Vietcombank ‘cú hích’ thanh toán điện tử dịch vụ công

17/12/2015 07:00 GMT+7

Cuộc cách mạng thanh toán điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công bùng nổ dữ dội với sự tham gia của một loạt ngân hàng, trong đó có “đại gia” Vietcombank.

Cuộc cách mạng thanh toán điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công bùng nổ dữ dội với sự tham gia của một loạt ngân hàng, trong đó có “đại gia” Vietcombank.

Tham dự “Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015”, ông Đào Minh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, hiện nay tại Việt Nam có trên 40% người dân sử dụng internet. 
Thanh toán điện tử đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Nó không chỉ dừng lại ở việc mua sắm trực tuyến các hàng hóa tiêu dùng giữa cá nhân với cá nhân (P2P) và giữa cá nhân với doanh nghiệp (P2B), mà còn bao gồm khối lượng lớn giao dịch giữa cá nhân hoặc doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước (P2G và B2G) trong việc thanh toán dịch vụ công do các cơ quan Nhà nước cung cấp như nộp thuế, đăng ký - kiểm tra, cấp giấy chứng nhận, đăng ký - gia hạn các loại giấy phép…
Vietcombank tiên phong trong thanh toán điện tử Vietcombank tiên phong trong thanh toán điện tử 
Hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng nhà nước, vai trò của các ngân hàng tại Việt Nam trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử phục vụ dịch vụ công hiện nay đang vô cùng quan trọng. Tại Vietcombank, sau hơn một năm thực hiện dịch vụ nộp thuế điện tử với Tổng cục thuế, tổng số doanh nghiệp đã đăng ký dịch vụ với cơ quan thuế nộp thuế qua Vietcombank là 91.252 doanh nghiệp, chiếm 16% tổng số doanh nghiệp đăng ký qua các ngân hàng trong nước. Tổng số doanh nghiệp đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước qua Vietcombank là 25.784 doanh nghiệp, chiếm 19% tổng số doanh nghiệp nộp tiền qua các ngân hàng. Tổng số tiền nộp thuế thu được lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.
Nộp thuế điện tử theo ông Đào Minh Tuấn là một trong các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo 4 mức độ. Trong đó, cao nhất là mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Như vậy, để đạt hiệu quả cao nhất, dịch vụ công trực tuyến tại các Cơ quan Nhà nước cần hoàn thiện ở mức độ 4, và đây cũng có bước có sự tham gia của các ngân hàng trong giai đoạn thanh toán.
Hiện nay Chính phủ đã đặt mục tiêu đến hết năm 2015, 100% các cơ quan nhà nước từ cấp quận, huyện, Sở, Ban, ngành hoặc tương đương trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử; 50% hồ sơ khai thuế của người dân và doanh nghiệp được nộp qua mạng; 90% cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử… và rất nhiều mục tiêu khác.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn tại một số đơn vị trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM, dù đã bắt đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến từ nhiều năm nay và thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về loại hình dịch vụ này nhưng kết quả cũng không cao. Đơn cử tại Cục thuế TP.HCM, hiện nay có đến 98% doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử nhưng số thuế nộp vào ngân sách qua hình thức này chỉ khoảng 14.000 tỉ đồng trong 100.000 tỉ đồng tiền thuế phải thu.
Đối với dịch vụ nộp thuế điện tử, việc triển khai đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại, tính đến nay đã có 30 ngân hàng ký chính thức cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử. Để thúc đẩy thanh toán điện tử cho dịch vụ công phát triển mạnh hơn nữa thì mức độ tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước rất quan trọng. Song, theo ông Tuấn các ngân hàng cũng đóng một vai trò quan trọng không kém.
Để các cá nhân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích của thanh toán điện tử phục vụ dịch vụ công, các ngân hàng đã, đang tích cực thực hiện phát triển cơ sở khách hàng (số lượng/dữ liệu) để tăng tỉ lệ khách hàng doanh nghiệp/cá nhân giao dịch qua ngân hàng, từ đó có nền tảng để gia tăng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán công trực tuyến.
Bên cạnh đó, ngân hàng cần phối hợp với các cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác truyền thông mang tầm quốc gia để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Thực tế cho thấy nhiều thủ tục hành chính đã có thể thực hiện trực tuyến nhưng người dân vẫn muốn thực hiện trực tiếp do tâm lý e ngại và có nhiều thông tin cần phải giải trình với cán bộ tiếp nhận hồ sơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.