Việt Nam vẫn sẽ là 'ngôi sao tăng trưởng' của khu vực trong 2019

Vũ Hân
Vũ Hân
03/04/2019 12:57 GMT+7

ADB dự báo kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng vững vàng ở mức 6,8% trong năm 2019 và 6,7% năm 2020, là một trong những nước tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực và trên thế giới.

Dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong 2019

Tại buổi công bố báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2019 sáng nay, 3.4, tại Hà Nội, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết, định chế tài chính này dự báo dù kinh tế và thương mại thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn sẽ vững vàng với mức tăng 6,8%.
3 trụ cột chính của tăng trưởng sẽ là xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng tiêu dùng nội địa.
Các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam hiện nay cũng được nhận định sẽ khuyến khích thêm đầu tư ở khu vực tư nhân. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tiêu biểu là CPTPP, EVFTA, cũng được kỳ vọng sẽ là động lực cho cải cách cũng như việc đa dạng thị trường đầu tư và thương mại.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, sau mức tăng trưởng kỷ lục 7,1% của 2018, đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2019. Nguồn lực cho tăng trưởng được chia đều ở cả phía cung và phía cầu.
Đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với số vốn đăng ký trong quý 1 lên hơn 10,8 tỉ USD, tăng 86% so với quý 1 năm ngoái - một mức tăng rất mạnh. Điều này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Một động lực khác được ông Nguyễn Minh Cường chỉ ra là sức tiêu dùng tăng rất mạnh, được cho là tín hiệu ban đầu của việc Việt Nam chuyển từ một nền kinh tế dựa nhiều vào tăng trưởng tín dụng sang một nền kinh tế dựa nhiều vào thị trường trong nước.
Kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam cũng được thể hiện rõ ở việc lãi suất được duy trì rất ổn định; tỷ giá không biến động nhiều so với các đồng tiền trong khu vực. Ngoài điều hành của Chính phủ, thì việc giải ngân FDI tăng mạnh cũng cung cấp một nguồn ngoại tệ dồi dào cho nền kinh tế Việt Nam, giúp tỷ giá không gặp nhiều thách thức.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dù thế nào, Việt Nam vẫn được hưởng lợi

Về triển vọng 2019 và 2020, ADB đánh giá, tăng trưởng kinh tế nhìn chung của khu vực châu Á sẽ giảm từ 5,9% 2018 xuống lần lượt 5,7% và  5,6% trong 2019 và 2020. Tuy vậy, châu Á vẫn là khu vực phát triển mạnh.
Khu vực Đông Nam Á cũng dự báo sẽ giảm nhẹ tăng trưởng, đạt 4,9% vào 2019 và duy trì tăng trưởng 5% trong 2020.
Với dự báo này, cho dù tăng trưởng của Việt Nam có giảm nhẹ nhưng vẫn là “ngôi sao” trong khu vực, là một trong những nước duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á cũng như trên toàn thế giới.
Về lạm phát, ADB dự báo Việt Nam sẽ kiểm soát được ở mức 3,5% vào 2019 và tăng nhẹ vào 2020.
Về những rủi ro của nền kinh tế, tiếp tục sẽ là tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu; và sự liên kết còn yếu của khối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI.
ADB đã nghiên cứu 3 kịch bản của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bao gồm (1) chỉ dừng như mức hiện nay; (2) Mỹ sẽ áp thêm 200 tỉ USD thuế lên hàng hóa Trung Quốc và (3) cuộc chiến tranh thương mại sẽ lan sang các nước khác và trở thành một cuộc chiến thương mại toàn cầu và cho rằng Việt Nam đều “nhìn chung được hưởng lợi khoảng 2% GDP”.
Tuy vậy, việc được hưởng lợi cụ thể như thế nào, vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng suất lao động, môi trường kinh doanh.
“Tóm lại, dù chuyện gì xảy ra Việt Nam vẫn được hưởng lợi một cách tích cực”, ông Nguyễn Minh Cường nói.
Cùng với đó, ADB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường năng lực quản lý và trình độ người lao động... để các doanh nghiệp này có thể tham gia hiệu quả với doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây sẽ là vấn đề sống còn của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.