Người Hà Nội xếp hàng chờ ăn chay mùa Vu Lan

14/08/2019 08:20 GMT+7

Không còn là thói quen của những người theo đạo Phật, ăn chay vào ngày rằm, mồng 1, đặc biệt trong mùa lễ Vu Lan , đang trở thành trào lưu ở Hà Nội, với quan niệm hướng thiện, báo đáp ơn sinh thành, dưỡng dục với cha mẹ.

Là người miền Trung chuyển ra Hà Nội sinh sống gần 10 năm nhưng chị Bảo Như (quê ở Hà Tĩnh) vẫn theo nếp ăn chay ngày rằm và mùng 1 âm lịch. Con gái chị Như đang theo học đại học, gần đây cũng theo mẹ tập ăn chay. “Tôi không theo đạo Phật, ăn chay chỉ vì không muốn sát sinh vào 2 ngày đó. Ngoài ra, nhà tôi còn ăn chay vào lễ Vu Lan để tỏ lòng thành kính, hiện sự báo đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ; đồng thời cũng là để cầu phúc cho cha mẹ luôn sống khỏe mạnh, bình an”, chị Như chia sẻ.
Ăn chay vào lễ Vu Lan đang trở thành xu hướng được hưởng ứng rộng rãi, đặc biệt là với những người trẻ ở các thành phố lớn và giới công chức văn phòng. Khác với những người theo đạo Phật, ăn chay trường, ăn chay theo phong trào thường xuất phát từ những người có chung sở thích hoặc theo nhóm bạn bè. Chị Đức Hạnh, nhân viên văn phòng ở quận Hoàng Mai, lựa chọn ăn chay với mục đích hướng thiện, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật. Chị Hạnh bộc bạch: “Tôi bắt đầu ăn chay cách đây 3 năm, vừa là tránh sát sinh, vừa coi đó làm biện pháp thanh lọc cơ thể. Lễ Vu Lan năm ngoái, tôi rủ một nhóm bạn đi ăn chay, không ngờ mọi người lại hưởng ứng nhiệt tình. Đến giờ, nhóm 4 người chúng tôi tháng nào cũng ăn chay 2 ngày cố định vào ngày rằm, mùng 1”.
Chị Nguyễn Thị Hiền, nhà ở khu đô thị Vinhomes Thăng Long (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng duy trì ăn chay mỗi tháng 10 ngày, sau khi mẹ chị mất vào năm ngoái. “Mình ăn chay với mong muốn để hồi hướng công đức của mình cho người đã khuất, và gieo các nhân lành, tránh nghiệp sát sinh”, chị Hiền chia sẻ.
Không khó để nhận thấy, dịp này, các quán chay khắp Hà Nội đều trong tình trạng quá tải, phải xếp hàng chờ đến lượt nhận bàn ăn. Thậm chí, nhiều người đặt ăn chay từ hôm trước, vẫn không còn chỗ trống nào, phải đợi qua 13 giờ chiều mới có chỗ.

Quán chay tất bật mùa Vu Lan

Chị Vũ Thu Hương, quản lý quán chay Đàm Hoa trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, quán chay này mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Ngoài phục vụ buffet chay giá 60.000 đồng/người, quán còn nhận làm cơm phần, cơm hộp văn phòng và nhận đặt cỗ. “Những ngày này, càng gần đến lễ Vu Lan, chúng tôi càng bận kinh khủng, không có cả thời gian để nghe điện thoại. Ai muốn đặt bàn, đặt cỗ đều phải nhắn tin, chúng tôi sẽ trả lời sau. Ngoài phục vụ khách đến quán ăn, chúng tôi còn phục vụ ship tận các văn phòng cho dân công sở ngại nắng nóng”.
Nắm bắt xu thế này, không chỉ các quán chay, các cửa hàng bán đồ chay online cũng đắt hàng không kém. Chị Ngọc Diệu, chuyên bán đồ chay online, cho hay: “Càng gần đến mùa Vu Lan, khách mua đồ chay tăng gấp 4 - 5 lần ngày thường. Trước đây, hầu như chỉ phục vụ khách ăn ở quán, thì nay, ngày càng nhiều người có xu hướng ăn chay lâu dài, nên họ thường mua đồ chay về tự chế biến cho cả gia đình, nên quán thêm việc ship đồ chay tận nơi cho khách”.
Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Trọng An, trên thế giới có nhiều trường phái ăn chay khác nhau. Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngày càng có nhiều người ăn chay, thậm chí cả gia đình cùng ăn chay. Có người ăn chay vì không muốn sát sinh, có người muốn giảm cân, có người muốn bảo vệ môi trường, hoặc lo ngại an toàn vệ sinh thực phẩm
“Vào mùa Vu Lan hay rằm, mùng 1, người ta thường ăn chay để sám hối, không sát sinh động vật, hoặc có những người ăn chay theo ngày, theo tuần để giảm thiểu bệnh béo phì, đái tháo đường, tim mạch… Không thể phủ nhận tác dụng tích cực từ ăn chay, tuy nhiên, ăn chay đúng cách, đủ thành phần dinh dưỡng, phù hợp với từng đối tượng và lứa tuổi thì không phải ai cũng biết”, bác sĩ An nói, và cho biết nếu chỉ ăn chay từ 1 - 2 ngày/tháng thì không vấn đề gì, nhưng với những người bệnh, phụ nữ mang thai hay những bạn trẻ đang “tuổi ăn tuổi lớn”, việc ăn chay dài ngày có thể không đảm bảo dinh dưỡng, dẫn đến thiếu các vi chất cần thiết cho sự phát triển, hồi phục sức khỏe.
 
Công ty Nghiên cứu thị trường trực tuyến W&S đã thực hiện cuộc khảo sát 659 người về xu hướng ăn chay của người Việt Nam gần đây, cho thấy tỷ lệ người thường xuyên ăn chay chiếm 14,7%, thỉnh thoảng có ăn chay chiếm 58,9% và rất hiếm khi ăn chay chiếm 26,4%. Có nhiều lý do ăn chay: giúp tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng (40,7%); giúp bổ sung, ngăn ngừa một số chất, tăng cường bảo vệ sức khỏe (33,1%); thực phẩm chay rất ngon (28,7%); muốn rèn luyện bản thân (23,5%)...
Ngoài ra, 46% số người tham gia trả lời khảo sát cho biết ăn chay là một việc có ý nghĩa với cuộc sống của họ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, số người có xu hướng tự nấu các món chay ở nhà chiếm đa số, với 75,6%, tiếp đến là ăn ở nhà hàng chay, với 21,5%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.