Với 1,3 triệu tấm pin được lắp đặt, cụm công trình năng lượng này có công suất 420 MW và sản lượng điện mỗi năm 690 triệu kWh. Đây là kết quả từ dự án hợp tác đầu tư giữa Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và đối tác B. Grimm Power Public (Thái Lan).
Lội nước xây nhà máy
Nằm tại thượng nguồn hồ thủy lợi lớn bậc nhất phía Nam, hơn 500 ha đất xây dựng nhà máy thuộc khu vực có địa hình ngập thường xuyên và bán ngập trong mùa mưa. Nhiều năm trước đó, phần đất này chỉ được người dân tận dụng thời điểm nước cạn để trồng các loại hoa màu ngắn như bông, bắp, đậu phộng... Tuy nhiên, mực nước lên xuống thất thường theo mùa mưa mỗi năm khiến việc canh tác cho năng suất khá hạn chế.
“Chúng tôi chọn nơi đây không chỉ bởi những thuận lợi trong việc giải tỏa mặt bằng. Xa hơn, đó còn là giải pháp tối ưu trong việc tận dụng quỹ đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, cũng như khai thác những tiềm năng về điện mặt trời tại địa phương” - ông Tô Duy, Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Xuân Cầu, đơn vị đầu tư dự án, cho biết.
Với cường độ bức xạ đạt tới 5,1 kWh/m2/ngày và số giờ nắng trung bình lên đến 2.400 giờ/năm, Tây Ninh vẫn được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng lớn cho điện mặt trời. Vấn đề còn lại nằm ở lựa chọn - cũng như tiềm lực - từ nhà đầu tư, để có thể vượt qua những phức tạp đặc thù của địa hình và đáp ứng yêu cầu về công nghệ.
Cụm công trình nhà máy Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 được xây dựng trong gần một năm (kể từ giữa năm 2018) bằng những giải pháp đặc thù trên vùng đất ngập. Địa hình tại đây không cho phép đổ bê tông tại chỗ để xây dựng các trụ pin. Do vậy, toàn bộ 200.000 trụ bê tông của công trình đều là trụ đúc sẵn, được vận chuyển 135 km từ cảng Cát Lái tới hồ Dầu Tiếng.
Vào cuối mùa mưa 2018 - khi mực nước dâng cao suốt 4 tháng - việc đưa thiết bị và vật liệu từ bãi tập kết vào vị trí xây dựng đều phải dùng sức người và các thuyền nhỏ. Sau đó, khi thi công các trụ giữa biển nước, thao tác định vị cũng rất phức tạp để đảm bảo vị trí tối ưu theo thiết kế về góc nghiêng của pin hoặc khoảng cách giữa các hàng...
Đồng thời, để có thể đạt quả tối đa khi vận hành, hệ thống pin tại nhà máy được sử dụng công nghệ quang điện loại silic đa tinh thể có hiệu suất chuyển đổi trên 17%; 70 bộ inverter (biến tần) có hiệu suất chuyển đổi trên 98%, đều theo công nghệ 1500VDC để giảm thiểu tối đa tổn hao điện năng.
Để tiềm năng hết là... tiềm ẩn
Hoạt động từ tháng 6.2019, cụm công trình năng lượng Dầu Tiếng hiện đang là nhà máy điện mặt trời có công suất lớn bậc nhất Đông Nam Á, và là một trong những nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam được xây dựng trên quỹ đất ngập nước.
Tại nhiều nước phát triển, việc khai thác quỹ diện tích mặt nước để xây dựng nhà máy điện mặt trời đã xuất hiện từ hơn một thập kỷ qua. Điển hình cho xu hướng đó là Nhật Bản - đất nước với địa hình ít có các quỹ đất bằng phẳng và đủ lớn. Kể từ năm 2011, khi nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima gặp sự cố vì thảm họa động đất, quốc gia này đã phát triển một lượng lớn nhà máy điện mặt trời trên hệ thống các hồ thủy lợi, hồ điều hòa, thậm chí là trên bề mặt đại dương bao quanh.
Chia sẻ từ các kỹ sư của nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng cho thấy khá rõ hiệu quả từ lựa chọn này: việc nằm sát mặt nước khiến nhiệt độ môi trường tại đây thấp, giảm thiểu tối đa hao hụt điện năng, đồng thời khiến việc vệ sinh các tấm pin giảm rất nhiều chi phí, thay vì các tấm pin phải vệ sinh theo chu kỳ khoảng 2 tháng/lần, tại đây chỉ cần thực hiện 4 - 6 tháng/lần.
Đồng thời, vị trí của dự án nằm ngay cạnh khu vực trung tâm phụ tải phía Nam, do vậy sản lượng điện sản xuất từ nhà máy sẽ được tiêu thụ bởi các phụ tải này mà không phải truyền đi xa; lưới truyền tải khu vực dự án không bị quá tải nên tránh được việc phải cắt giảm công suất.
Trong bối cảnh hiện tại, không khó để nói rằng nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục phát triển và là lựa chọn phổ biến của tương lai - khi điện than bị hạn chế do yếu tố môi trường và nguồn than, điện nguyên tử chưa được triển khai, còn thủy điện gần như đã được khai thác hết. Với tiềm năng như vậy, loại hình năng lượng này cần một chiến lược quy hoạch bền vững, lâu dài và phù hợp với từng khu vực - điều có thể được gợi ý từ sự xuất hiện của những trường hợp như nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng.
Bình luận (0)