Vietcombank chọn chữ ‘tâm’ cho sự nghiệp ‘trồng người’

19/10/2017 08:00 GMT+7

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank khẳng định, trong kinh doanh Vietcombank luôn coi trọng chữ “tín”, còn trong các hoạt động từ thiện, phát triển cộng đồng phải xuất phát từ chữ “tâm”.

Với mục tiêu xuyên suốt là phát triển bền vững vì cộng đồng, ông có thể chia sẻ về những hoạt động an sinh xã hội của Vietcombank thời gian qua?
Văn hóa của Vietcombank được xây dựng dựa trên giá trị cốt lõi là nhân văn. Bởi vậy, bên cạnh định hướng phát triển hoạt động kinh doanh, Vietcombank luôn xác định trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và luôn nỗ lực đóng góp tối đa cho sự phát triển chung của xã hội. Nếu trong kinh doanh, Vietcombank luôn coi chữ “tín” là kim chỉ nam thì với công tác an sinh xã hội, Vietcombank luôn lấy chữ “tâm” làm gốc, luôn nỗ lực để đem lại những giá trị thiết thực, bền vững trong các hoạt động phát triển cho cộng đồng.
Chỉ tính trong 5 năm qua, số tiền Vietcombank dành cho công tác an sinh xã hội khoảng 1.100 tỉ đồng, đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, xây nhà cho người nghèo, hỗ trợ đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai… Giáo dục là lĩnh vực Vietcombank dành sự quan tâm đặc biệt, riêng năm 2016, trong tổng số hơn 234 tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội, Vietcombank đã đầu tư gần 136 tỉ đồng cho lĩnh vực giáo dục.
Các nội dung triển khai cụ thể dành cho lĩnh vực giáo dục là gì thưa ông?
Không chỉ xây dựng những ngôi trường mới, Vietcombank còn quan tâm đến hỗ trợ trang thiết bị học tập, giảng dạy cũng như nâng cấp các hạng mục xây dựng tại nhiều ngôi trường đang hoạt động.
Mỗi năm, Vietcombank cũng dành hàng chục tỉ đồng tặng học bổng cho các học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc… Qua những hoạt động này, Vietcombank mong muốn được góp phần thắp lên niềm tin cho những em học sinh nghèo, thắp lửa cho những đam mê và truyền thống hiếu học của thế hệ trẻ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Vietcombank còn phối hợp với nhiều đơn vị và đồng hành với nhiều chương trình đặc biệt có ý nghĩa như: “Nhân tài Đất Việt”; “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”; “Cõng chữ lên non”…
Ông có thể chia sẻ về một sự kiện hay kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong suốt chặng đường cùng Vietcombank dành tâm huyết đối với lĩnh vực giáo dục?
Khoảng năm 2015, thông qua Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, chúng tôi có thông tin về Trường tiểu học Lũng Lìu - ngôi trường khó khăn thiếu thốn nhất thuộc xã Dân Chủ, H.Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Trường nằm trên đỉnh núi cao, phục vụ công tác giảng dạy cho học sinh ba xóm bản xa xôi khó khăn nhất của H.Hòa An là Canh Tao, Lũng Lìu, Lũng Lạ, cơ sở vật chất của trường thiếu thốn đủ thứ.
Sự khát khao được học của các em, thôi thúc Vietcombank phối hợp với Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tiến hành khảo sát và dành số tiền 4,6 tỉ đồng để xây trường. Chỉ khoảng 7 tháng sau, ngôi trường khang trang đã được hoàn thành với tổng diện tích xây dựng hơn 700 m2 đáp ứng cơ bản nhu cầu của một cơ sở giáo dục tiểu học và giúp cho trên 100 trẻ em học sinh dân tộc nghèo mỗi năm được đến trường học tập trong môi trường an toàn và điều kiện tốt hơn.
Ông có thể cho biết về kế hoạch hoặc dự định cho công tác an sinh xã hội của Vietcombank trong thời gian tới?
Cán bộ, nhân viên, người lao động Vietcombank hiện tại coi công tác an sinh xã hội như những việc làm thường nhật và luôn dành sự ủng hộ to lớn để Vietcombank thực hiện được những chương trình quy mô, có ý nghĩa. Bởi vậy bên cạnh những chương trình lớn do Vietcombank phối hợp với địa phương và các cơ quan thực hiện, từng cá nhân cán bộ Vietcombank cũng luôn có ý thức và hằng ngày vẫn có những đóng góp cho nhiều chương trình thiết thực để cùng chung tay góp sức xây dựng một xã hội ngày càng văn minh, tươi đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.