Chú tôi năm nay đã ngoài 80. Cứ mỗi lần gặp con cháu đứa xa kẻ gần, ông đều nhắc câu nằm lòng: “Không mả đố ả làm nên!”. “Mả” mà chú tôi nói, không hẳn là nơi an nghỉ của người đã khuất. Nó còn là nếp nhà; là những gì gắn với văn hóa tâm linh, đời sống tinh thần, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, hiếu nghĩa với tổ tiên. Mà tổ tiên thì có cả những đấng sinh thành đã khuất và cả với những người đang sống, biểu trưng cho một thứ “quyền lực” vô hình.
Lữ, một người bạn của tôi lớn lên ở Huế nhưng lập nghiệp ở Sài Gòn, bây giờ khá thành đạt. Mỗi năm cả chục lần cậu đều về Huế để tham gia các ngày chạp, kỵ, hiếu hỷ… Còn Phú, một người bạn khác, cứ đi về giữa Huế - Sài Gòn như “cơm bữa”. Những lần về quê, Lữ hay Phú thường đưa con nhỏ đi tảo mộ, gặp chú dì cô bác và cho chúng chơi thật lâu, kể cả cưỡi trâu chăn vịt… Nhưng không phải ai cũng có được điều kiện kinh tế để thường xuyên về thăm quê như Phú, như Lữ.
Chiếc neo của gia đình
Cùng với hành trình mở cõi của các bậc tiền nhân vào vùng đất Thuận Quảng là những cuộc di dân từ bắc vào nam kể từ thế kỷ 14. Đặc biệt, từ thế kỷ 17, sau khi trở thành thủ phủ của xứ Đàng Trong và sau đó là kinh đô từ 1788 đến 1945, đất Huế dung nạp, kế thừa những dòng chảy và sự tiếp biến văn hóa rồi làm nên bản sắc riêng có của một vùng đất.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, trong tác phẩm Tín ngưỡng dân gian Huế (NXB Thuận Hóa - 1995), nhìn nhận từ thuở khai sơn lập địa ấy “phải có một lực lượng tinh thần đủ sức neo con thuyền lưu dân trong bến đậu yêu ắng trên vùng đất mới”. Ông viết: “Chiếc bàn thờ gia tiên thô sơ được thiết lập nghiêm chỉnh trong ngôi nhà đơn sơ, những chiếc trang thờ bổn mạng của cả nam và nữ là những chiếc neo đầu tiên giữ vững thế tồn tại của một gia đình”.
Chiếc “bàn thờ” ấy được vun đắp, bồi bổ qua nhiều thế hệ, lâu dần trở thành một nền tảng, có sức mạnh vô hình gắn kết cháu con, làng xóm, cộng đồng hết sức bền chặt. Làng có bàn thờ của làng, xóm có bàn thờ của xóm, họ có bàn thờ của họ. Và gia đình - tế bào của xã hội - có bàn thờ của gia đình. Rất nhiều khu “rừng thiêng”, “rú cấm” được gìn giữ ở khắp đất nước chúng ta những nhờ những ảnh hưởng to lớn từ những chiếc “bàn thờ” ấy.
Từ văn hóa trong mỗi gia đình bước ra những quy ước thành văn lẫn bất thành văn của cộng đồng. Ví như ở xã Phong Bình, H.Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) có một quần thể “rú cấm” hay vành đai cây lộc vừng (rừng cây mưng) được giữ gìn, bảo vệ hàng trăm năm là nhờ “nếp nhà” Phong Bình còn vững. Dẫu nghèo nhưng con cháu trong làng xã chẳng ai dám đụng vào rừng thiêng ấy.
Hơi ấm bên trong
Bàn thờ hương khói là cái hiện hữu, “quyền lực” và sự kết nối của nó mới vô hình, vô biên. Mất đi hoặc xem nhẹ đến bỏ bê, mặc kệ chiếc bàn thờ ấy, là thậm nguy.
Đây cũng là chức năng hương hỏa trong mỗi gia đình, dòng tộc, cộng đồng như TS Trần Đình Hằng (Phân viện trưởng Phân viện văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế) nhận định. Nó là “hương” và “lửa”, là nhà trên bếp dưới luôn ấm cúng. “Chính chức năng hương hỏa trở nên tối quan trọng, là sợi dây, trụ cột nối kết mọi thành viên, mọi không gian, mọi thế giới trong gia đình..., tạo nên phong khí, phong hóa, sức sống mạnh mẽ đặc trưng. Từ đó, mới có thể mở rộng ra, nối kết giữa gia đình và xã hội, tạo lập nên kết cấu bền chặt mang tính nền tảng”, TS Hằng nói.
Cũng theo TS Hằng, giữ chân một đứa trẻ rất khó, để chúng không trượt ngã phải có cái nền tảng vững vàng. Theo ông, “giữ được bản sắc là cuộc chơi vô cùng nghiệt ngã”, nhất là trong thời đại 4.0. Bản sắc không dễ mà có được, mà phải được “huân tập”, thấm nhuần cái nếp của một gia đình. Một người có thể thất bại trên thương trường, sa ngã trong đời sống và mất đi tất cả; nhưng khi quay về quê nhà, ở đó họ luôn thấy có một bàn thờ để chở che.
Đây cũng là lý do mà dẫu đi muôn phương, ngày tết người ta vẫn luôn muốn về bên gia đình. Ngoài việc thăm nom người thân, hàn huyên với bè bạn, người ta luôn muốn thỉnh nhang dâng lễ lên tổ tiên ông bà. Khói hương nghi ngút cũng là lúc con người ta sẽ cảm nhận rõ hơn những thứ ấm áp trong lòng tự tỏa ra…
Bình luận (0)