Trong hai ngày ở Singapore, đoàn cán bộ MPI đã có các cuộc tiếp xúc với đại diện phía bạn gồm các Bộ Công thương, Ngoại giao, Cơ quan phát triển kinh tế, Cục Doanh nghiệp quốc tế và 7 cổ đông của SITC tại Singapore cùng một số nhà đầu tư có nguyện vọng mua lại các cơ sở của SITC tại Việt Nam.
"Chúng tôi đã cùng đại diện các cơ quan chức năng của Singapore xác định lại việc đăng ký hoạt động của các công ty mẹ của SITC Việt Nam có đúng pháp luật hay không và qua đó để thấy rõ tư cách pháp nhân, vai trò của mỗi thành viên cũng như mối quan hệ của họ với nhau", bà Mai Thu, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Trưởng đoàn công tác MPI cho biết như vậy ngay sau khi bước ra khỏi cuộc họp hơn 3 giờ đồng hồ với các cơ quan chức năng Singapore hôm 20/2.
Những công ty mà bà Thu nói ở đây bao gồm Life Knowledge Consultancy (LKC); Life Knowledge Holdings (LKH) và SITC Holdings đăng ký thành lập theo pháp luật Singapore. Cả 3 công ty này đều có chung đăng ký tại một địa chỉ giao dịch là 2 Balestier road # 04-697 Balestier hill Shopping center Singapore 320002. Theo khẳng định của các cơ quan chức năng Singapore, đây là những công ty vẫn đang hoạt động và được thành lập theo đúng luật pháp nước sở tại.
Sau cuộc họp với đoàn công tác MPI, đại diện các cơ quan chức năng Singapore đã từ chối trả lời phỏng vấn báo chí. Tuy nhiên, sau đó họ cũng đã có một bản thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí có quan tâm. Trong đó, đại diện Bộ Công thương Singapore nói việc đóng cửa các trung tâm SITC ở Việt Nam gây ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên và người làm công là điều không mong muốn, không may mắn... Ngoài ra, đại diện Bộ Công thương Singapore cũng cho rằng, Trung tâm SITC là một công ty thương mại được thành lập tại VN nên họ hy vọng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết theo pháp luật VN. Thực tế này cho thấy, sẽ khó để có được một sự trợ giúp về kinh tế từ phía Singapore trong việc giải quyết hậu quả của sự đổ bể SITC tại Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chuyến đi, các cán bộ MPI và đại diện Sứ quán VN tại Singapore đã có cuộc gặp gỡ với 7 cổ đông ở Singapore góp vốn vào SITC VN nhằm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Những ghi nhận ban đầu của cả đoàn công tác và Đại sứ quán cho thấy, các cổ đông này cũng là nạn nhân của Giám đốc SITC Việt Nam, ông Michael Yu. "Tại các cuộc gặp gỡ, trông họ thật thà và rất đáng thương. Sau mỗi lần SITC ở VN mở thêm chi nhánh hay có vấn đề, họ đều góp tiền vào tài khoản của SITC tại Singapore để Michael Yu sau đó tự do sử dụng. Tổng số tiền mà các cổ đông đã góp ước lên tới trên 400.000 USD", ông Nguyễn Xuân Thủy, Tham tán công sứ VN tại Singapore cho biết.
Theo bà Mai Thu, việc gặp gỡ và xác nhận tư cách pháp nhân của các cổ đông góp vốn tại Singapore có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ việc SITC. Sau khi Michael Yu bỏ trốn, cho đến nay vẫn chưa xác nhận được ai là người có quyền thay mặt ông ta để giải quyết các thủ tục đối với SITC như phá sản, thanh lý tài sản, đền bù cho học viên, giáo viên và người lao động. Và cho đến nay, ngay cả việc khởi kiện Michael ra tòa về tội lừa đảo cũng chưa tìm được người đứng tên chính thức...
Trong thời gian đoàn cán bộ MPI sang Singapore làm việc, có một số nhà đầu tư đã tìm gặp với mong muốn được thay thế SITC trong việc tiếp tục đào tạo tại VN và hỗ trợ một phần các nạn nhân là học viên, giáo viên và người lao động của SITC. Hiện tại, AEC Education Group được xem là nhà đầu tư sáng giá hơn cả trong việc tiếp quản SITC tại VN. Đây là doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Anh quốc. Đại diện của AEC tại Singapore, ông David Ho cũng đã có cuộc tiếp xúc với đoàn công tác MPI khi đoàn này ở Singapore. Tuy nhiên, các thủ tục cần thiết để một số trung tâm của SITC Việt Nam sớm hoạt động trở lại là không hề dễ dàng.
Chấn Hưng
Bình luận (0)