏi danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes. Theo ghi nhận gần nhất của Forbes vào ngày 5.12, ông Trần Đình Long có khối tài sản 1 tỉ USD và hiện xếp ở vị trí 1.997 trong danh sách những tỉ phú giàu nhất hành tinh. Như vậy so với tháng 3.2018 thì tài sản của ông Trần Đình Long bị “bốc hơi” 300 triệu USD và tụt mất 241 hạng.
Ngoài những gương mặt trên, theo bình chọn của Hãng tin Bloomberg mới đây, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan đã xuất hiện trong danh sách tỉ phú mới thế giới trong năm nay và là một trong số 2 tỉ phú USD của khu vực Đông Nam Á. Ông Quang hiện nắm giữ cổ phần lớn ở Tập đoàn Masan, cũng như công ty con Sunflower Construction. Ông cùng vợ nắm khoảng 49% cổ phần Tập đoàn Masan. Theo ước tính, ông Nguyễn Đăng Quang và gia đình đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá khoảng 24.000 tỉ đồng.
|
Ngoài 5 cái tên tỉ phú đô la kể trên, dù chưa được đưa vào bất kỳ danh sách nào nhưng ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank cùng những người trong gia đình đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá khoảng 37.000 tỉ đồng. Hoặc tại Ngân hàng VN Thịnh Vượng (VPB), gia đình ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu. Bản thân ông Hồ Hùng Anh hay ông Ngô Chí Dũng có thể sẽ là những cái tên tỉ phú đô la tiếp theo do 2 ngân hàng Techcombank và VPB cũng chỉ mới niêm yết trên sàn chứng khoán.
|
Động lực từ cải cách
Với mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm trở lại đây, năm 2018 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng các doanh nghiệp (DN) VN. Đặc biệt, cuộc cách mạng về thủ tục, sự quyết liệt trong cải cách môi trường đầu tư, khát vọng về một cộng đồng DN Việt đủ sức ra biển lớn là động lực cho các DN khởi nghiệp, các DN lớn tiếp tục mở rộng quy mô, nâng tầm vị thế.
|
Đơn cử như Tập đoàn Vingroup và tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Năm 2018 là cột mốc lịch sử với tập đoàn này trong nỗ lực ra mắt các mẫu ô tô tại Paris Motor Show, đưa ô tô VinFast lên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới. Bên cạnh đó Vingroup cũng ra mắt các sản phẩm điện thoại thông minh; khánh thành tòa nhà Landmark 81 cao nhất VN; công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ. Vingroup hiện có giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 304.000 tỉ đồng - dẫn đầu trên thị trường chứng khoán Việt.
|
Hay Công ty Thaco của tỉ phú Trần Bá Dương, trong những tháng cuối cùng của năm công ty này đã chính thức công bố đầu tư hàng tỉ USD cho chu kỳ thứ 4 mang tính động lực với các dự án lớn vào Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) như: Mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô thêm 126 ha và đổi tên thành Khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco - Chu Lai có tổng diện tích 335 ha nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho xe du lịch đạt trên 40% hướng đến xuất khẩu. Đầu tư khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp mà chủ lực là trái cây và đồ gỗ xuất khẩu có diện tích 451 ha, có tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỉ đồng. Đầu tư bến cảng nước sâu chiều dài 350 m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng... Tập đoàn Hòa Phát có vốn hóa hơn 65.734 tỉ đồng, khi đưa dự án Dung Quất đi vào hoạt động sẽ gia tăng thị phần, dẫn đầu ngành thép nội địa. Hay Masan có vốn hóa hơn 90.000 tỉ đồng cũng đang chiếm giữ phần lớn thị phần các loại gia vị tại VN...
|
Các DN của các tỉ phú này đều vươn lên hàng đầu trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của mình và đủ sức cạnh tranh với các ông lớn đa quốc gia, mà nhiều thập niên trước vốn là nỗi ám ảnh về thôn tính thị trường nội địa.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, việc DN lớn mạnh vươn lên nắm giữ một ngành hàng trong nền kinh tế là rất quan trọng. Bởi nếu không có những DN nội địa có quy mô tầm cỡ “trấn giữ”, nước ngoài sẽ nhảy vào, các ngành sản xuất, dịch vụ của chúng ta sẽ sớm rơi vào tay họ.
tin liên quan
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng có thêm hơn 6.200 tỉ đồng sau khi ra mắt ô tô VinFastLấy dẫn chứng với trường hợp Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, chuyên gia này cho rằng, từ nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản, DN này đã chuyển sang đầu tư đa ngành: bán lẻ, y tế, giáo dục, xe hơi và mới đây là điện thoại. Với mảng bán lẻ, bà Lan dẫn chứng với siêu thị CitiMart mà bà từng là khách hàng ruột. Ngay trong thời kỳ siêu thị này đã bắt tay với nhà đầu tư Nhật, sự đổi mới của họ dường như không đủ lớn để thay đổi bộ mặt một siêu thị đang xuống cấp. Thế nên, việc nhà bán lẻ trong nước là VinMart mới đây mua lại FiviMart, bà Lan cho là hành động khá dũng cảm. “Vingroup với
thương hiệu VinMart đang trấn giữ ngành bán lẻ Việt. Thử tưởng tượng nếu vài năm nữa, ngành bán lẻ chúng ta nếu không có các DN lớn trong nước tham gia, rơi hoàn toàn vào tay người Thái, Hàn, Nhật... thì sản xuất trong nước sẽ ảnh hưởng thế nào?”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, các công ty lớn khi đã lớn mạnh, cần chú trọng xây dựng thương hiệu. Đây là điều khác nhau cơ bản giữa “ông lớn” và “ông nhỏ” là hành xử trong cạnh tranh. Không thể phủ nhận các “ông lớn” đang đóng góp thuế nhiều vào ngân sách nhà nước. Họ có khả năng chi phối thị trường rất tốt. Đặc biệt với ngành hàng tiêu dùng, tuổi thọ cho một sản phẩm rất ngắn, thay đổi liên tục. Thế nên muốn trụ vững ở vị trí dẫn đầu, DN cần chú trọng cạnh tranh bằng đầu tư công nghệ, đổi mới sản phẩm.
VN đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng của người siêu giàu
Báo cáo về người siêu giàu thế giới của World Ultra Wealth Report - Wealth-X công bố giữa năm 2018 cho thấy người Việt đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng của người siêu giàu, đạt 12,7%. “Siêu giàu” theo định nghĩa của tổ chức này là người có tài sản trên 30 triệu USD (tương đương khoảng 700 tỉ đồng). Và báo cáo của Wealth-X cũng nhấn mạnh xu hướng “giàu lên” diễn ra tại các nước như VN, Bangladesh hay Ấn Độ đều đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh, có sự tăng trưởng về hoạt động sản xuất và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trước đó, báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) của Knight Frank (Anh) cũng đã từng thống kê, VN có 200 người siêu giàu trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước đó, đứng đầu thế giới về tốc độ gia tăng người siêu giàu trong 10 năm 2006 - 2016 với tỷ lệ 320%. Knight Frank đã đưa ra dự báo, trong một thập niên tới (khoảng từ năm 2027 - NV), VN sẽ là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người và số triệu phú ở VN sẽ tăng từ 14.300 lên 38.600.
|
Bình luận (0)