(Tin Nóng) Hãng đóng tàu Vympel (Nga) ngày 29.6 cho biết hy vọng sớm ký hợp đồng cung cấp thiết bị để Việt Nam đóng thêm 4 tàu tên lửa dự án 12418 Molniya, nâng tổng số tàu Molniya Việt Nam tự đóng lên 10 chiếc.
Tàu tên lửa Molniya do Viện thiết kế Almaz (Liên bang Nga thiết kế), dùng tấn công tàu chiến đối phương, bảo vệ hạm đội - Ảnh: Hải quân Nga
|
Trả lời phỏng vấn trang tin Hải quân Nga ngày 29.6, ông Victor Doskin, phó tổng giám đốc tập đoàn đóng tàu Vympel nói: “Chúng tôi hài lòng về việc hợp tác với Việt Nam và hy vọng tiếp tục việc này, vì thoả thuận chung đã ký trước đó là sẽ cung cấp linh kiện để Việt Nam tự đóng 10 tàu Molniya. Hiện Việt Nam đã đóng 6 chiếc, và chúng tôi hy vọng sớm ký hợp đồng đóng tiếp 4 chiếc nữa”.
Các tàu Molniya đóng tại nhà máy của công ty Ba Son dưới sự giám sát của các chuyên gia Nga. “Các chuyên gia của chúng tôi tham gia tư vấn ở các khâu lắp ráp, thử nghiệm, xử lý các vấn đề kỹ thuật”, ông Doskin cho biết.
Tàu tên lửa dự án 12411 Molniya của Nga (phiên bản xuất khẩu là 12418) do Viện thiết kế Almaz, Liên bang Nga thiết kế, dùng tấn công tàu chiến đối phương, bảo vệ hạm đội. Các tàu này vũ trang với 4 giàn phóng tên lửa diệt hạm loại Kh-35 Uran (tổng cộng 16 tên lửa, đặt hai bên thân tàu, tầm bắn xa 130 km), 1 pháo AK-176 (cỡ nòng 76,2 mm), 2 tổ hợp pháo phòng không bắn nhanh AK-630 và tên lửa đối không tầm thấp.
Tàu dài 56,1 m, ngang 10,2 m, lượng choán nước 500 tấn, trang bị động cơ tuabin khí với công suất tối đa 32.000 mã lực, vận tốc tối đa 70 km/giờ. Tầm hoạt động trên biển của tàu là 1.700 hải lý (3.150 km).
Theo hợp đồng ký năm 2003, Việt Nam mua 2 tàu tên lửa Molniya từ Nga, giao hàng vào năm 2007 và 2008. Hai chiếc tàu này mang số hiệu 375 và 376. Vympel còn cung cấp trang thiết bị và giúp Việt Nam đóng loại tàu này theo giấy phép chuyển nhượng gồm 6 chiếc.
Hai chiếc đầu tiên (M1, M2) được khởi đóng từ tháng 10.2010 tại Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP.HCM), hạ thủy năm 2013, bàn giao cho Hải quân Việt Nam tháng 6.2014 (mang số hiệu 377 và 378).
Hai tàu Molnya kế tiếp (M3, M4) hạ thuỷ tháng 6.2014, thử nghiệm cấp nhà máy trên biển cuối tháng 12.2014 và bàn giao ngày 2.6.2015 (số hiệu 379 và 380).
Hai tàu M5, M6 đã tổ chức đấu ráp thân tàu và đang tiếp tục thi công, dự kiến hoàn tất cuối năm 2015, theo hãng Vympel.
Việc đóng 6 tàu tên lửa này có sự giám sát của các chuyên gia hãng đóng tàu Vympel và của Trung tâm thiết kế tàu biển Almaz tại St. Petersburg (Nga).
Nếu hai bên sớm ký kết hợp đồng đóng thêm 4 chiếc nữa thì đội tàu tên lửa Molniya của Việt Nam sẽ có tổng cộng 12 chiếc, gồm 2 chiếc do Nga đóng và 10 chiếc Việt Nam tự đóng.
Bàn giao cặp tàu tên lửa 12418 Molnya số hiệu 379 và 380 cho Hải quân Việt Nam ngày 2.6.2015 - Ảnh: Duy Khánh
|
Mới đây, ngày 16.6, hãng tin TASS cho hay các tàu tên lửa Molniya do công ty Ba Son đóng sẽ được trang bị hệ thống tên lửa hiện đại Klub có khả năng tấn công tàu chiến lẫn mục tiêu trên đất liền.
Ông Alexander Shlyakhtenko, Trung tâm thiết kế tàu biển Almaz nói với hãng tin TASS rằng Việt Nam muốn phía Nga cung ứng hệ thống tên lửa mới hơn để có thể phóng tên lửa hành trình siêu thanh cỡ BrahMos hoặc Yakhont. Ông Shlyakhtenko cho rằng có thể đó là hệ thống tên lửa Klub với loại tên lửa đi kèm là Caliber (phiên bản xuất khẩu).
“Chúng tôi có thể thay đổi nhanh chóng với dự án này mà không làm gián đoạn quy trình sản xuất”, ông Shlyakhtenko nói.
Hệ thống tên lửa diệt hạm Uran dùng tấn công tàu mặt nước, tầm bắn tối đa 130 km. Còn hệ thống tên lửa Klub phóng các tên lửa hành trình có thể tấn công tàu chiến lẫn các mục tiêu trên đất liền, tầm bắn từ 15 km đến 290 km.
Hiện các tàu tên lửa cũng như tàu chiến Gepard 3.9 của Việt Nam trang bị hệ thống tên lửa Uran, còn tàu ngầm lớp Kilo có tin được trang bị hệ thống tên lửa Klub. Hai tàu Gepard 3.9 dự định đặt đóng thêm sẽ trang bị hệ thống tên lửa Klub, theo báo chí Nga.
Với hệ thống tên lửa Klub, các tàu tên lửa của Việt Nam sẽ tăng thêm sức mạnh khi có thể tiêu diệt tàu chiến lẫn tấn công các mục tiêu trên đất liền ở khoảng cách xa gấp đôi tầm bắn của hệ thống Uran hiện tại.
Tàu tên lửa Molniya trang bị 16 tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35 Uran, tầm bắn 130 km - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Anh Sơn
>> Châu Âu thống trị thị trường tàu chiến ở Đông Nam Á
>> Tàu tên lửa Việt Nam đóng sẽ trang bị tên lửa Klub của Nga
>> Nga giao trễ 2 chiến hạm Gepard cho VN vì Ukraine không bán động cơ
>> Hai tàu Gepard 3.9 dự đóng của VN sẽ trang bị tên lửa Club-K?
>> Pháp chào hàng tàu tên lửa tàng hình với Việt Nam, Malaysia
>> Hai tàu Gepard 3.9 tới của Việt Nam trang bị hệ thống tên lửa gì ?
>> Việt Nam đóng tiếp 4 tàu tên lửa Molnya (Nga), dùng động cơ Ukraine
Bình luận (0)