Theo đánh giá của Thomson Reuters (Canada) dựa trên các báo cáo kinh tế trong năm 2023, tức 4 năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế quốc tế vẫn còn mong manh. Đại dịch đã bộc lộ và làm trầm trọng thêm những điểm yếu về cấu trúc của một nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù có thể chỉ mới ở giai đoạn đầu, nhưng việc tái tổ chức toàn diện thương mại toàn cầu giữa các khối này sẽ có tác động lớn đến thế giới. Chuỗi cung ứng sẽ được định hình lại, các công ty sẽ phải thích ứng và những cuộc cạnh tranh mới chắc chắn sẽ xuất hiện.
Tăng trưởng kinh tế
Viện Kinh tế Mastercard (Mỹ) đã đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm tới. Theo đó, nền kinh tế thế giới sẽ cảm thấy "bình thường" hơn trong năm 2024 so với 3 năm trước. Điều đó nói lên rằng đây vẫn sẽ là một nền kinh tế đang tìm kiếm sự cân bằng, giữa lãi suất, tiền lương và giá cả vốn đang cao hơn so với mức trước đại dịch.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, trụ sở ở Pháp) nhận định tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội), vốn mạnh hơn dự kiến vào năm 2023, sắp chậm lại trong năm tới. Nguyên nhân là do các điều kiện tài chính bị thắt chặt, tăng trưởng thương mại và niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng thấp hơn.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD dự đoán mức tăng trưởng sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2024, từ mức 2,9% trong năm nay, trước khi tăng lên 3% vào năm 2025. Cũng theo OCED, tốc độ tăng trưởng trong năm sau có xu hướng không đồng đều ở các quốc gia. Các nền kinh tế tiên tiến nhìn chung phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm hơn so với các thị trường mới nổi, trong khi hiệu quả hoạt động của châu Âu đang tụt hậu so với Bắc Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Á.
'Xả lãi suất' có đến vào năm 2024 không?
Còn châu Âu, nơi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi lãi suất cao và nơi chi phí năng lượng cao hơn, phải đi trên con đường đặc biệt khó khăn để phục hồi hoàn toàn.
Ngược lại, tăng trưởng GDP được duy trì tốt hơn ở Mỹ và nhiều nền kinh tế sản xuất hàng hóa khác. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đã cùng nhau duy trì tốc độ tăng trưởng gần bằng mức trước đại dịch.
Lạm phát
Thomson Reuters nhận định thách thức cốt lõi mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt khi bước sang năm 2024 tiếp tục là lạm phát. Theo báo cáo, trong năm sau, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ dao động giữa các quốc gia và khu vực, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, phản ứng chính sách và các cú sốc bên ngoài.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ lạm phát toàn cầu dự kiến là 5,8% vào năm 2024, với lạm phát cơ bản dự kiến sẽ không quay trở lại mức mục tiêu khoảng 2% cho đến năm 2025.
Trái với con số dự đoán trên, Viện Kinh tế Mastercard cho rằng lạm phát sẽ ở mức vừa phải, khoảng 4,9% vào năm 2024. Con số này thể hiện mức giảm so với mức 6% của năm 2023, nhưng vẫn cao hơn xu hướng 2,7% trước đại dịch.
Thomson Reuters cũng đưa ra các số liệu dự báo. Theo đó, cũng giống như mức độ tăng trưởng, tỷ lệ lạm phát cũng khác nhau ở mỗi quốc gia và khu vực. Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự kiến chứng kiến lạm phát 7,8% so với mức 8,5% vào năm 2023. Đây được xem là một cuộc đấu tranh đáng kể đối với các quốc gia vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đại dịch, bởi nhiều nước như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đang trải qua lạm phát ở mức 2 và thậm chí 3 con số.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, dường như khả quan hơn, với sự lạc quan hơn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thomson Reuters lưu ý rằng nước này phải tránh các cuộc khủng hoảng bất động sản thương mại và ngân hàng vẫn đang tiềm ẩn hoặc bất kỳ nguyên nhân gây suy thoái kinh tế lớn nào khác.
Viễn cảnh lạm phát năm 2024 sẽ có tác động lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, vì nó sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, lãi suất, giá tài sản, phân bổ thu nhập và tính bền vững nợ của nhiều quốc gia và khu vực.
Viện Kinh tế Mastercard cũng đề cập vấn đề này. Theo đó, viện này dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ có một số biện pháp nới lỏng trong năm tới khi lạm phát hạ nhiệt trong khi tăng trưởng vẫn ở mức thấp, thúc đẩy việc bình thường hóa một phần chính sách tiền tệ.
Về phần mình, OECD cho rằng lạm phát tăng lên có thể khiến các ngân hàng trung ương giữ lãi suất chính sách cao hơn dự kiến trong thời gian dài hơn dự kiến, đi kèm với các tiêu chuẩn tín dụng chặt chẽ hơn làm chậm chi tiêu hơn nữa. Kết quả là dẫn đến thất nghiệp và tỷ lệ phá sản gia tăng.
BẢN TIN ĐẶC BIỆT: Nhìn lại năm 2023 nhiều thăng trầm, đón 2024 với hy vọng mới
Bình luận (0)