Các nước "móc tiền" du khách thế nào ?
Trở về sau chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm ở Nhật Bản, Hải Anh (ngụ Q.4, TP.HCM) tổng kết đã đóng góp cho ngành du lịch, thương mại của xứ sở mặt trời mọc hơn 80 triệu đồng. Đáng nói là hơn một nửa trong số đó đã "bay cái vèo" chỉ sau một buổi lang thang mua sắm ở Tokyo. "Nếu vé máy bay và chi phí ăn ở tại Nhật rẻ hơn thì khoản dành cho shopping chắc chắn còn nhiều hơn. Bởi nhìn gì cũng muốn khuân hết mang về", cô nói.
Trong chương trình tour của Hải Anh, có 3 điểm mua sắm là: khu Ginza và Shibuya ở Tokyo; khu Factory Outlet ở Fukushima và hệ thống siêu thị Nhật Bản nổi tiếng - Aeon Mall. Trong đó, Ginza được biết đến là một trong những khu mua sắm sang trọng nhất trên thế giới. Các thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới như Chanel, Dior, Gucci, và Louis Vuitton… đều tụ hội về đây. Anh Tuấn Thành, hướng dẫn viên đã có 18 năm kinh nghiệm dẫn tour Nhật, cho biết: Trước đây, người Việt tới chỉ đi dạo là chính vì khu này toàn đồ xa xỉ, chỉ có đại gia mới mua được. Ngay cả người Nhật đi dạo ở đây cũng là những người sang trọng, trang điểm lộng lẫy. Thế nhưng vài năm trở lại đây, đoàn khách nào anh dẫn cũng đòi tới Ginza mua đồ. "Khách Việt ngày càng chịu chơi và chuộng hàng hiệu", anh Tuấn Thành nhận xét.
Ginza cũng là một trong những địa điểm đẹp nhất để ngắm cảnh lên đèn ở Tokyo. Sau khi các cửa hàng đóng cửa và khách mua sắm về nhà, khu phố này khoác lên mình diện mạo thứ hai: Khu vui chơi giải trí về đêm ngập tràn ánh đèn với những quán bar, câu lạc bộ đêm cao cấp. "Lạc ở Ginza từ chiều đến tối bằng 3 tháng lương cày cuốc ở nhà", Hải Anh ví von.
Song, tiếng "ting ting" thông báo trừ tiền từ thẻ visa dường như không đủ làm hạ nhiệt tinh thần mua sắm của đoàn khách Việt. Xe vừa dừng ở khu Factory Outlet rộng hàng ngàn héc ta gần tuyến cao tốc trên đường từ Tokyo đến Fukushima, cả đoàn vội xuống ăn trưa thật nhanh để tranh thủ đi mua sắm bởi theo lịch trình, thời gian dừng tại điểm này chỉ có 2 giờ. Coach, Nike, Adidas, Puma…, hàng trăm thương hiệu quần áo, giày dép, túi xách với mức giảm giá tới 70 - 80% mê hoặc các "tín đồ shopping". Mỗi người túi to túi nhỏ, í ới chỉ nhau hàng nào, quầy nào khuyến mãi nhiều. Hình ảnh tương tự cũng diễn ra khi tới Aeon Mall. Đoàn khách của anh Thành còn xin cắt bớt chương trình tham quan, thay đổi lịch trình từ 2 tiếng lên 4 tiếng ở Aeon Mall để đủ thời gian tiêu tiền.
"Phân khúc nào cũng có chỗ cho du khách mua sắm thỏa thích. Hàng thì chất lượng, chỉ việc đưa passport ra là có thể hoàn thuế ngay tại chỗ, bảo sao mọi người không mê. Lang thang ăn uống, mua sắm đang là xu hướng lựa chọn của du khách, thay vì chỉ chăm chăm đến điểm tham quan như trước đây. Đó là lý do hầu hết các doanh nghiệp (DN) lữ hành hiện nay đều xây dựng tour thoáng hơn, nhiều thời gian tự do hơn cho du khách trải nghiệm", hướng dẫn viên Tuấn Thành chia sẻ.
Tương tự, cung đường hoa lệ bậc nhất ở Singapore - Orchard Road là điển hình cho sự thành công của thương hiệu du lịch quốc gia đến từ dịch vụ mua sắm. Ít ai biết rằng trước đây, Orchard Road chỉ là một con đường nông thôn với hàng rào tre và cây bụi, thậm chí không có tên. Xung quanh là các vườn trái cây, trang trại và đồn điền. Đến năm 1958, thương nhân CK Tang quyết định mở rộng cửa hàng bách hóa House of Tangs ở Orchard Road và đặt nền móng cho Orchard Road chứng kiến sự chuyển mình từ vùng đồn điền thành khu đô thị sôi động bậc nhất, được ví như Fifth Avenue của New York, Champs-Élysées của Paris và Mayfair of the East của London. Đây được xem là con phố tổ hợp mua sắm và giải trí nổi tiếng hàng đầu tại châu Á chứ không chỉ riêng Singapore. Hằng năm, khu vực này thu hút lượng khách du lịch khổng lồ, lên tới 7 triệu người. Hay khu liên hợp Adventure Cove Waterpark mỗi năm cũng đóng góp hơn 2% vào tăng trưởng GDP của đảo quốc sư tử.
Tại Hồng Kông, chỉ riêng tổ hợp vui chơi giải trí Disneyland mỗi năm đón hơn 100 triệu lượt khách đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hơn 1,5%. Sức mạnh của mua sắm, giải trí cũng là lý do khiến Hàn Quốc tập trung xây dựng hàng trăm khu chợ đêm, phục vụ mua sắm, ăn uống, giải trí cho du khách ở hầu khắp các TP. Trong đó nổi bật là khu phố mua sắm, ẩm thực Myeongdong thu hút trên dưới 1 triệu người mỗi ngày, đa phần là khách du lịch. Khu phố này được xếp ngang hàng với những khu mua sắm nổi tiếng tại New York, Hồng Kông, Milan hay Paris và trở thành một trong những nơi phải đến đối với khách du lịch tại Hàn Quốc.
Thái Lan, "đối thủ" du lịch hàng đầu của VN, cũng phát triển rất tốt mô hình du lịch dựa trên các hoạt động tổ chức sự kiện, tiệc, câu lạc bộ đêm. Được coi là điểm đến "hết tiền vẫn chưa hết chỗ chơi", Pattaya đang xếp hạng 2 trong top những TP du lịch hút khách nhất thế giới, chỉ sau London. Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng 28,2% trong năm 2020 và các khu phố du lịch là mảnh ghép trọng yếu đóng góp vào doanh thu khổng lồ 57 tỉ USD cho du lịch nước này.
Những thủ phủ du lịch "đói" điểm mua sắm
Mỗi năm, các công ty du lịch của VN tổ chức hàng vạn tour đưa khách Việt sang Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… chỉ để kích cầu tiêu dùng cho nước bạn. Trong khi ở chiều ngược lại, du khách tới VN bao năm qua vẫn loay hoay trong câu chuyện không biết chơi gì, tiêu tiền ở chỗ nào. Hồi tháng 8, trên mạng xã hội xôn xao câu chuyện một kiến trúc sư người Mexico mang theo một con ngựa giấy mua ở phố Hàng Mã ra sân bay đưa về nước làm quà lưu niệm. Câu chuyện con ngựa giấy tưởng nhỏ nhưng lại khiến không ít người đặt câu hỏi: "Đến VN, chẳng nhẽ chỉ có vàng mã là lạ, là đáng mua hay sao?".
Theo Niên giám thống kê 2022, chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế đến VN đã tăng nhẹ từ mức 1.141,5 USD năm 2017 lên 1.151,7 USD năm 2019 nhưng nếu so với 2014, mức chi tiêu cho mua sắm giảm mạnh gần 6% (năm 2014, mua sắm chiếm 18,34%, đến 2022 chỉ còn 12,4%). Đáng nói, khách Trung Quốc - thị trường nổi tiếng mạnh tay chi tiêu số 1 thế giới - lại nằm top thị trường chi tiêu ít nhất khi đến VN, cùng với những thị trường lớn nhất như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
Liên doanh cửa hàng miễn thuế dưới phố (Downtown Duty free) đầu tiên ở VN
Nguyên nhân là hệ thống sản phẩm của VN còn nghèo nàn cả về hàng địa phương lẫn hàng hiệu. Khách đến Nhật muốn mua hàng nội địa Nhật, sang Thái Lan muốn tìm mua đồ Thái, tới Hàn Quốc là "lao" đến các khu mua sắm đồ nội địa Hàn, nhưng hầu như không ai tới VN tìm mua đồ Việt. Tại các điểm tham quan, khu chợ đêm, khu phố đi bộ chỉ bày bán lẻ tẻ những món đồ tạp nham, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Các mặt hàng lưu niệm tại địa phương cũng chưa được chú trọng đầu tư, hàng hóa nội địa không được cam kết chất lượng, không có những địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền. Trong khi đó, "trận địa" hàng hiệu gần như bỏ trống khi chưa có chính sách để phát triển các khu factory outlet, cửa hàng miễn thuế dưới phố…
Cuối năm 2022, liên doanh giữa tập đoàn kinh doanh miễn thuế Lotte và Công ty thành viên IPPG của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn khai trương liên doanh cửa hàng miễn thuế (CHMT) dưới phố (Downtown Duty free) đầu tiên của VN tại TP.Đà Nẵng với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục triệu USD. Không chỉ quy tụ hơn 200 thương hiệu quốc tế đẳng cấp thế giới với đa dạng các ngành hàng từ mỹ phẩm, rượu, thuốc lá, nữ trang, đồng hồ, thời trang, CHMT rộng hơn 2.000 m2 này còn lần đầu tiên giới thiệu với thị trường miễn thuế toàn cầu các thương hiệu nội địa nổi tiếng như Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ, trang sức ngọc trai Long Beach Pearl, nước hoa Miss Saigon, Trung Nguyên Café G7, Cochine Vietnam...
Lập tức, khu CHMT này trở thành "thỏi nam châm" hút khách Hàn Quốc từ hàng trăm chuyến charter, đồng thời nhanh chóng có mặt trong top những điểm phải đến khi tới thủ phủ du lịch miền Trung. Thế nhưng, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng thừa nhận do chưa có sự liên kết tốt nên CHMT này chưa thực sự tạo ra "cú hích" cho thị trường du lịch mua sắm tại thành phố. Bên cạnh đó, muốn thực sự đẩy mạnh được lĩnh vực này, VN phải thực sự đẩy mạnh được thương hiệu điểm đến mua sắm. Nếu muốn địa phương tự xây dựng thương hiệu thì phải có những chính sách ưu đãi rất đặc thù, như cách Trung Quốc đã làm tại đảo Hải Nam.
Đà Nẵng không phải địa phương duy nhất "đói" điểm mua sắm. Từ Phú Quốc đến Đà Lạt, Nha Trang, Hà Nội… du khách chủ yếu chỉ ngày đi tham quan rồi tối về ngủ, không có chỗ chơi, không có chỗ mua sắm tiêu tiền. Trận địa mua sắm còn để lại nhiều tiếc nuối hơn ở TP.HCM. Bởi, đầu tàu kinh tế dù là trung tâm mua sắm - thương mại của cả nước nhưng vẫn chưa có một trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí xứng tầm. Khu mua sắm "nổi tiếng" nhất hiện nay là chợ Bến Thành nhưng chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ phụ kiện, trang sức… hàng "fake", hàng Trung Quốc kém chất lượng. TP cũng có những tuyến đường hàng hiệu như Đồng Khởi, những phố shopping phân khúc từ tầm thấp đến tầm trung như Nguyễn Trãi; hàng trăm cơ sở mua sắm được cấp biển hiệu dịch vụ mua sắm đạt chuẩn du lịch, có hoàn thuế VAT cho du khách. Song, từng phân khúc không được tổ chức bài bản, chỉ hoạt động theo kiểu tự phát, rời rạc nên không tạo ra hiệu ứng.
Dư địa nào cho VN?
Theo Hiệp hội Các thành phố du lịch thế giới (WTCF), quy mô ngành du lịch mua sắm đạt 61 tỉ USD năm 2022, trong đó Hàn Quốc nắm giữ 16 tỉ USD. Các nước châu Á - Thái Bình Dương chiếm giữ 53% thị phần của thị trường du lịch mua sắm thương mại nhưng tỷ trọng mua sắm của VN chỉ đạt vài trăm ngàn USD. "Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), ví von con số này của VN chỉ bằng "giọt nước" so với mặt bằng chung. Đó cũng là lý do dù tốc độ tăng trưởng của du lịch VN tương đương với Thái Lan và luôn dẫn đầu tại Đông Nam Á nhưng lượng khách và mức độ chi tiêu còn kém xa. Thiếu các điểm vui chơi, mua sắm, giải trí cũng chính là nút thắt hạ tầng cơ bản khiến VN thắp mãi chưa sáng được kinh tế đêm.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói thẳng không có mua sắm thì không thể phát triển được du lịch và kinh tế đêm. VN cần đầu tư, phát triển những mặt hàng lưu niệm tại địa phương, hàng hóa nội địa được cam kết chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ. Song, hàng hiệu mới là lĩnh vực chúng ta còn nhiều dư địa, nhất là với TP.HCM. Cụ thể, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030) đã xác định phương hướng, nhiệm vụ là thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Nghị quyết đã được HĐND TP thông qua cùng chiến lược mời gọi DN quốc tế hợp tác. Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai xây dựng với quy mô 100 triệu khách/năm, trở thành hub của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, DN như IPPG đã đàm phán với các nhà cung cấp để đạt được mức giá bán bằng giá tại Pháp, tại Singapore và thấp hơn ở Trung Quốc dù bán lẻ và phải chịu thuế. Nếu được tạo điều kiện để hình thành những khu factory outlet, cửa hàng miễn thuế dưới phố thì VN sẽ là "thỏi nam châm" hút khách quốc tế tới tiêu tiền.
"Trong quy mô 61 tỉ USD đó, chúng ta phải xây dựng kế hoạch ngay từ bây giờ để chiếm được 10 tỉ USD. 10 tỉ USD rất lớn, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất, tiêu dùng. Hiện nay, thay vì tập trung vào nghề nghiệp mang lại thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng, chúng ta cần tập trung ưu tiên phát triển ngành nghề mang lại doanh thu cao để đạt mức thu nhập của một quốc gia phát triển vào năm 2045 như kế hoạch đã đề ra", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cũng cho rằng thời điểm các địa phương quyết tâm phát triển kinh tế đêm chính là "thời cơ vàng" để VN khai phá mảnh đất màu mỡ du lịch mua sắm. Bởi, một mô hình kinh tế đêm cần đáp ứng đầy đủ 3 cấu phần: vui chơi, ăn uống và mua sắm. Khu phức hợp kinh tế đêm sẽ bao gồm cả thiên đường ẩm thực; không gian vui chơi giải trí và khu mua sắm có thể bán hàng lưu niệm, hàng truyền thống VN hay các khu outlet, hàng hiệu, hàng miễn thuế được đảm bảo chất lượng, có kiểm soát. Phát triển du lịch mua sắm sẽ tích cực kích cầu mua sắm và tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến VN. Đồng thời, thúc đẩy ngành dệt may, ngành thời trang trong nước phát triển. Từ thiên đường mua sắm, VN có thể tiến tới trung tâm thời trang.
TP.HCM phải có trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm cao cấp
Thái Lan, Singapore, Malaysia đã sắp tới mức trần rồi, trong khi chúng ta còn dư địa rất nhiều. TP.Thủ Đức còn hàng trăm ngàn héc ta đất chưa khai thác. Còn gì để chần chừ? TP.HCM phải có trung tâm thương mại, cửa hàng cao cấp.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)
Sớm có trung tâm mua sắm dành riêng cho du khách quốc tế
Chiến lược kích cầu du lịch thông qua mua sắm cần được xem là một phần của Chiến lược phát triển du lịch VN cũng như Chiến lược xuất khẩu hàng hóa VN để xây dựng những chính sách thật sự mang tính khuyến khích. Chúng ta cần sớm có một trung tâm mua sắm dành riêng du khách quốc tế tại các điểm du lịch hàng đầu của cả nước để những quyền lợi cơ bản của du khách được đảm bảo. Song song, cần tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch VN như là một điểm đến không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên, văn hóa và con người mà còn là điểm đến du lịch mua sắm của khu vực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của du khách với sự đảm bảo về chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý, rõ ràng về xuất xứ.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch
Bình luận (0)