Việt Trinh & Bồ Câu Trắng

02/09/2012 12:10 GMT+7

(iHay) Nếu ban đầu, với Việt Trinh, làm từ thiện là để có thể “hóa giải vận hạn” và “cho mình may mắn” hay đi từ thiện cũng kén chọn nhóm này, nơi kia... thì dần dà, suy nghĩ ích kỷ ấy đã tan biến ...

(iHay) Nếu ban đầu, với Việt Trinh, làm từ thiện là để có thể “hóa giải vận hạn” và “cho mình may mắn” hay đi từ thiện cũng kén chọn nhóm này, nơi kia...  thì dần dà, suy nghĩ ích kỷ ấy đã tan biến ...

Sau quá nhiều biến cố liên tiếp xảy đến với bản thân và gia đình, Việt Trinh tìm đến hoạt động từ thiện. Cô không phủ nhận chuyện mình từng rất ích kỷ khi chỉ nghĩ đến bản thân, làm việc tốt, điều thiện để mong tâm nhẹ nhàng, lòng bình an. Nhưng rồi đi nhiều nơi, chứng kiến quá nhiều cảnh thương tâm, không biết bao lần đầm đìa nước mắt, trăn trở mãi trước những thân phận bên bờ vực cõi chết..., chị quyết định lập nhóm từ thiện Bồ Câu Trắng (năm 2003) để chủ động hơn trong công tác này. Bởi khi ấy, tình thương yêu thật sự đã trỗi dậy, lấn át và xóa nhòa mục đích cá nhân.

Đến những nơi thật sự cần mình

Trong nhóm Bồ Câu Trắng, cùng Việt Trinh là diễn viên Trường Thịnh, ca sĩ Nguyên Vũ - những người gắn bó từ giai đoạn đầu thành lập. Nhưng trong mỗi chuyến đi, Bồ Câu Trắng luôn huy động bạn bè nghệ sĩ, các mạnh thường quân, y-bác sĩ, thậm chí cả sư thầy...  cùng tham gia. Bởi, không chỉ là những phần quà, những khoản tiền hỗ trợ, mà đồng hành cùng hoạt động này còn có những món quà tinh thần vô giá, từ tiếng hát, lời ca, những câu kinh sám hối, nguyện cầu... 

Việt Trinh & Bồ Câu Trắng 1 
Việt Trinh trong chuyến từ thiện tại một làng dân tộc ở Định Quán, Đồng Nai

“Với những bệnh nhân tâm thần hay người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, họ đâu biết hoặc chẳng màng đến những gì bên trong gói quà. Mà họ cần được quan tâm, cần có người để nói những lời cuối cùng hay chỉ được gần kề bên cạnh khi sắp lìa đời”, Việt Trinh nói. Vậy nên, có lần khi đến bên giường bệnh của một người đàn ông đã lở loét vì AIDS, nghe ông xin được “cầm tay cô như chị, như mẹ tui lần cuối” (vì gia đình lâu rồi không vào thăm nữa), dù cũng “ngại” nhưng lúc đó sự xót xa, lòng thương giữa con người và con người đã vượt qua được nỗi sợ hãi. “Tôi không kìm được nước mắt nữa, ngồi xuống sát bên rồi nói: anh muốn cầm tay hay ôm tôi cũng được”. Việt Trinh cho biết, ca sĩ Phương Thanh, Nguyên Vũ... cũng không ít lần khóc ròng bên giường các bệnh nhân AIDS, vừa khóc vừa hát như thay lời tiễn đưa...

Khác với thời kỳ đầu làm từ thiện, bây giờ, Việt Trinh lưu tâm nhiều hơn đến những nơi, trường hợp ít được ai biết đến, thậm chí thường bị “ghét bỏ”. Ngoài những gia cảnh đặc biệt được giới thiệu, chị dành nhiều thời gian đến với các trường trại, trung tâm cai nghiện, nơi mà khi chị đề cập để xin hỗ trợ kinh phí, không ít người thẳng thừng từ chối “tụi nó ăn chơi nghiện ngập, giúp làm gì”. Chị thì nghĩ khác, đâu phải ai vào đấy cũng vì chơi bời, mà dù lý do gì chăng nữa, khi người ta đã “quay đầu” thì cũng nên cho người ta cơ hội làm lại, và cơ hội ấy bắt đầu từ sự quan tâm, sẻ chia chân thành.

Hỏi chị có khi nào quay trở lại với những người từng gặp, từng giúp để xem họ ra sao, Việt Trinh thổ lộ, thường thì nhóm chỉ đến nơi nào, gia đình nào đang thực sự khốn khó, sau đó họ được biết đến nhiều, biết được họ khá hơn thì mình sẽ tìm những chỗ khác. Duy có trường hợp đến nay nhóm vẫn còn hỗ trợ, là với bạn Thiết và gia đình (cũng ở Bình Phước). Chị kể, khi gặp Thiết lần đầu, đêm về không ngủ được. Em bị cây cao su ngã, đè gãy xương sống, nằm một chỗ. Nhà quá nghèo, em phải lót báo nằm, ướt thì thay xấp báo khác. “Thấy vậy tôi gọi điện ngay cho bác sĩ Hiếu ở Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (người bạn quen được khi cùng làm từ thiện), xin được cứu giúp. Thứ sáu tôi gọi thì thứ hai Thiết nhập viện mổ. Sau khi điều trị thêm ở Bệnh viện Bưu điện quận 2, sức khỏe ổn dần. Nhà em cũng được chuộc, ý định bán nội tạng để giúp mẹ trả nợ cũng không còn nữa. Thế nhưng, về nhà hơn một năm em lại đau và phải nằm một chỗ tiếp, lại nhiễm trùng... Đưa em xuống khám lại thì bác sĩ lắc đầu, bảo “nó đã ăn vô xương nhiều quá, xuống tới chân nữa...”. Giờ thi thoảng chúng tôi mới lên thăm, nhưng mỗi tháng hỗ trợ 700 ngàn đồng. Thường thì cứ mỗi 5 tháng lại gửi cho mẹ Thiết vì mình sợ nhiều việc lại quên...

 Việt Trinh & Bồ Câu Trắng 2
Việt Trinh, Trường Thịnh, Nguyên Vũ trao xe lăn cho Thiết - Ảnh: B.C.T

Tiết kiệm từng đồng để được nhiều quà hơn

 

Việt Trinh cho biết, gia đình chị còn miếng đất ở Bình Phước, nếu ông trời cho chị làm ăn khá, chị sẽ xây dựng thành nơi cho những người bị phỏng hay bị tai nạn làm biến dạng gương mặt... để họ làm ăn và sống cùng nhau, cho họ môi trường để họ sống không mặc cảm.

Nhắc lại những chuyến từ thiện của nhóm, ca sĩ Nguyên Vũ chia sẻ, “thật lòng tôi ngưỡng mộ Việt Trinh lắm”. Vì, dù mỗi người một cách thể hiện, nhưng “nhìn chị bồng mấy đứa nhỏ ghẻ lở đầy mình, tắm gội cho chúng, tôi thật sự cảm kích”. Nguyên Vũ còn quý Việt Trinh ở chỗ, không ngại xa ngại khó, luôn tìm tận hãng/xưởng/công ty để mua quà tặng cho chất lượng và rẻ (vì khi họ biết mình mua để làm từ thiện, họ cũng bán giá thấp hơn).

Cả diễn viên Trường Thịnh cũng mến Việt Trinh vì sự lăn xả, hết mình của chị. “Đi với Việt Trinh nhiều lần, mình học được nhiều điều, thay đổi quan niệm trong cách nghĩ về 2 chữ từ thiện”. Như anh kể, một lần Việt Trinh nhờ anh đi nhận 3 triệu đồng ủng hộ từ một doanh nghiệp. Đến nơi giám đốc chưa về, chờ hơn 2 tiếng, khi họ về cũng chẳng chào anh mà tiếp tục... tiếp khách khác. Thấy tự ái, anh gọi cho Việt Trinh muốn bỏ về, nhưng Việt Trinh bảo: “Bạn hiền cố gắng chờ đi, cứ nghĩ đến các em nhỏ và 300 phần quà ngày mai, mỗi người góp một ít, bạn hiền cũng cất cái tôi sang một bên, sẽ thấy nhẹ nhàng...”. Lời động viên tinh thần đó giúp anh đủ kiên nhẫn chờ thêm gần 1 tiếng nữa để nhận khoản tiền kia...

Về sau, nhóm Bồ Câu Trắng có thêm Đức Tiến, Quách Tuấn Du, Minh Béo, Đông Quân, Nguyễn Phi Hùng, Siu Black... Việt Trinh cho biết, có những chuyến đi rất âm thầm, nhưng có lúc cũng cần nhờ đến truyền thông. Mình cần PR? Cũng đúng, nhưng là để được nhiều người biết đến nơi ít được quan tâm. Như vừa rồi đi Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định, Bình Dương, nghe có vẻ gần nhưng cả đoàn đi lạc mấy lần, thậm chí có nhà dân cách đó 50 km nhưng không hề biết.

Vài năm gần đây, Việt Trinh đã thôi làm sinh nhật cho mình, dành tiền ấy vào việc thiện. Nhưng mỗi sinh nhật đến, chị luôn thấy ấm lòng từ những tin nhắn, cuộc gọi, những món quà tự làm ở các trường, trại, trung tâm gửi về (nhiều hơn cả lời chúc từ bạn bè, như chị nói). Có con, những chuyến đi của chị ít nhiều ảnh hưởng (có khi vừa đến thì ở nhà gọi báo con sốt, chị phải về nửa chừng). Nhưng có con, chị càng mong được chia sẻ nhiều hơn với những trường hợp thiếu thốn tình cảm, và rồi càng thôi thúc chị làm sao để đến được nhiều hơn những nơi khao khát tình người hay cần trợ giúp...

Mỹ Tâm: Sẽ rất khó khăn nếu không có fan cùng tham gia

Với Mỹ Tâm, khi làm bất cứ công việc gì, nếu chỉ có một cá nhân thì không thể làm tốt được. Đối với các công tác từ thiện như Tâm đã làm thì việc các bạn trong fanclub tham gia cũng là điều hết sức quý giá. Các bạn có thể vận chuyển hàng hóa, ổn định trật tự từ vòng ngoài, giúp đỡ các bác lớn tuổi đi đứng khó khăn... Nếu không có đội ngũ tình nguyện này, phải nói là, rất khó khăn cho những chuyến từ thiện của quỹ, vì thế Tâm rất trân trọng điều đó.

Việt Trinh & Bồ Câu Trắng 3 
Mỹ Tâm trong chuyến trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại miền Trung tháng 7 vừa qua - Ảnh: M.T.E

Mỹ Tâm cho biết, như mọi năm, mùa hè cô sẽ trao học bổng cho các trẻ em nghèo hiếu học để tiếp sức cho các em đón chào năm học mới (tháng 7 vừa qua Tâm đã trao học bổng cho các em tỉnh miền Trung), mùa xuân sẽ trao quà và tiền cho bà con nghèo, góp phần cho cái Tết của bà con thêm vui và đầm ấm hơn một chút. Cô cũng đang lên kế hoạch trao học bổng cho các em nghèo hiếu học ở miền Tây, nếu được thì sẽ thực hiện trong dịp trung thu.

Thái Thùy Linh: Mang âm nhạc đến bệnh viện

Ý tưởng này được Thái Thùy Linh biến thành hiện thực hơn một năm nay, khi cô đã phối hợp tổ chức được gần 20 số (2 tuần một chương trình tại một bệnh viện). Với thông điệp ý nghĩa: mang âm nhạc đến bệnh viện để đổi lấy những nụ cười hiếm hoi nơi này, Thái Thùy Linh cho biết, chương trình không chỉ có các nghệ sĩ biểu diễn, mà có thể có sự tham gia của các y-bác sĩ, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân (nếu họ muốn giao lưu, góp vui); do đó chương trình đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Đoàn thanh niên của Bộ Y tế (liên hệ các bệnh viện, chuẩn bị các thủ tục...) cùng sự tham gia nhiệt tình của đông đảo nghệ sĩ, các nhà hảo tâm. Trong mỗi buổi diễn, chương trình có thùng lạc quyên và khi kết thúc, sẽ trích một phần từ số tiền quyên góp được cho 3 bệnh nhân khó khăn nhất, số còn lại sẽ được gửi vào quỹ bệnh nhân nghèo của bệnh viện.

Việt Trinh & Bồ Câu Trắng 4
Ca sĩ Anh Thơ song ca cùng bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng trong chương trình số 18 (24.8) tại BV Tai mũi họng Trung ương, Hà Nội - Ảnh: B.T.L 

Sau hơn 1 năm thực hiện, Thái Thùy Linh mong muốn “chương trình được tổ chức thường xuyên hơn trong năm 2013, với mỗi tháng 4 số: 2 số tại Hà Nội, 1 số ở TP.HCM và 1 số ở các địa phương khác. Để được như vậy, chúng tôi hy vọng và mong sẽ nhận được nhiều hơn nữa những tấm lòng quý báu của các đồng nghiệp, các cá nhân, tổ chức gần xa...”.

Theo kế hoạch, vào 2 ngày 30, 31.8, Mang âm nhạc đến bệnh viện sẽ lần đầu tiên vào TP.HCM, với 2 chương trình được tổ chức tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (15 giờ ngày 30.8) và Bệnh viện Chợ Rẫy (15 giờ ngày 31.08).

 N.Vân (ghi)

Nguyên Vân

>> Việt Trinh vượt qua nỗi buồn bằng công tác từ thiện.
>> Việt Trinh trải lòng với “Đời vẫn đẹp sao”
>> Việt Trinh hồi hộp chờ "Trở về" lên sóng
>> Việt Trinh trở lại 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.