6 điểm hơn khi Việt Nam - Úc nâng cấp quan hệ
Sau hơn 50 năm quan hệ ngoại giao, 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và 6 năm quan hệ Đối tác chiến lược, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng đây chính là thời điểm phù hợp và lý tưởng để đưa quan hệ hai nước bước vào kỷ nguyên hợp tác mới. Và trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong bản Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ, gồm 38 điểm, hai Thủ tướng thống nhất cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn bao gồm: làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và tư pháp; thúc đẩy gắn kết kinh tế; xây dựng tri thức và kết nối nhân dân; tăng cường hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cuối cùng là củng cố hợp tác khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ngay sau hội đàm thành công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khái quát 6 "điểm hơn" khi mối quan hệ Việt Nam - Úc được nâng cấp.
Điểm hơn thứ nhất là tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; duy trì các cơ chế hợp tác song phương; triển khai hiệu quả các văn kiện ký kết và chuẩn bị xây dựng Chương trình Hành động cho giai đoạn 2024 - 2028. Đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tạo điều kiện cho các hội đoàn hữu nghị hai nước tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện; tăng cường hợp tác thiết thực giữa các địa phương; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bình đẳng giới và bảo vệ quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương…
Thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn. Hai bên nhất trí tạo thuận lợi cho việc mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản của nhau, hướng tới mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho hai nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Úc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư tại Úc; hoan nghênh các doanh nghiệp Úc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án chất lượng cao, công nghệ hiện đại, là thế mạnh của Úc.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn. Theo đó, hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; Úc hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam; kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ Úc hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm, sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Thứ tư, hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn. Hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa; thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Úc; mở thêm chi nhánh các trường đại học lớn của Úc tại Việt Nam. Thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất hydrogen xanh tại Việt Nam; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Thứ năm, giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn. Theo đó, ngoài các hợp tác tốt đẹp hiện nay, hai bên nhất trí thúc đẩy ký kết một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực du lịch, phấn đấu đưa hai nước lọt vào nhóm các thị trường du lịch hàng đầu của nhau; sớm triển khai Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp Úc. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Úc tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Úc sinh sống, lao động, học tập, thành lập các hội đoàn….
Và cuối cùng, hai bên hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh quốc phòng, hướng tới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Những trụ cột hợp tác Việt - Úc
Cũng tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Úc Anthony Albanese tỏ ra phấn khích: "Tôi thật vinh dự được đón tiếp người bạn của tôi, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thủ đô Canberra, để đáp lại lòng hiếu khách hào phóng mà tôi đã được nhận ở Việt Nam tháng 6 năm ngoái".
Ông đánh giá việc nâng cấp mối quan hệ sẽ đưa Úc và Việt Nam trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của nhau. "Tôi tự hào rằng quan hệ đối tác mới của chúng ta có những trụ cột cụ thể về hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng", Thủ tướng Anthony Albanese nhấn mạnh.
Cả Úc và Việt Nam đều cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 và đây là nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, bao gồm các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng. Các cơ quan về khoa học biển của hai nước cũng đã ký một thỏa thuận mới nhằm tăng cường khả năng giám sát tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường biển.
Hiện Úc và Việt Nam đang hợp tác rất tốt để nắm bắt các cơ hội chuyển đổi công nghệ. Theo số liệu mới công bố của Úc, năm 2022 thương mại giữa Úc và Việt Nam đạt 25,7 tỉ đô la Úc, tăng 75% so với năm 2020. "Điều này đã đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Úc", Thủ tướng Anthony Albanese cho biết. Chính phủ Úc hiện đang thực hiện các khuyến nghị của Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040. Và tuần trước, tại Melbourne, Thủ tướng Anthony Albanese đã công bố mở rộng chương trình hỗ trợ các công ty công nghệ Úc tại Việt Nam hoạt động chuyên sâu tại các thị trường mới.
Theo Thủ tướng Anthony Albanese, Việt Nam - Úc đã ký một thỏa thuận hỗ trợ cải thiện việc thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư. Các thỏa thuận này tạo điều kiện cho 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đến Úc trong năm nay.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì ?
Thời gian gần đây, quy mô thương mại song phương Việt Nam - Úc liên tục gia tăng mạnh mẽ nhờ khai thác một số hiệp định thương mại đa phương. Năm 2022, thương mại song phương 2 nước đạt 15,7 tỉ USD, tăng 26,9% so với năm 2021. Riêng lĩnh vực thủy sản, Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Úc, chiếm 23% nhập khẩu thủy sản của Úc năm 2022.
Tỷ trọng này cao hơn rất nhiều so với con số 13% cách đây 5 năm, cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của hàng thủy sản Việt Nam sang Úc nhờ mối quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với thị trường này. Đặc biệt, sau Hiệp định CPTPP, các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra, hải sản của Việt Nam nhập khẩu vào Úc đều được hưởng mức thuế 0%.
Năm 2023, Úc là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu). Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Úc (đứng thứ 10 về xuất khẩu và nhập khẩu với Úc).
Đặc biệt, hiện nay Úc là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam như than đá (chiếm 45,77% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới), quặng và các loại khoáng sản (chiếm 44,78%) năm 2023.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ và EU. Bên cạnh đó, nông sản còn chịu sự cạnh tranh lớn của các nước khác tại thị trường Úc.
Bộ Công thương lưu ý để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại, đặc biệt khi Việt Nam và Úc vừa nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với các cam kết thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp cần quan tâm đến các tiêu chuẩn, bao bì sản phẩm, cải thiện về quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu…
Đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nghiên cứu kỹ các thông tin về thị trường, tập trung vào nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, pháp luật nước sở tại... đối với các sản phẩm doanh nghiệp có ý định xuất khẩu.
Cùng với đó, chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là các quy định về thành phần hóa chất, chất bảo quản; quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan, đóng gói để đảm bảo tốt nhất thời gian vận chuyển giúp hàng hóa bảo quản tốt.
Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi; hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đầu tư phát triển nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trên các khía cạnh công nghệ, nhân sự, nhất là nhân sự chuyên môn về marketing và thị trường.
Kết quả tất yếu của sự hợp tác sâu rộng và chặt chẽ giữa hai nước
Đây là kết quả tất yếu của sự hợp tác sâu rộng và chặt chẽ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, cùng với hàng loạt các chuyến thăm cấp cao trong thời gian qua. Việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất thể hiện hai nước có niềm tin chiến lược cao và chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây cũng là minh chứng cho thấy Việt Nam tiếp tục theo đuổi nhất quán chính sách độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Vị thế của Việt Nam tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng ngày được khẳng định.
Úc coi trọng quan hệ với Việt Nam do vị trí địa chính trị quan trọng và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực, đặc biệt là ASEAN. Việt Nam cũng có quan hệ tốt với các đối tác khu vực của Úc. Vì vậy, Úc mong muốn hợp tác với Việt Nam để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, hòa bình, tự cường và thịnh vượng... Hơn nữa, quan hệ giữa Úc và ASEAN đã được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2021, tạo thêm cơ sở để Úc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong chiến lược của mình.
Hai nước hứa hẹn sẽ đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực chính bao gồm an ninh - quốc phòng, kinh tế, chuyển đổi số, giáo dục, chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Úc và Việt Nam được coi là hai nước tầm trung nên hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa hai nước ở các thể chế đa phương sẽ đóng góp đáng kể vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, cũng như trên thế giới.
Nhà nghiên cứu Phan Xuân Dũng (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Úc)
Đậu Tiến Đạt (ghi)
Truyền thông Úc nói gì về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Úc ?
Đài ABC của Úc ngày 7.3 đưa tin về việc hai nước Úc và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. ABC dẫn lời Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói rằng việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất đưa Úc và Việt Nam trở thành một trong số những đối tác quan trọng của nhau. Bài viết giải thích rằng việc nâng cấp đưa mối quan hệ của Việt Nam với Úc trở nên ngang hàng với các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo ABC, chuyến thăm của Thủ tướng Albanese đến Việt Nam hồi tháng 6 năm ngoái đã tạo nền tảng để hai nước tiến đến việc nâng cấp quan hệ. Bài viết nhắc lại việc Thủ tướng Albanese được đón tiếp trang trọng tại Hà Nội và chứng kiến việc ký kết hàng loạt thỏa thuận song phương, sau đó thưởng thức ẩm thực đường phố đặc trưng tại thủ đô.
Theo ABC, Việt Nam là một trong những quốc gia sôi động nhất khu vực xét về động lực tăng trưởng, với dân số 100 triệu người, và được Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) xếp hạng là thị trường thu hút thứ hai thế giới trong năm 2023. Bài viết dẫn lời Thủ tướng Albanese nói trong chuyến thăm hồi năm ngoái rằng ông muốn Việt Nam trở thành một trong những đối tác tốp đầu của Úc. "Việc ký kết quan hệ đối tác đồng nghĩa mục tiêu đó có thể trở thành hiện thực, 51 năm sau khi Đại sứ quán Úc tại Hà Nội mở cửa", bài viết nêu.
ABC dẫn lời các nhà phân tích cho rằng cả hai nước đều có mong muốn hợp tác sâu sắc và toàn diện hơn với nhau, và việc đánh giá chiến lược về những thách thức trong khu vực trong những năm gần đây đã đưa hai nước xích lại nhau gần hơn.
Vi Trân
Bình luận (0)