Viết tiếp vụ Cơ quan thuế Quy Nhơn cố tình làm khó doanh nghiệp: Tòa có bao che cho cơ quan thuế ?

26/11/2006 23:17 GMT+7

Hai năm qua Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Đức Việt (trụ sở đặt tại Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã kiên trì theo đuổi các vụ án hành chính kiện các quyết định trái pháp luật của ông Nguyễn Thái Cường - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quy Nhơn (CCTQN). Tại TAND thành phố Quy Nhơn, nguyên đơn lại phải đấu tranh với cách hành xử bất hợp lý của một thẩm phán...

Sau khi bị DNTN Đức Việt kiện vì ban hành trái pháp luật Quyết định (QĐ) 854/QĐXPHC (Báo Thanh Niên số ra ngày 26.8.2005 đã phản ánh), Chi cục trưởng CCTQN đã ban hành tiếp QĐ 342/QĐ-CCT xử phạt và truy thu thuế gần 28 triệu đồng đối với DNTN Đức Việt. Doanh nghiệp lại phải kiện Chi cục trưởng CCTQN ra tòa.

Ở vụ kiện thứ nhất, chỉ đến khi Tổng cục Thuế nêu rõ sai phạm, Chi cục trưởng CCTQN mới ban hành QĐ 110/QĐ-CCT "thu hồi" QĐ 854/QĐXPHC, và hoàn thuế GTGT 97.608.118 đồng cho DNTN Đức Việt (trên 105.599.678 đồng bị từ chối hoàn thuế trước đây). Tuy vậy, DNTN Đức Việt không rút đơn kiện bởi pháp luật không có quy định "thu hồi" một QĐ hành chính trái pháp luật, mà chỉ có "sửa đổi" hoặc "hủy bỏ" nó.  Ngoài ra, doanh nghiệp còn yêu cầu Chi cục trưởng  CCTQN bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên tòa án đã bác yêu cầu này và tách yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại thành một vụ án khác. DNTN Đức Việt đã kháng cáo. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Chiến - luật sư của DNTN Đức Việt - cho biết: "Tòa án tách yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại như thế là trái với quy định tại Mục 5 của Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.  Lẽ ra yêu cầu này phải được giải quyết trong cùng một vụ án bởi vì đương sự đã cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh thiệt hại xảy ra. Tách vụ án sẽ làm tốn vô ích thời gian và công sức của cả tòa án lẫn đương sự".

Về vụ kiện thứ hai, ông Nguyễn Minh Đồng - Chủ DNTN Đức Việt cho biết: "QĐ 342/QĐ-CCT của Chi cục trưởng  CCTQN là hoàn toàn trái pháp luật. DNTN Đức Việt không hề có hành vi nào bị coi là trốn thuế. Tất cả các khoản tiền mà Chi cục trưởng CCTQN cáo buộc chúng tôi trốn thuế đều đã được chúng tôi kê khai rõ ràng, đầy đủ trên sổ sách chứng từ kế toán để cơ quan thuế xem xét chấp thuận hoặc loại trừ căn cứ theo quy định của pháp luật về thuế. Mặt khác, tính đến cuối năm 2004, tình hình kinh doanh của DNTN Đức Việt vẫn đang phát sinh lỗ". Luật sư Chiến cho biết thêm: "Công văn số 8585/BTB-TCT ngày 8.7.2005 của Tổng cục Thuế đã hướng dẫn rõ: Tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình kê khai, quyết toán thuế có hành vi kê khai, xác định không đúng căn cứ tính thuế theo quy định của từng sắc thuế và các hành vi vi phạm khác làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm nhưng các số liệu về các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế đã được phản ánh đầy đủ trên sổ sách kế toán và trên báo cáo tài chính đơn vị gửi cơ quan thuế theo đúng quy định thì chưa đủ căn cứ để kết luận là hành vi trốn thuế.  Như vậy, DNTN Đức Việt không thể bị coi là có hành vi trốn thuế”. Về truy thu thuế, Tổng cục Thuế cũng đã có Công văn số 898/TCT-PCCS ngày 13.3.2006 hướng dẫn rất rõ: "Trường hợp cơ sở kinh doanh lập tờ khai tự quyết toán thuế TNDN có kết quả kinh doanh lỗ, khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện, loại khỏi chi phí tính thuế TNDN một số khoản chi không hợp lệ làm giảm lỗ nhưng cũng chưa phát sinh thu nhập chịu thuế nên không có số thuế TNDN phải nộp. Do vậy, không xử lý truy thu thuế TNDN và xử phạt về hành vi trốn thuế TNDN. DNTN Đức Việt vẫn chưa có thu nhập chịu thuế sau khi loại trừ các khoản chi thì không thể truy thu thuế TNDN". 

Ngoài ra, chúng tôi được biết DNTN Đức Việt phải chờ đến 4 tháng mới được đóng tiền tạm ứng án phí cho vụ án này. Sau đó, vụ án đã bị kéo dài gấp 5 lần thời hạn luật định. Không những thế, tại phiên tòa ngày 29.9.2006, Thẩm phán Nguyễn Việt Hoa - Phó chánh án TAND TP Quy Nhơn, chủ tọa phiên tòa, còn tìm cớ ngăn cản luật sư của DNTN Đức Việt tham gia tố tụng. Sự bất thường bộc lộ rõ khi bà Hoa tuyên bác yêu cầu của DNTN Đức Việt với lý do "không có căn cứ", bất chấp đại diện Viện KSND TP Quy Nhơn đề nghị hủy QĐ 324/QĐ - CCT vì nó được ban hành vượt quá thẩm quyền. Ông Nguyễn Minh Đồng nói thêm: "Ngoài các sai phạm trên, bà Hoa còn tạm đình chỉ trái pháp luật vụ kiện thứ nhất.  Khi Viện Kiểm sát phát hiện thì vụ án này đã bị bà Hoa tạm đình chỉ trái pháp luật từ nửa năm trước. Ngày 26.5.2006, TAND tỉnh Bình Định đã tuyên hủy quyết định này của bà Hoa". 

Về việc bị cản trở hành nghề luật sư, ông Phạm Đình Chiến nói: "Đây là việc làm trái pháp luật của bà Hoa. Đơn yêu cầu luật sư của DNTN Đức Việt và Giấy giới thiệu luật sư đã được bưu điện giao cho TAND TP Quy Nhơn 4 ngày trước ngày xét xử. Tại phiên tòa, tôi đã xuất trình thêm chứng chỉ hành nghề và thẻ luật sư, bản sao giấy chứng nhận hoạt động của văn phòng luật sư, nhưng bà Hoa vẫn không chấp nhận". Có mặt tại phiên tòa ngày 29.9.2006, chúng tôi ghi nhận một trong những lý do ngăn cản luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn mà bà Hoa đưa ra là: ông Chiến thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Định nhưng lại làm việc cho một văn phòng luật sư tỉnh Bình Dương (?!). Về điểm này, ông Chiến nói: "Pháp luật không cấm tôi làm việc cho nhiều văn phòng luật sư. Tôi đã tham gia tố tụng tại nhiều tòa án nhưng chưa bao giờ bị cản trở như thế. Hơn nữa, tôi đã được tham gia phiên tòa của vụ kiện thứ nhất tại TAND TP Quy Nhơn".

Đ.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.