Việt sử Xứ Đàng Trong: Pháp luật thời chúa Nguyễn

01/12/2016 06:09 GMT+7

Các chúa Nguyễn chưa soạn luật riêng cho Nam Hà. Ở Nam triều, quan chế, phép thi cử không đầy đủ như ở Bắc triều và Nam Hà dùng luật của Bắc Hà.

Tội tử hình dành cho quan tham
Theo giáo sĩ Jean Koffler, tất cả những án tử hình đều phải đưa về tòa án tối cao của triều đình phán xét. Tòa án này gồm các quan coi về việc hình, các quan xét vụ án ấy và do pháp quan tối cao của vương quốc chủ tọa. Tội nào cũng có hình phạt nêu rõ trong bộ luật của quốc gia.
Các quan Trấn thủ tham lam, ngạo mạn, sách nhiễu, đục khoét tiền của dân chúng đều bị tội tử hình. Những kẻ cấp cho người khác thuốc độc, bùa mê, hoặc dùng thuốc độc, bùa mê hãm hại người khác, những kẻ phạm tội đại nghịch, khi quân, sẽ bị trừng phạt nặng: để voi dùng vòi quăng lên, bẻ mình hoặc dùng chân chà chết. Đàn bà giết chồng, con bị gươm đâm vào ngực...
Ở mỗi tỉnh (dinh), có tòa án xét xử các vụ án, quan Trấn thủ duyệt lại rồi mới thi hành, nhưng tội đại hình thì phải đưa về triều đình xét lại. Ở mỗi xã, cũng có pháp lệnh riêng, các hào lý theo đó mà cai trị; các thứ thợ hợp thành phường, mỗi phường có 1 người trưởng, một người phó và 4 người phụ tá cai quản, họ dàn xếp các cuộc đánh lộn xảy ra trong phường.
Cũng theo Koffler, hội nghị tối cao của quốc gia gồm 9 viên quan lớn nhất của triều đình gồm 5 quan võ, 4 quan văn và do chúa chủ tọa. Những vấn đề quan trọng đều đem bàn trong hội nghị này. Tuy là chủ tể tuyệt đối, chúa cũng không thể đặt thêm lễ cống, thuế mới, nếu không được hội nghị đồng ý. Nhưng chúa có thể ban những đặc ân, miễn là đặc ân ấy không trái với công ích. Một mình chúa không thể tuyên chiến, không thể đem vào quốc gia một tôn giáo mới, hoặc thay đổi phong tục. Vì vậy mà vị chúa đương kim khi muốn thay đổi y phục của nhân dân, bắt chước y phục cũ của Trung Quốc (trước khi người Mãn Châu làm chủ Trung Quốc), phải có hội nghị cấp cao chấp nhận đã.
Dân là gốc nước, gốc không vững thì nước không yên
Tài nguyên không thiếu để nuôi nhân dân, nhưng vì sự phân phối không đều, và ở Thuận Hóa, Quảng Nam, hễ năm gặp hạn, lụt thì mất mùa, cảnh đói kém liền bày ra, có năm có người chết đói.
Ngoài vấn đề nuôi sống gia đình ra, nhân dân thường bị xâu thuế bức bách, quan lại của rất nhiều nha môn nhũng nhiễu, những kẻ sai phái của bề trên quyền thế ức hiếp, nên không khỏi có người thất sở, xiêu tán. Việc bắt lính cũng là một tai nạn chung. Tuy có binh chế minh định và phép duyệt tuyển lựa chọn hạng dân phải đi lính, nhưng theo thiền sư Thích Đại Sán viết trong cuốn Hải ngoại kỷ sự vào cuối thế kỷ 17 thì: “Cứ mỗi năm vào khoảng tháng 3, tháng 4, quân nhân ra các làng bắt dân 16 tuổi trở lên, thể chất cường tráng, xiềng cổ bằng một cái gông tre, hình như cái thang nhưng hẹp hơn, đem về sung quân, cho học một nghề chuyên môn, học thành nghề rồi phân phát vào đội chiến thuyền để luyện tập, lúc hữu sự ra trận đánh giặc, vô sự bắt làm công dịch trong quan phủ, chưa được 60 tuổi chưa cho về làng, vì thế dân còn lại đều ốm yếu, tàn tật, ít có người tráng kiện...”.
Xem bức thư sau đây của Nguyễn Cư Trinh, Tuần phủ Quảng Ngãi, dâng lên chúa Thế Tông năm Tân Mùi (1751) thì biết các tình trạng khốn tệ trong xã hội đương thời do nền hành chính không lương hảo gây nên: “Dân là gốc nước, gốc không vững thì nước không yên, ngày thường không lấy ân huệ mà kết lòng dân, đến lúc có việc sẽ nương cậy vào đâu? Trộm lo: trong dân gian mối tệ chất chứa đã nhiều, nếu cứ an theo thói thường, giữ lề lối cũ, không tùy lời thêm, bớt, lập bày kỷ cương, thì một ấp chẳng làm được, huống chi một nước. Nay việc gây tệ hại cho dân là: cấp lính, nuôi voi và nạp tiền án. Ngoài ra, còn sự nhũng phí quá lệ rất nhiều, nhưng việc ấy thuộc về kinh kỳ, tôi không dám vượt chức nói ra. Xin nói những việc trong chức phận: dân Quảng Ngãi chịu thống thuộc nhiều nơi, đã chịu lệnh của nha trường sai dư, lại chịu lệnh các nha trường điền tô (thuế sai dư nạp ở một trường riêng, thuế điền tô nạp ở một trường riêng - NV), chịu đủ loại thuế, phí khác, lại chịu lệnh quan, nha môn, chịu lệnh các sai nhân (những người được quan lớn hoặc ở kinh sai đi - NV)... Nghèo khổ, thất nghiệp là đáng thương, đã không có hằng sản, làm sao giữ được hằng tâm? Trong lúc bình yên mà lòng dân còn rất dao động, một mai có việc thì chế ngự sao kịp? Dân nên để cho yên, không nên làm cho động, động thì dễ loạn, yên thì dễ trị”.
Đời chúa Thế Tông, nhân dân Thuận, Quảng phải đối phó với nạn đói mấy năm liền. Nạn đói kéo dài đến đời chúa Duệ Tông và năm Giáp Ngọ (1774), trong khi ở phương nam, Tây Sơn nổi dậy, ở phía bắc quân Trịnh đã vượt qua sông Gianh thì ở Thuận Hóa đói to, ngoài đường có xác người chết đói.
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học xã hội, 2016)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.