Việt Nam - Trung Quốc: Tập trung thúc đẩy hợp tác trên 5 phương diện chính

21/08/2024 07:18 GMT+7

Chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân trên cương vị mới đã kết thúc tốt đẹp.

Theo Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Lê Hoài Trung, chuyến thăm đã được Đảng, Nhà nước Trung Quốc đón tiếp trọng thị, chu đáo với các biện pháp an ninh cao nhất. Dù chỉ diễn ra trong hơn 2 ngày nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tham gia 18 hoạt động quan trọng.

Sau chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết hai bên sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác trên 5 phương diện chính.

Đầu tiên là tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, củng cố nền tảng tin cậy chính trị, cùng định hướng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai VN - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Hai bên nhất trí phát huy vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương VN - Trung Quốc, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh.

Thứ hai, đưa hợp tác thực chất đạt tiến triển mới, tạo thuận lợi về thương mại, mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của VN sang thị trường Trung Quốc. Hai bên thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai" với Sáng kiến "Vành đai và con đường". Đẩy nhanh thúc đẩy "kết nối cứng" giữa hai nước về đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu, nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh.

Hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, mở rộng trên các lĩnh vực mới.

Thứ ba, hai nước sẽ tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác truyền thông và y tế, khuyến khích du lịch và đầu tư, cũng như mở thêm đường bay. Cả hai bên cũng nhất trí lấy năm 2025 là "Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung".

Thứ tư, tăng cường điều phối, hợp tác đa phương, phối hợp trong các cơ chế như Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ủng hộ nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế. Trung Quốc ủng hộ VN đăng cai tổ chức năm APEC 2027, cũng như gia nhập, phát huy vai trò trong các cơ chế đa phương. Trung Quốc ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và phát triển, duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao, kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, tái khẳng định tầm quan trọng của giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nhất trí xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Hai bên tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và thỏa thuận liên quan, tăng cường hợp tác tại khu vực biên giới trên bộ VN - Trung Quốc, tổ chức tốt kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước biên giới đất liền và 15 năm ký kết ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền VN - Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.