"Trong một năm qua, chúng tôi đang xây dựng động lực cho Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến 2040", bà Adams cho biết, thêm rằng bà vô cùng lạc quan trước những kết quả đang chờ gặt hái ở Việt Nam và khu vực.
Tăng cường xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư
Bà Louise Adams, Doanh nhân Tiên phong Úc tại Việt Nam kiêm thành viên Ban Cố vấn Trung tâm ASEAN-Úc, cho biết vào tháng 6 đã đồng dẫn đoàn doanh nghiệp Úc đến thăm và xúc tiến cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
Theo bà, chuyến công tác đặc biệt tập trung vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, với sự tham gia của các hãng công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ giáo dục, công nghệ nông nghiệp và một số tổ chức an ninh mạng.
"Nhờ vào cam kết của chính phủ Úc đối với chiến lược xúc tiến thương mại với Việt Nam, chúng tôi (phía doanh nghiệp Úc) phát hiện được mối quan tâm tăng mạnh từ các công ty/tổ chức trong những lĩnh vực trên ở Việt Nam", theo bà Adams.
Bên cạnh đó, bà cho hay chuyến đi cũng mở rộng cơ hội hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, giáo dục, nông nghiệp. "Cơ hội đang mở rộng hơn trong mảng nông nghiệp, không chỉ dừng lại ở nông nghiệp kỹ thuật số mà còn là môi trường nông nghiệp rộng hơn nữa, và kế đến là chuyển đổi số", nữ doanh nhân tiên phong của Úc cho biết.
Theo bà, chuyến công tác cho thấy tầm quan trọng của việc cần phải tăng cường tiếp xúc giữa các đoàn doanh nghiệp và dành nhiều thời gian hơn để xây dựng những mối quan hệ song phương này.
Trong lúc còn nhiều việc phải làm, điều bà đặc biệt vui mừng ở Việt Nam là phía doanh nghiệp nhận được cam kết hỗ trợ toàn phần từ cả chính phủ Úc lẫn chính phủ Việt Nam trong việc ủng hộ doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua những vấn đề có thể gây trở ngại, hoặc những khâu các công ty gặp trục trặc khi hoạt động trong các môi trường pháp lý khác biệt vốn tồn tại giữa hai nước.
"Chúng tôi có được sự cam kết của chính phủ và ngành, cũng như từ các cơ quan được xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những sự khác biệt với tốc độ có lẽ nhanh hơn so với trước đây. Vì thế tôi vô cùng lạc quan về chiến lược này, và tôi vô cùng lạc quan về quan hệ giữa Úc với các nước ASEAN, đặc biệt là trong mối quan hệ với Việt Nam", theo thành viên Ban Cố vấn Trung tâm ASEAN-Úc.
Khám phá yếu tố mới trong các lĩnh vực ưu tiên
Bà Adams cũng nói về những yếu tố mới trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác truyền thống như nông nghiệp và thực phẩm, tài nguyên, chuyển đổi năng lượng xanh, giáo dục và kỹ năng.
Chẳng hạn, bên cạnh mối liên kết mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục đại học, phản ánh qua số lượng du học sinh Việt Nam đến Úc, bà đề cập xu hướng các tên tuổi giáo dục của Úc đang đến khu vực và có ý định đầu tư xây trường tại chỗ.
Ngoài ra, phía chính phủ Úc đồng thời hỗ trợ phía Việt Nam xây dựng khuôn khổ giáo dục riêng, khuôn khổ giáo dục đại học và tăng cường năng lực giáo dục đại học tại địa phương.
Còn về nông nghiệp, bên cạnh các hợp tác truyền thống trong lĩnh vực này, Úc và Việt Nam đồng thời cũng đối mặt những thách thức mới, có thể kể đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và vấn đề an ninh lương thực.
"Tôi cho rằng cả Việt Nam và Úc đối mặt những thách thức giống nhau xoay quanh vấn đề an ninh lương thực ở tầm quốc gia vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu", theo bà Adams, cụ thể là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hai bên đang triển khai một số cuộc nghiên cứu để hướng đến tăng cường năng lực chống chịu của cây lúa trong điều kiện môi trường thay đổi.
Và tài nguyên là đầu vào quan trọng cho các sáng kiến trong lĩnh vực năng lượng sạch. Các nền kinh tế cần tài nguyên để đạt được những tham vọng trong lĩnh vực này. "Úc và các thành viên ASEAN đang đứng trước nhiều cơ hội hợp tác liên quan các loại khoáng sản then chốt", bà cho biết.
Bí quyết cho doanh nghiệp Úc muốn đầu tư vào Việt Nam
Ngoài hai vai trò Doanh nhân Tiên phong Úc tại Việt Nam và thành viên Ban Cố vấn Trung tâm ASEAN-Úc, bà Adams trước hết là nữ doanh nhân với sự nghiệp thành công suốt hơn 25 năm qua. Bà là giám đốc điều hành của công ty tư vấn, kỹ thuật và thiết kế Aurecon, có mặt ở Việt Nam từ năm 1991.
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công ở Việt Nam, bà cho hay một trong số đó chính là "xây dựng các mối quan hệ". "Cần phải đến Việt Nam, đầu tư thời gian gặp gỡ mọi người và xây dựng lòng tin", theo bà Adams, thêm rằng nhiều mối quan hệ làm ăn ở Việt Nam và Đông Nam Á được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng lẫn nhau.
Bí quyết kế tiếp là các doanh nghiệp Úc nên suy nghĩ hết sức thận trọng về cách họ nhìn nhận khu vực từ góc độ lợi tức đầu tư. "Ý tưởng cho rằng bạn có thể đưa công ty Úc đến Đông Nam Á và kiếm tiền nhanh chóng là suy nghĩ phi thực tế. Vậy thì tầm nhìn trung và dài hạn của công ty bạn là gì? Và bạn nhìn nhận khoản đầu tư tại khu vực theo khía cạnh trung và dài hạn như thế nào?", bà nhấn mạnh.
Lời khuyên cuối cùng chính là các doanh nhân Úc và VIệt Nam có thể nắm bắt cơ hội tìm hiểu môi trường đầu tư ở nước bạn thông qua những cơ chế đang được chính phủ hai nước triển khai. Việc tìm hiểu dựa vào những cơ chế này sẽ giúp phía doanh nghiệp biết được các bước thực hiện, những yêu cầu/tiêu chuẩn cần đáp ứng, cần loại giấy phép gì...
Bà Adams chia sẻ bản thân cố gắng lui tới Đông Nam Á khoảng 3-4 lần/năm, đầu tư thời gian vào khu vực và gặp gỡ các đối tác để siết chặt quan hệ kinh doanh.
Một năm triển khai chiến lược
Theo thông tin từ phái bộ đại diện ngoại giao Úc tại Việt Nam, trong năm qua Úc đã cử hơn 220 đoàn doanh nghiệp tới các nước Đông Nam Á tìm kiếm cơ hội đầu tư. TTXVN dẫn lời Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại hội nghị cấp cao ASEAN 44, 45 và các Hội nghị liên quan diễn ra ở Vientiane (Lào) tháng 10 cho biết giá trị đầu tư trực tiếp của Úc vào khu vực đã tăng trên 1 tỉ AUD với sự hỗ trợ hiệu quả của 3 Trung tâm xúc tiến đầu tư mới thành lập hoặc chuẩn bị thành lập tại TP.HCM, Jakarta (Indonesia) và Singapore. Úc cũng tặng 130 học bổng cho khu vực, triển khai Gói hỗ trợ tiểu vùng Mekong trị giá 22,5 triệu AUD và tăng thời hạn thị thực cho doanh nghiệp ASEAN từ 3 lên 5 năm.
Bình luận (0)