Tết Hà Nội xưa qua hồi ức của ái nữ chủ bút tờ Tri Tân

Ngọc An
Ngọc An
27/01/2020 08:00 GMT+7

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, ái nữ của học giả Nguyễn Tường Phượng (người sáng lập và chủ bút của tờ Tri Tân), năm nay 78 tuổi nhưng ký ức của bà vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh tết Hà Nội những năm 1950.

Bà Nguyễn Hải Yến là một trong những nhà nghiên cứu mỹ thuật đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bà là người con gái duy nhất của học giả Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974), người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Chủ tịch đoàn báo chí Việt Nam sau ngày lễ độc lập 2.9.1945.
Tôi đến tìm gặp bà trong ngôi nhà nằm trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội). Trời nắng ruộm vàng. Thấy tôi vừa tới, bà bảo ngay: “Trời đẹp thế này mà không ra ngoài thì phí quá”, và rủ tôi ra một quán trà nhìn sang Nhà hát Lớn Hà Nội. Bên ấm trà thơm hương hoa cúc, bà chậm rãi kể những câu chuyện về tết Hà Nội xưa…

Phụ nữ Hà thành xưa đi lễ ngày xuân

ảnh: Nguyễn Duy Kiên

Đàn ông lau dọn bàn thờ, đàn bà lo sắm tết

“Cứ đến 23 tết, sau khi cúng ông Công ông Táo xong, nhà nhà lại chuẩn bị mọi thứ đón tết. Có lẽ đó mới là lúc mọi người cảm nhận rõ nhất không khí của tết”, bà bắt đầu câu chuyện.
Bà Yến kể, trong gia đình bà, công việc chuẩn bị đón tết được phân định rõ ràng cho các thành viên. Việc lau dọn, sửa sang bàn thờ là việc của đàn ông, phụ nữ không được phép vào gian thờ nếu người đàn ông trong nhà chưa bước vào làm lễ trước. Người phụ nữ lo việc sắm lễ tết, quà biếu tết cho họ hàng bên nội, bên ngoại và quà tặng để trả ơn những người giúp đỡ gia đình trong một năm qua. “Quà tết rất đơn giản, có khi chỉ là hộp mứt sen cùng gói chè bọc trong giấy bóng kính là đã tươm rồi”, bà Yến nói.

Bên trong phòng khách của một gia đình ở Hà Nội vào ngày tết

ảnh: Tư liệu

“Phòng khách được coi như “linh hồn” của một ngôi nhà, cho thấy gu thẩm mỹ và gia cảnh của chủ nhà, nên nơi này rất được chú trọng”, bà nói. Bởi vậy, con cái trong nhà không được phép tham gia trang trí phòng khách, nhà cửa, mà chỉ những người lớn tuổi trong gia đình mới được quyết định việc này, ngay cả việc chơi cây ngày tết. Nhà chơi đào, nhà chơi mai, nhưng ít người chơi cây to mà chỉ chọn chơi cành, cây nhỏ nhưng nhất định phải có dáng thế đẹp. Nhà có thêm chậu hoa cúc đại đóa đặt trên đôn sứ Tàu được lau bóng loáng là đã đủ thấy hương sắc hoa tết trong nhà.

Sự tinh tế của bà chủ nhà trên mâm cỗ tết

Là con gái duy nhất nên bà được mẹ chỉ dạy từng li từng tí việc nấu và bày biện cỗ tết. “Mâm cỗ có nhiều món, được chia nhỏ vào từng bát, từng đĩa. Tôi được dặn không bao giờ bày đồ ăn ú ụ, mà chỉ vừa vặn”, bà Yến kể tiếp: “Mẹ tôi luôn nhắc thái giò không được theo kiểu “cắn ngập chân răng” mà phải thái mỏng. Một khoanh giò được chia thành 8 miếng hoặc 6 miếng hình chữ nhật đều tăm tắp. Cổ và chân gà không bao giờ được bày trên mâm cỗ, vì người ta quan niệm ăn thịt gà chỉ ăn những phần chính của con gà. Khách đến ăn, cứ nhìn mâm cỗ là thấy được sự tinh tế, khéo léo của bà chủ. Khách đến dùng cơm mà xuýt xoa: “Bà nấu món này ngon quá, bà nấu món này rất vừa miệng - là mẹ tôi sung sướng lắm”.
Trong những gia đình khá giả của Hà Nội xưa, những bộ bát đũa dùng trong ngày tết cũng rất được chú ý. Bát dùng trong mâm cỗ phải đúng bộ, cùng màu, đũa là đũa ngà. “Khi khách đến dùng cỗ tết, các ông thường ngồi bàn, còn các bà lại ngồi ăn trên sập với mâm đồng ba chân, được chạm cầu kỳ hình tứ quý tùng, cúc, trúc, mai”, bà Yến nói.
Bà cho hay, món đặc biệt trong ngày tết của gia đình bà là bún thang, và thường dùng vào mùng 3 tết. Trứng, giò, rau răm… luôn được thái mỏng, đều tay. Bát đựng bún to hơn bát ăn cơm và có nắp đậy. Lúc nào khách ăn, chủ nhà mới chan nước dùng bưng ra.

Khách đến chúc tết không vào nhà ngay

Trong khi các bà để dành bộ áo dài đẹp nhất, mới nhất để đón khách trong những ngày tết, thì các ông chuẩn bị đồ Tây, áo vest, quần âu, giày da. “Cách người Hà Nội mặc áo dài cũng tinh tế lắm. Thiếu nữ thường mặc áo dài một màu như màu hoàng yến, màu be, xanh lơ… cùng với quần trắng không dày quá, cũng không mỏng quá, khéo léo khoe những đường cong mềm mại. Còn các mẹ, các bà khi đã hơn 30 tuổi không mặc quần trắng nữa mà mặc quần đen, ống quần dài quá mắt cá chân”, bà Yến nói.
Khách đến chúc tết, không ai vào nhà ngay. Họ thường tìm cớ lấn cấn ở bên ngoài cổng, khen dàn hoa đẹp, chậu cây xinh. “Thực ra là họ cố ý để cho ông bà chủ nhà có thời gian chuẩn bị trang phục. Thời đó, không có điện thoại như bây giờ để báo trước nên mỗi khi đến nhà ai chúc tết, người ta vẫn giữ ý tứ như vậy. Nhìn vào đó càng thấy quý sự tế nhị của người Hà Nội”, bà bảo.
Gia đình học giả Nguyễn Tường Phượng có truyền thống Nho học, bên cạnh đó tiếp nhận cả nền giáo dục, văn hóa từ phương Tây. Điều này đã ảnh hưởng đến nếp nhà, nếp sinh hoạt ngày tết với sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa Đông và Tây. Sự giao thoa này cũng là nét điển hình của nhiều gia đình trí thức tại Hà Nội vào thời kỳ đó. Trong đó, việc đón tết đã bớt đi nhiều thủ tục rườm rà, theo lối giản tiện của phương Tây, nhưng vẫn đúng lễ nghĩa, có trước có sau, có trên có dưới theo tập quán phương Đông. Nhưng dù thế nào, người ta vẫn thấy rõ sự tinh tế, thanh lịch trong nếp sinh hoạt đón tết của người Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.