Việt Nam tổ chức SEA Games 31 như ASIAD thu nhỏ

18/10/2020 09:29 GMT+7

Việt Nam sẽ tạo ra một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á đặc biệt nhất trong lịch sử khi biến SEA Games 31 năm 2021 thành Olympic và ASIAD thu nhỏ.

Vậy đoàn thể thao nước chủ nhà sẽ chuẩn bị như thế nào khi cuộc cạnh tranh với các đối thủ mạnh của khu vực sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết?

SEA Games 31 không còn như “ao làng”

Tại hội nghị trực tuyến Hội đồng thể thao Đông Nam Á dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 11 tới đây, Việt Nam sẽ chính thức công bố số lượng và các nội dung của 40 môn thể thao tại đại hội. Ngày 17.10, chia sẻ với Báo Thanh Niên, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, cho hay: “Chúng ta mạnh dạn tổ chức SEA Games 31 với đầy đủ các bộ huy chương của tất cả nội dung, không thiếu bất kỳ một nội dung nào. Sự đột phá này sẽ mang đến cho SEA Games 31 một cú hích mang tính lịch sử, nhằm tiệm cận được phong cách tổ chức của hai đại hội thể thao tầm cỡ thế giới và châu lục. Hiến chương của Olympic và ASIAD đưa ra những quy định khắt khe, trong đó yêu cầu phải tổ chức đầy đủ nội dung. Trong khi đó, đối với SEA Games từ trước đến nay, các nước chủ nhà được phép cắt bỏ nội dung, cắt bỏ phân môn, nhưng chúng ta sẽ không làm như vậy. Trình độ chuyên môn của đại hội sẽ được nâng “chất” bởi các đoàn sẽ phải cạnh tranh gay gắt. Đó cũng là một cách để thúc đẩy thể thao Đông Nam Á phát triển, nhất là ở các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic”.
“Liệu đoàn thể thao Việt Nam có tận dụng lợi thế sân nhà để tham gia với số lượng hùng hậu nhất và vươn lên vị trí dẫn đầu SEA Games 31 về số lượng huy chương?”. Trước câu hỏi này của Báo Thanh Niên, ông Trần Đức Phấn nói: “Số lượng VĐV Việt Nam có lẽ sẽ nhiều nhưng nhiều ở mức độ nào, chúng tôi sẽ phải tính toán cho phù hợp với tình hình thực tế. Những nội dung chủ lực của Việt Nam vẫn đang được đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải chấp nhận việc nhiều nội dung mà Việt Nam sẽ không thể có thành tích cao do các nước rất mạnh. Trong khu vực, thành tích của thể thao Việt Nam khi tham dự Olympic, ASIAD luôn đứng sau 4 quốc gia Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia. Việt Nam tổ chức tất cả nội dung như Olympic, ASIAD, đồng nghĩa với việc phải đối mặt với những thử thách cực kỳ to lớn. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ phấn đấu giành vị trí cao cho xứng đáng với sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ”.
Ngành thể thao đã lên kế hoạch dự trù một khoản kinh phí vào khoảng 500 - 750 tỉ đồng phục vụ công tác đào tạo HLV, VĐV trong khoảng 3 năm, hướng đến 3 mục tiêu lớn, trong đó có việc đạt kết quả khả quan tại SEA Games 31 (hai mục tiêu còn lại là Olympic 2020 - đại hội đã bị hoãn sang năm 2021 và ASIAD năm 2022).
Việt Nam tổ chức như ASIAD thu nhỏ

Kiếm thủ Vũ Thành An (trái), đang tích lũy điểm dự Olympic và cũng kỳ vọng sẽ giành HCV SEA Games 31

Ảnh: NHÂN VĂN

Nhà nghèo vượt khó

Đây là một phần kế hoạch nằm trong đề án đăng cai SEA Games 31, thay thế cho chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo VĐV đã bị loại bỏ cách đây mấy năm do không còn giá trị sử dụng. So với các nước trong khu vực, khoản đầu tư này không thấm vào đâu. Theo một quan chức khác của ngành thể thao, Singapore mỗi năm chi số tiền đầu tư cho thể thao cao gấp khoảng vài chục lần số tiền mà Việt Nam dự định chi trong 3 năm như vừa kể trên. Lấy ví dụ điển hình, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được coi là VĐV được đầu tư khủng nhất Việt Nam, lên đến gần 7 tỉ đồng trong 3 năm (khi cô còn tập huấn tại Mỹ). Nhưng như thế vẫn không là gì so với VĐV bơi nổi tiếng bậc nhất Singapore là Schooling - được sang Mỹ tập huấn năm 11 tuổi, với số tiền vào khoảng 20 - 30 tỉ đồng/năm. Mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng các nước có nền thể thao mạnh trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… vẫn sẽ đầu tư nhiều tiền của với mục tiêu cạnh tranh với Việt Nam ngôi nhất toàn đoàn tại SEA Games 31.
Trong kế hoạch về kinh phí trình lên Chính phủ phê duyệt, ngành thể thao Việt Nam bày tỏ nguyện vọng nếu được đầu tư có chiều sâu, thể thao nước nhà sẽ có thêm những bước đột phá mạnh mẽ, đảm bảo cho việc nâng cao và duy trì vững chắc thành tích ở đại hội khu vực. Có tổng cộng 3 hạng mục cần được chu cấp kinh phí. Dự án đầu tiên là đầu tư trọng điểm cho 20 VĐV thuộc 7 môn (điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, TDDC, xe đạp, đấu kiếm) có khả năng giành HCV ASIAD 19 năm 2022 và giành huy chương Olympic 2020. Kinh phí cho dự án này vào khoảng 150 - 210 tỉ đồng, trong đó nhà nước chi phần lớn (khoảng 140 - 200 tỉ đồng), 10 tỉ đồng còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa.
Dự án thứ 2 là hỗ trợ đào tạo tài năng ở các môn thể thao trọng điểm tại các địa phương và ngành. 980 VĐV năng khiếu của 18 môn Olympic, ASIAD thuộc 19 địa phương được đưa vào danh sách đầu tư, làm cơ sở nền tảng cho việc bổ sung lực lượng cho đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia. Số VĐV này sẽ được hưởng những trang thiết bị tập luyện hiện đại, đầy đủ (ví dụ bắn súng sẽ không bị tình trạng thiếu đạn, thiếu súng). Kinh phí của dự án này vào khoảng 300 - 500 tỉ đồng là nguồn kết hợp giữa ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác. Dự án thứ 3 là đào tạo, bồi dưỡng HLV với kinh phí vào khoảng 20 tỉ đồng. Tổng cộng, kinh phí thực hiện 3 dự án nói trên vào khoảng 500 - 750 tỉ đồng...
Cũng có thể vì tác động nghiêm trọng của Covid-19 mà khoản kinh phí nói trên sẽ được Chính phủ cân nhắc, xem xét. Nếu không được phê duyệt tất cả, ngành thể thao cũng vẫn hy vọng được rót khoảng 2/3. Trong hoàn cảnh này, Việt Nam đúng là “con nhà nghèo vượt khó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.