Viết sao cho dễ đọc

10/05/2019 14:58 GMT+7

Nhiều tờ báo vì không dám thoát ly văn bản của cơ quan chức năng hoặc quá lạm dụng những thuật ngữ chuyên ngành, nên thường sử dụng những từ ngữ bí hiểm, khó hiểu.

Thỉnh thoảng vẫn đọc tin tức trên báo về việc phát hiện mấy “cá thể” rắn, thả mấy “cá thể” rùa về với biển. Theo từ điển tiếng Việt, khi là danh từ, thì “cá thể” là từng sinh vật riêng lẻ, phân biệt với loài hoặc chủng loại; còn khi là tính từ, “cá thể” là riêng lẻ từng người, không phải tập thể. Trở lại với các bản tin “cá thể rùa, rắn…”, tôi cho rằng cơ quan kiểm lâm khi gọi “cá thể” rắn, rùa là không sai, nhưng khi đăng báo, thì tại sao nhà báo không dùng từ “con” cho dễ hiểu. Chẳng hạn: Thả 4 con rùa về với biển; thả 5 con rắn về với rừng…
Rồi chúng ta cũng hay gặp những từ lạ như “đơn nguyên”, ví dụ: Bệnh viện đa khoa tỉnh A vừa đưa đơn nguyên chạy thận vào sử dụng. “Đơn nguyên” là đơn vị độc lập của công trình xây dựng, được giới hạn quy ước trên diện tích mặt bằng; hiểu nôm na là một tòa nhà, khu nhà riêng biệt. Vậy tại sao báo không viết “Bệnh viện đa khoa tỉnh A vừa đưa khu nhà chạy thận vào sử dụng” mà cứ đơn nguyên với đơn nghiếc cho khó hiểu?
Gần đây nhất là vụ “đăng cơ” của nhà vua Thái Lan và nhà vua Nhật Bản. Tôi cứ tự hỏi, sao báo chí không sử dụng từ “lên ngôi” thuần Việt cho dễ đọc, dễ hiểu mà phải làm khó bạn đọc như vậy nhỉ? “Đăng cơ” liệu có trang trọng hơn “lên ngôi” không? Tôi nghĩ là không, mà chỉ gây ra sự đánh đố bạn đọc. Bởi không ai vừa đọc báo vừa tra từ điển hoặc tra Google.
Một cụm từ khó đọc nữa là “nhấn chìm vật chất”. Đọc thì nghe kêu như mõ và đầy tính… khoa học nhưng thực chất chỉ là việc đổ các chất nạo vét ở luồng lạch, cảng biển hoặc chất thải xuống biển. Phàm thì cái gì nổi trên mặt nước mới phải nhấn chìm, còn ở đây là chất nạo vét, chất thải thì chỉ cần đổ ra biển là nó tự chìm, thậm chí chìm rất nhanh, thì việc gì phải nhấn chìm nhỉ?
Trong các báo cáo của ngành môi trường hoặc tạp chí chuyên ngành, người ta sử dụng “nhấn chìm vật chất” là chấp nhận được; còn với báo chí phổ thông, theo tôi, cứ gọi đúng tên sự vật, hiện tượng là đổ chất nạo vét xuống biển cho dễ hiểu. Dùng “nhấn chìm vật chất” không những sai về bản chất của sự việc mà còn dễ đánh tráo khái niệm, khiến người đọc nhầm lẫn.
Còn rất nhiều ví dụ khác về cách sử dụng từ ngữ mang tính chất khó hiểu hoặc quá lạm dụng những thuật ngữ chuyên ngành trên báo chí hiện nay. Theo tôi, những cách sử dụng từ ngữ như vậy là gây hại cho việc trong sáng hóa tiếng Việt. Nguyên nhân có thể do nhà báo, tòa soạn sợ sai, không dám thoát ly văn bản của cơ quan chức năng; hoặc không kịp “tiêu hóa” rồi chuyển thành những từ ngữ thuần Việt có ý nghĩa tương tự cho dễ đọc, dễ hiểu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.