Với thông điệp ''Viết tiếp câu chuyện ước mơ'', chương trình Vì mái ấm thợ thi công 2017 lại tiếp tục cuộc hành trình thắp lên tia hi vọng về cuộc sống tươi sáng cho anh em thợ thi công, thông qua những ngôi nhà khang trang được trao tặng.
Cái nghèo cái khó vẫn bám lấy người thợ thạch cao
Những ngôi nhà bằng đất tạm bợ hay túp lều lá lợp chỉ vỏn vẹn 5m2, có căn dựng lên hơn 30 năm đã xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào… nhưng đó là nơi trú ngụ hằng ngày của những thợ thi công khó khăn trên khắp miền đất nước.
Năm nay 23 tuổi nhưng đã có 10 năm làm bạn cùng vôi vữa, thạch cao, em Trần Ngọc Sơn (Thanh Ba, Phú Thọ) lấy nghề thi công thạch cao làm nguồn nuôi sống cho cả gia đình.
Trong căn nhà ọp ẹp, vách được chắp ghép từ nứa và những mảnh gỗ mỏng, có thể nhìn xuyên thấu cả trời sao. Thứ quý giá nhất với cả gia đình chính là chiếc giường nhỏ mà hai anh em dành cho bà nằm mỗi đêm. Mọi vật dụng trong nhà đã quá cũ kỹ, chỉ có vài mẫu thạch cao trên trần được lượm lặt, ghép lại với nhau từ các công trình Sơn đã làm nhìn có vẻ còn mới.
Sáu năm trước, ba mẹ Sơn qua đời trong một vụ tai nạn, mới chỉ 17 tuổi, độ tuổi mà nhiều bạn trẻ còn “ăn chưa no, lo chưa tới” thì Sơn đã trở thành “người đàn ông trụ cột”. Sơn là điểm tựa duy nhất của người bà ngoài 80 tuổi và đứa em trai mới 10 tuổi. “Em chỉ mong chương trình có thể cho em cơ hội để cho bà nội được sống trong mái nhà lành lặn những năm tháng cuối đời” là tất cả ước mơ của Sơn khi đại sứ Vĩnh Tường - Gyproc đến thăm và trao cơ hội về mái ấm khang trang cho gia đình.
|
Ngay giữa lòng thành phố Trà Vinh, có một căn nhà nhỏ, loang lổ tứ bề lọt thỏm giữa những ngôi nhà đúc kiên cố, khang trang điện đèn rực rỡ phồn hoa.
Trong căn nhà được vá víu bằng lá dừa và phên liếp rách nát ấy, Sơn Thạch Thi, cùng mẹ, cậu và người anh trai không đủ khả năng lao động sau một tai nạn đang phải chen chúc, nương tựa vào nhau mà sống. Số tiền công 160 nghìn đồng hằng ngày từ nghề thợ thạch cao của Thi chưa bao giờ là đủ để lo toan cho cả 4 phận người, bởi ngoài gạo thóc, số tiền ấy còn được dùng để lo thuốc thang cho 3 người còn lại.
“Em chỉ mong làm đủ tiền để có thể “vá” lành ngôi nhà để người thân không phải che chắn mỗi khi trái gió trở trời”, trong ngôi nhà tưởng như không còn thứ gì quý giá ấy, ước vọng của Thi không chỉ là một ánh đèn leo lét, mà đó chính là tâm sáng để thắp lên hi vọng về sự thay đổi trong tương lai cho cả gia đình.
Viết tiếp câu chuyện ước mơ - hành trình mùa thứ tư: thêm 15 mái ấm mới được trao tặng
Mở ra mùa đầu tiên vào năm 2013, số lượng căn nhà được xây mới và trao tặng đến các thợ thi công hoàn cảnh khó khăn gói ghém ở con số 10 căn. Nhưng không dừng lại, tiếp tục mùa thứ hai, thứ ba…, số mái ấm khang trang được trao đã tăng dần đến con số 70 vào năm nay.
Ban tổ chức Vì mái ấm thợ thi công 2017 đã tiếp nhận hơn một trăm hoàn cảnh đặc biệt của những người thợ thạch cao trên mọi miền đất nước. Sau giai đoạn khảo sát thực tế, đánh giá và bình chọn, chương trình đã công bố 15 trường hợp thợ có hoàn cảnh cấp bách về không gian sống để ưu tiên hỗ trợ xây và trao nhà trong tháng 10 vừa qua.
Mỗi công trình có tổng chi phí 75 triệu đồng với diện tích xây dựng 40m2 bao gồm phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp và nhà vệ sinh. Trong đó, trần được hoàn thiện từ vật tư do Vĩnh Tường - Gyproc cung cấp; tôn lợp Zacs từ nhà cung cấp NS BlueScope Việt Nam tài trợ.
“Ngoài việc mang đến một mái ấm khang trang cho gia đình những người thợ thạch cao, Vĩnh Tường - Gyproc còn mong muốn tiếp sức cho những ước mơ của các anh em thợ thi công về một cuộc sống sung túc, ấm no và niềm tin vào tương lai, vào lao động chân chính”, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Giám đốc Tiếp thị Vĩnh Tường - Gyproc chia sẻ về chương trình.
Mỗi mái ấm sẽ là một khởi đầu mới, viết nên những ước mơ mới cho gia đình những người thợ thi công trên cả nước.
Bình luận (0)