Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội toàn cầu đang đứng trước những đổi thay sâu sắc và khó lường, đặc biệt dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, việc phát triển một nền kinh tế số tinh gọn, thuận tiện, hiệu quả, giảm thiểu tương tác trực tiếp và các quy trình thủ tục cồng kềnh đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh quá trình số hóa ngành kinh tế, đặc biệt trên phương diện tài chính tiền tệ, vốn là lĩnh vực mà chúng ta vẫn còn vấp phải những trở ngại nhất định trong phổ cập kiến thức và chuyển đổi hành vi cộng đồng. Chính phủ hiện cũng đang tập trung xây dựng hành lang chính sách và quan hệ đối tác với các bên liên quan, nhằm triển khai các giải pháp và củng cố nền tảng vững bền cho nền kinh tế số.
Thanh toán không tiền mặt: Trụ cột của nền kinh tế số
Theo báo cáo năm 2019 của Ngân hàng Thế giới về “Kinh tế số tại Đông Nam Á - Xây dựng nền tảng cho phát triển tương lai”, 6 trụ cột quan trọng của mọi nền kinh tế số phát triển bao gồm kết nối, thanh toán, kỹ năng, hậu cần, các quy định và chính sách.
Trong số đó, thanh toán ứng dụng công nghệ kỹ thuật số được xem là động lực, song cũng chính là hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng 4.0. Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có để tận dụng lợi thế của các hình thức TTKDTM nhằm thúc đẩy thương mại, sản xuất và tiêu dùng. Chỉ trong vòng một năm vừa qua, rất nhiều người tiêu dùng sinh sống tại thủ đô Hà Nội đã chủ động chuyển sang thanh toán phi tiền mặt. Hàng trăm ngàn hộ kinh doanh trên toàn quốc cũng đã tham gia vào mạng lưới của các công ty công nghệ tài chính lớn, tìm kiếm các cơ hội trong một thị trường số hóa đang không ngừng lớn mạnh.
Thế nhưng cũng theo Ngân hàng thế giới, mặc dù đã có nhiều người Việt Nam làm quen với các hình thức TTKDTM, hầu hết các giao dịch lớn nhỏ trên thị trường hiện nay vẫn dựa trên cơ sở tiền mặt. TTKDTM chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, và theo số liệu thống kê năm 2019, hiện chỉ có khoảng 41% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng.
Tiền mặt đã có một lịch sử vận hành rất sôi động tại Việt Nam, do đó không dễ dàng để thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt trong người dân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những thách thức của TTKDTM. Cần có sự hợp tác mạnh mẽ giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức, từ đó mang lại sự tăng trưởng toàn diện và trao quyền cho mọi người.
Ngày Thẻ Việt Nam 2020: Chung tay xây dựng hệ sinh thái không tiền mặt
Dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu tại các thị trường trên thế giới, Mastercard đánh giá Việt Nam sẽ có tốc độ chuyển đổi sang TTKDTM nhanh hơn trong vài năm tới, đặc biệt với sự chia sẻ cởi mở và sự bắt tay hợp tác giữa hai khối công - tư. Đây cũng là tiền đề triển khai các sáng kiến như Ngày Thẻ Việt Nam 2020, với chuỗi các sự kiện diễn ra trong các ngày 7-8.11 và 9-15.11.2020.
|
Sự kiện là một trong những bước đệm giúp giới trẻ hiểu và thay đổi thói quen thanh toán, từ đó thúc đẩy hình thành hệ sinh thái TTKDTM đơn giản, dễ dàng truy cập, tiến đến xây dựng một nền kinh tế số toàn diện.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy TTKDTM với thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ nội địa hay quốc tế như Mastercard, triển khai các mô hình ví điện tử, ngân hàng trực tuyến, hay tích hợp thanh toán điện tử vào các dịch vụ công... Các sáng kiến này cùng với mức độ thâm nhập internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao tại Việt Nam, đang từng bước kiến tạo một hệ sinh thái không tiền mặt ngày một đa dạng, hấp dẫn.
|
Bình luận (0)