Cụ thể, trả lời phỏng vấn có ông Vincent Conti (Kinh tế gia cao cấp chuyên về khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Tập đoàn Standard & Poor's (S&P Global Ratings - Mỹ); ông Robert Carnell (Kinh tế gia trưởng, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu, Ngân hàng ING - chi nhánh Singapore); GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ); chuyên gia kinh tế Danny Kim (Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody's).
Bức tranh ảm đạm
Ông dự báo thế nào về kinh tế thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) trong năm 2024?
Chuyên gia Danny Kim: Nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm trong năm nay, bởi chính sách tiền tệ vẫn còn hạn chế ở hầu hết các nơi trên thế giới. Lạm phát dần giảm xuống và các nước sẽ tập trung vào việc tính toán lại chính sách tiền tệ vào giữa năm theo hướng nới lỏng chút ít. Nhờ đó, trong nửa cuối năm 2024, các thị trường lớn bao gồm Mỹ và châu Âu sẽ có sự tăng trưởng nhu cầu. GDP toàn cầu có thể tăng 2,3% trong năm 2024, thấp hơn mức ước chừng 2,6% của năm 2023.
Đối với khu vực APAC, xuất khẩu hàng hóa sẽ bắt đầu hồi phục trong nửa sau của năm, với sự tăng đáng kể từ nhu cầu về các sản phẩm công nghệ. Nhu cầu nội địa tại APAC sẽ được kích thích trong nửa sau của năm sau khi lạm phát hạ nhiệt.
Ông Vincent Conti: S&P Global Ratings dự kiến kinh tế thế giới sẽ có điều chỉnh nhẹ vào năm 2024, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ đạt được kết quả lạm phát thấp hơn mà không có sự suy thoái kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, dự kiến nền kinh tế Mỹ trong vài quý tới sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với hiện tại.
Ở khu vực APAC, sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục làm áp lực lên nền kinh tế nước này, và tăng trưởng có thể sẽ dưới 5% vào năm 2024. Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu cho phần còn lại của khu vực APAC có khả năng tăng trưởng trở lại nhờ vào sự phục hồi của lĩnh vực điện tử sau một chu kỳ giảm dài.
Ông Robert Carnell: Nền kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu hơn trong năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có thể thấp hơn năm 2023, châu Âu đã rơi vào suy thoái và tác động từ việc tăng lãi suất trước đó có thể thể hiện rõ hơn trong năm 2024, kinh tế Mỹ cũng sẽ chậm lại dù chưa thể khẳng định có rơi vào suy thoái hay không. Nhìn chung, bối cảnh bên ngoài cho VN sẽ vẫn rất khó khăn.
GS David Dapice: Nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn so với năm 2023, mà theo Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo thì kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở mức khoảng 2,5%. Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trừ khi có thêm các biện pháp kích thích. Kinh tế Mỹ cũng sẽ chậm lại. Châu Âu gần như hoặc đã rơi vào suy thoái do siết chính sách tiền tệ và giá năng lượng tăng. Nhiều quốc gia đang phát triển đối mặt với vấn đề nợ nần. Trong bối cảnh này, lãi suất toàn cầu và lãi suất của Mỹ sẽ giảm dần, nhưng phải chờ đến năm 2025 thì mới có tác dụng. Tổng thể thế giới đang đối mặt với tình trạng dân số già đi và tỷ lệ sinh thấp; nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi xanh bị hạn chế…
Kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam
Qua đó, ông dự báo thế nào về kinh tế Việt Nam trong năm 2024?
Chuyên gia Danny Kim: Chúng tôi dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2024, tăng từ mức mở rộng 5% trong năm 2023. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và sản xuất công nghiệp. Sau khi tăng trưởng trong năm 2023 không đạt được mục tiêu được đặt ra ban đầu, chính phủ đã dời tập trung sang việc thúc đẩy kết nối khu vực và chuyển đổi số. Điều này sẽ giúp hỗ trợ sản xuất. Theo đánh giá sơ bộ, quý 4/2023 Việt Nam tăng trưởng 6,72% so với quý 4/2022, và quý 4/2023 là quý có mức tăng trưởng cao nhất trong 4 quý năm 2023. Đây có thể là kết quả từ việc xuất khẩu mạnh mẽ hơn. Chúng tôi dự kiến đà tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sẽ tiếp tục vào năm 2024.
Ông Vincent Conti: Đối với Việt Nam, chúng tôi dự kiến tăng trưởng năm 2024 sẽ là 6,3%. Sự tăng trưởng này đạt được do sự phục hồi của lĩnh vực điện tử và một lĩnh vực dịch vụ mạnh mẽ sẽ hỗ trợ triển vọng tốt hơn, mặc dù các thách thức từ lĩnh vực bất động sản tiếp tục có thể làm giảm tăng trưởng công nghiệp nội địa tổng thể.
Ông Robert Carnell: Tôi đồng thuận với sự báo của Bloomberg về việc GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, sau khi tăng trưởng 5,1% trong năm 2023. Đây là một sự tăng trưởng nhẹ.
GS David Dapice: Xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu tăng trưởng vào quý 4/2023 và điều này có thể tiếp tục trong năm 2024, do có sự tác động từ việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng. Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% cho năm 2024 là hợp lý nếu nền kinh tế thế giới không tồi tệ hơn. Du lịch dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi về mức độ trước đó, mặc dù tăng trưởng trong số lượng du khách đến sẽ chậm hơn so với năm 2023.
Trong bối cảnh đó, ông có khuyến nghị Việt Nam nên có chính sách thế nào?
Chuyên gia Danny Kim: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã không rơi vào xu thế chung siết chặt tiền tệ toàn cầu trong năm 2023. SBV đã giảm lãi suất cơ bản còn 4,5%, nên nếu cắt giảm tiếp thì sẽ không khả thi trong tương lai gần. SBV gần đây đã nhấn mạnh kỳ vọng lãi suất có thể không tăng trong năm 2024. Khi hoạt động kinh tế toàn cầu trở lại, thì có lẽ chính sách tiền tệ không cần phải vận dụng quá nhiều. Thay vào đó, cần tập trung vào chính sách tài khóa. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ ngày càng nhấn mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng như một nguồn động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong những năm sắp tới.
Ông Robert Carnell: Nhu cầu của thị trường nước ngoài bị yếu thì mức độ cạnh tranh trên thị trường thế giới sẽ càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên cố gắng đảm bảo hàng hóa xuất khẩu không mất đi tính cạnh tranh khi vẫn duy trì đồng tiền mạnh. Ngoài ra, Việt Nam cần củng cố nền kinh tế nội địa bằng các biện pháp tăng cường năng suất và tính cạnh tranh (ví dụ phát triển hạ tầng).
GS David Dapice: Việt Nam cần đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định và giải quyết các vấn đề ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Thêm vào đó là việc duy trì quan hệ tốt với các đối tác kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Bình luận (0)