Việt Nam vừa đón đêm dài nhất 2024: 279 năm nữa mới có đông chí… ngày 23.12

22/12/2024 09:06 GMT+7

Việt Nam vừa đón đông chí với ngày ngắn nhất và đêm dài nhất 2024. Chúng ta thường thấy đông chí rơi vào ngày 21 hoặc 22.12 nhưng điều bất ngờ là có những đông chí rơi vào ngày 20.12 và 23.12. Khi nào?

Ngày đón đông chí ở Việt Nam cũng như các nơi trên thế giới không cố định. Dễ dàng nhận thấy đông chí năm nay rơi vào ngày 21.12, còn đông chí năm ngoái rơi vào ngày 22.12. Ngày đông chí 20.12 và 23.12 lại càng hiếm hơn. Vì sao?

Thú vị về đông chí

Ở Bắc bán cầu, đông chí diễn ra vào tháng 12 đánh dấu ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm. Từ thời điểm này, lượng ánh sáng ban ngày tăng lên. Trong khi đó thời điểm này ở Nam bán cầu, đây là ngày hạ chí và là ngày dài nhất, đêm ngắn nhất trong năm. Sau đó, ngày trở nên ngắn hơn.

Việt Nam vừa đón đêm dài nhất 2024: 279 năm nữa mới có đông chí… ngày 23.12- Ảnh 1.

TP.HCM đêm đông chí 21.12.2024

ẢNH: CAO AN BIÊN

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), đông chí năm 2024 ở Việt Nam diễn ra vào lúc 16 giờ 20 phút ngày 21.12. Ánh sáng mặt trời chiếu vuông góc với chí tuyến nam và đây cũng là điểm xa nhất về phía nam trong hành trình của ngôi sao này trên thiên cầu.

Sau đông chí, mặt trời sẽ di chuyển ngược về phía bắc và sẽ đi qua xích đạo thiên thể vào khoảng cuối tháng 3 năm sau tại điểm xuân phân. Đông chí là thời điểm Bắc Cực nghiêng ra xa mặt trời nhất, vì vậy, đây cũng là ngày ngắn nhất trong năm ở các khu vực nằm về phía bắc đường xích đạo. Hiệu ứng này tăng dần khi càng đi xa xích đạo.

Ở vùng nhiệt đới, độ dài ban ngày chỉ nhỏ hơn 12 giờ một chút, trong khi ở vùng ôn đới, ngày ngắn đi đáng kể. Những nơi nằm bên trong Vòng Bắc Cực sẽ trải qua hiện tượng ban đêm vùng cực khi mặt trời không mọc trong suốt 24 giờ.

Việt Nam vừa đón đêm dài nhất 2024: 279 năm nữa mới có đông chí… ngày 23.12- Ảnh 2.

Đông chí thường diễn ra ngày 21 hoặc 22.12

ẢNH: HUY HUYNH

Điểm chí xảy ra do trục tự quay của trái đất nghiêng một góc 23,5° so với mặt phẳng quỹ đạo của nó quanh mặt trời. Hướng của trục quay vẫn cố định trong không gian khi trái đất di chuyển trên quỹ đạo, trong khi hướng quan sát của chúng ta về phía mặt trời thay đổi và lần lượt đi qua các chòm sao hoàng đạo.

Do đó, đôi khi cực bắc của trái đất sẽ nghiêng về phía mặt trời nhiều hơn (vào tháng 6) và đôi khi lại nghiêng ra xa mặt trời hơn (vào tháng 12). Điều này tạo ra các mùa trong năm.

Vì sao ngày đông chí không cố định?

Trang Timeanddate.com cho hay ngày đông chí có thể rơi vào ngày 20, 21, 22 hoặc 23.12. Ngày đông chí 21 hoặc 22.12 xảy ra thường xuyên hơn ngày 20 và 23.12. Ngày 23.12 đông chí gần đây nhất là năm 1903 và ngày tiếp theo là năm 2303, tức gần 300 năm sau. Ngày 20.12 xảy ra đông chí cũng hiếm, với ngày tiếp theo là năm 2080.

Chuyên gia cho biết các ngày phân và chí thay đổi vì một năm trong lịch của chúng ta không hoàn toàn khớp với độ dài thời gian trái đất hoàn thành một vòng quay quanh mặt trời.

Việt Nam vừa đón đêm dài nhất 2024: 279 năm nữa mới có đông chí… ngày 23.12- Ảnh 3.

Các ngày phân và chí thay đổi vì một năm trong lịch của chúng ta không hoàn toàn khớp với độ dài thời gian trái đất hoàn thành một vòng quay quanh mặt trời

ẢNH: HUY HYUNH

Trong đó, lịch Gregory ngày nay có 365 ngày trong một năm thường và 366 ngày trong một năm nhuận. Tuy nhiên, hành tinh của chúng ta mất khoảng 365,242199 ngày để quay quanh mặt trời. Điều này có nghĩa là thời gian của các điểm phân và điểm chí dần trôi ra khỏi lịch Gregory và điểm chí xảy ra muộn hơn khoảng 6 giờ mỗi năm.

Cuối cùng, độ trễ tích lũy trở nên quá lớn đến mức nó rơi vào ngày tiếp theo. Để điều chỉnh lại lịch cho phù hợp, một ngày nhuận được đưa vào sau mỗi 4 năm. Khi điều này xảy ra, ngày xuân phân và đông chí lại chuyển về ngày trước đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.