Việt Nam sẽ nằm trong top 4 nước lạm phát cao của thế giới?

26/10/2011 13:27 GMT+7

(TNO) “Mặc dù tỷ lệ lạm phát của Việt Nam so với tháng 12.2010 sẽ có xu hướng giảm tốc và đạt được mức dự báo khoảng 19% vào cuối năm nay, song con số này vẫn sẽ đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu trên thế giới về lạm phát tăng cao vào cuối năm 2011”.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra nhận định trên trong Bản tin kinh tế vĩ mô số 5 (10.2011) sẽ gửi tới các ĐBQH ngày hôm nay 26.10, như một kênh thông tin tham khảo hữu ích về tình hình kinh tế trong và ngoài nước.

Lạm phát năm 2011 dự báo 18,98%

Phân tích những áp lực dẫn tới gia tăng chỉ số lạm phát từ nay đến cuối năm, như áp lực tăng giá USD so với VND, áp lực điều chỉnh tăng giá điện, áp lực tăng lương…, Ủy ban Kinh tế nhận định khả năng kiềm giữ lạm phát dưới 18% theo mục tiêu của Chính phủ “trở nên rất khó khăn”.

Đáng chú ý, theo Ủy ban Kinh tế, tỷ lệ lạm phát chung của Việt Nam năm 2011 (so với tháng 12.2010) được dự báo sẽ ở mức khá cao: 18,98%. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực hiện Nghị quyết 11, cộng với việc thúc đẩy ưu đãi tín dụng cho vay đối với sản xuất lương thực và thực phẩm, cũng như kịch bản kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 17%, tổng phương tiện thanh toán không vượt quá 12% và nỗ lực kiềm chế điều chỉnh tăng giá điện cho đến hết năm 2011, mà lạm phát của Việt Nam sẽ biến thiên từ 17 - 21% với độ tin cậy 70%.

Tương ứng với đó, tỷ lệ lạm phát cơ bản (đã loại trừ nhóm lương thực, thực phẩm và năng lượng) của Việt Nam năm 2011 dự báo ở mức 9,45% so với thời điểm tháng 12.2010 (biến thiên từ 9 - 9,9% với độ tin cậy 70%).

Lạm phát nằm trong top 4 thế giới?

Đáng chú ý, trong Bản tin kinh tế vĩ mô, Ủy ban Kinh tế đánh giá bao quát là kể từ năm 2001 - 2010, tỷ lệ lạm phát chung của Việt Nam luôn biến động rất mạnh theo chiều hướng gia tăng về thứ hạng lạm phát cao so với các nước trên thế giới trong danh sách gồm 182 nước được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xếp hạng.

Nhận định trên xuất phát từ chỉ số lạm phát biến động theo hằng năm. Cụ thể là nếu như năm 2001, Việt Nam có vị trí xếp hạng khá an toàn và rất thấp (152/182 nước) thì đến năm 2007 đã tăng vọt lên vị trí thứ hạng khá rủi ro (27/182 nước), rồi tiếp tục tăng nhanh lên mức đáng báo động cao vào năm 2008 (xếp hạng 14/182 nước) và chỉ giảm nhẹ vào năm 2010 (đứng thứ 17/182 nước).

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, trong 8 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức rất cao khiến các tổ chức quốc tế như UNDP, vào tháng 5.2011, đã xếp hạng Việt Nam vào trong nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ lạm phát tăng cao, tiếp đó là đến cuối tháng 8.2011, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu châu Á và đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ lạm phát tăng cao so với thời điểm cùng kỳ năm trước.

“Mặc dù tỷ lệ lạm phát của Việt Nam so với tháng 12.2010 sẽ có xu hướng giảm tốc và đạt mức dự báo khoảng 19% vào cuối năm 2011 song con số này quả thực vẫn sẽ đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu trên thế giới về lạm phát tăng cao vào cuối năm 2011. Điều đó cho thấy tồn tại nguy cơ tiềm ẩn rủi ro khá cao về bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam”, Ủy ban Kinh tế nhận định.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.