Trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng, đặc biệt sau khi ông Donald Trump tái đắc cử chức tổng thống Mỹ, nhiều công ty sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới đang xem xét việc chuyển đổi địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn. Kết quả là Việt Nam đang nổi lên như một trong những lựa chọn hàng đầu để xây dựng các dự án nhà máy bán dẫn.
Từng bước biến Việt Nam thành trung tâm bán dẫn
Báo cáo từ Reuters cho biết, một số công ty lớn đang thử nghiệm khả năng sản xuất tại Việt Nam trong bối cảnh chính phủ nước ta cũng đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất chip thông qua nhà mạng Viettel và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2030.
Nhằm đạt đến mục tiêu rộng lớn hơn, chính phủ hiện nỗ lực tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà sản xuất chip, bao gồm nhiều lợi thế khác nhau. Đầu tiên không thể không nhắc đến là sự "ổn định chính trị và kinh tế", nơi Việt Nam không chịu sự ảnh hưởng của các lệnh cấm thương mại từ Mỹ hay châu Âu. Thứ hai là sự hỗ trợ từ chính phủ khi các ưu đãi thuế và đầu tư sẽ được cung cấp để thu hút doanh nghiệp.
Không chỉ có vậy, Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực dồi dào và có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng công nghiệp giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất, lắp ráp và đóng gói chip. Cuối cùng là việc Việt Nam đặt mục tiêu trở thành siêu cường bán dẫn vào năm 2032, với tham vọng chiếm 8 - 9% tổng sản lượng chip toàn cầu.
Nhìn chung, Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này là rất lớn.
Bình luận (0)