Nhưng qua thông tin của một người em trong xóm, tôi biết xóm vẫn yên bình như vậy, dù đàn quạ không còn cư trú, và dĩ nhiên, từ lâu lắm rồi dân xóm không còn nghe tiếng quạ kêu nữa. Tôi hỏi: có bao giờ những người già trong xóm nhớ về tiếng cả đàn quạ kêu suốt buổi chiều sang đêm không ? Chú em nói, anh trai em năm nay hơn 70 tuổi kể nhiều lúc cũng thấy nhớ, cứ nghĩ mình nhớ cắc cớ, nhưng hỏi những người lớn tuổi hơn mình và đồng tuổi với mình trong xóm, thì ai cũng nói từng nhiều lần “nhớ cắc cớ” như vậy. Đủ biết, khi cái gì đã đi vào bộ nhớ, đi vào ký ức con người với đầy đủ những hình ảnh, âm thanh, thậm chí những câu chuyện, thì chỉ cần một khởi phát nào đó, ký ức sẽ trỗi dậy. Và mình lại nhớ, nhiều khi rất tình cờ, nhiều khi như vu vơ.
Tôi vừa đọc một bài thuộc dạng truyền thông khoa học trên BBC tiếng Việt, bài báo có nhan đề Quạ và một số loài vật khác có trí tuệ như người?, chợt xúc cảm ùa đến, lại nhớ ngay tới “xóm quạ kêu” ở Đức Phổ mà có lần tôi đã tới. Có một đoạn trong bài viết ấy như thế này: “Quạ và linh trưởng giống nhau ở một số khả năng cơ bản về giải quyết vấn đề và tính linh hoạt, tức là có thể thích nghi và thay đổi trước những thông tin và kinh nghiệm mới. Đây là ví dụ về tiến hóa hội tụ, khi mà các lịch sử tiến hóa hoàn toàn khác nhau đã dẫn đến đặc tính hay hành vi giống nhau".
Xin nói ngay, không chỉ quạ và linh trưởng mới có những khả năng đặc biệt ấy, mà nhiều con vật khác, đặc biệt là con chó, đều có những khả năng này. Nhưng con quạ thì dù sao vẫn khác. Nó là con chim mà người đời thường hay dị nghị, cho rằng nó kêu báo điềm gở. Nhưng bà con ở “xóm quạ kêu” Đức Phổ thì không nghĩ vậy.
Tôi mong, nếu lúc nào bà con trong xóm nảy ra ý định muốn viết “xóm sử” về chính cái xóm của mình, tôi sẵn sàng giúp một tay, vì tôi rất thú vị với cái ‘'xóm quạ kêu” này.
Những câu chuyện mà tôi nghe được từ người già trong xóm đã cho tôi hai hình dung. Một là, có những lý do về địa lý hay thiên nhiên ở xóm này đã khiến những con quạ lấy làm thích thú, và chúng đồng ý với nhau cùng chọn “nơi này là quê hương”. Hai là, những con quạ khi về tụ tập hàng nghìn con trong xóm nhỏ ấy, chúng không hề mang lại điềm gở cho xóm, mà ngược lại.
Đó là câu chuyện từ hồi chiến tranh chống Mỹ, kể cũng đã năm chục năm có lẻ rồi. Hơn nửa thế kỷ, là mấy thế hệ con người đã sống ở xóm quạ kêu ấy, mà những thế hệ sau thì gần như ít biết, hoặc có biết mà không còn thấy… quạ nữa, nên câu chuyện gần như chuyện cổ tích.
Con quạ, từ trong truyền thuyết, từ trong cổ tích đã gần gũi với con người. “Trên mồ con quạ đứng im hơi” là một câu thơ của thi sĩ Bích Khê người Quảng Ngãi đã viết để tiên đoán về cái chết của mình, không uất ức và không hề run sợ. Con quạ ấy đậu trên nấm mộ thi sĩ như một người bạn, lại như một chứng nhân. Còn con quạ bất tử trong bài thơ dài Con quạ của thi hào Mỹ Edgar Poe thì đó là một nhà tiên tri đầy uy quyền, người bạn tình cờ nhưng là người bạn số phận của thi sĩ. Chúng ta sống trên đời là sống với thiên nhiên, sống với cả một thế giới động vật, từ hoang dã tới vật nuôi trong nhà.
Con quạ là một loài chim hoang dã. Tôi chưa thấy ai nuôi quạ trong nhà, hoặc có mà tôi không biết. Nhưng từ xưa, con quạ đã luôn là người bạn gần gũi với con người, dù ở đâu đó người ta có thành kiến với loài chim đặc biệt nhạy cảm này.
Do có một số lần tới châu Âu, tôi đã gặp ở nhiều nơi trên đất châu Âu những đàn quạ bay lượn hay những con quạ cô đơn đậu trên cành cây khô khẳng mùa tuyết rơi. Hình ảnh con quạ ở châu Âu là hết sức thân thuộc với con người và người dân ở đó coi con quạ là bạn thân thiết. Có lẽ vì lối sống có phần nghiêng về xúc cảm của nó. Sở dĩ ở nhiều nước Âu - Mỹ, quạ được coi là con vật tiên tri, vì quạ đặc biệt nhạy cảm.
Tôi còn nhớ, có mấy tháng đầu năm 1988 tôi được dự một lớp học về văn học tại Học viện Gorki thuộc Liên Xô (cũ). Có lần tôi uống bia tại căn phòng trong “ốp” với một nhà văn trẻ cùng quê với văn hào Chingyz Aitmatov, tôi có nhắc với anh này bài hát về con quạ, hình như là dân ca của dân tộc anh. Nhà văn trẻ vui mừng nói: “Đúng đó là bài dân ca rất quen thuộc của dân tộc tôi. Làm sao anh biết?”. Tôi nói là đọc được trong một tiểu thuyết của Chingyz Aitmatov. Nhà văn trẻ nói: “Chúng tôi là một dân tộc nhỏ, nhưng chúng tôi rất yêu thiên nhiên, yêu những con vật hoang dã. Con quạ luôn được dân tộc tôi yêu mến, vì nó trung thực và đĩnh đạc, đúng phong thái một người đàn ông, một chiến binh trọng danh dự”. Tôi trả lời anh: “Tôi cũng nói như một con quạ trung thực, là trong tình yêu văn học Nga của tôi có tình yêu những trang văn của Chingyz Aimatov".
Bây giờ thì người ta phát hiện con quạ còn có những kỹ năng thể hiện trí thông minh giống như người. Như đoạn dẫn sau đây về bài viết khoa học trên BBC: "Tên của con quạ là Betty. Và nó đang trở thành ngôi sao. Một nhóm các nhà khoa học của Đại học Oxford kinh ngạc quan sát nó tùy tiện nhặt lên một đoạn dây kim loại trong lồng, sau đó sử dụng một vật thể gần đó để uốn cong ở một đầu, biến dây kim loại thành một chiếc móc. Chiếc móc này giúp Betty nâng một chén thịt nhỏ từ bên trong một ống nhựa lên. Bữa trưa đã sẵn sàng với mẩu tim lợn ngon lành".
Thực ra, thí nghiệm như thế để đánh giá trí thông minh của con quạ, là cần thiết nhưng chưa đủ. Cái mạnh nhất ở con quạ không phải là những kỹ năng bình thường của con người, mà là sự nhạy cảm đặc biệt, khả năng "đánh hơi" những biến cố, như bầy quạ ở "xóm quạ kêu" đã đánh hơi được lính biệt kích Mỹ phục kích những du kích ở "xóm quạ kêu", để lên tiếng báo động kịp thời bằng những tiếng kêu xé tai. Trong hành động ấy của những con quạ, có ẩn giấu tình cảm, đó là tình thương yêu với những người dân xóm quạ kêu, nơi đón nhận bầy quạ trú ngụ, và là sự căm ghét với những kẻ xa lạ và hung hãn toan gây nên chết chóc ở cái xóm yên lành ấy.
Tôi viết bài này để mọi người hiểu thêm về con quạ và yêu thêm một xóm nghèo ở quê tôi từng có thời được mang tên là "xóm quạ kêu".
Bình luận (0)