Muốn tăng vốn, phải có CĐCLNN. Đó là yêu cầu của NHNN đối với VCB nếu muốn tăng vốn. Theo phương án dự kiến, VCB sẽ phát hành thêm 112,29 triệu cổ phần, tỷ lệ phát hành là 9,28%. Số lượng cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, trong đó có cả cổ đông lớn nhất là Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ được sử dụng cho 3 mục đích: đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, năng lực nhân sự; tăng cường tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn; tăng cường đầu tư, liên doanh, góp vốn. Nếu phương án này triển khai thành công sẽ nâng vốn điều lệ của VCB từ 12.100 tỉ đồng lên 13.223 tỉ đồng.
Tuy nhiên, NHNN đã không chấp thuận phương án tăng vốn này với yêu cầu, VCB phải tìm CĐCLNN trước khi tăng vốn. Có thể nói, việc chọn CĐCLNN của VCB là chuyện nóng bỏng nhất kể từ khi ngân hàng này chuẩn bị cổ phần hóa. Với vị thế, quy mô của mình, việc chọn CĐCLNN của VCB được kỳ vọng sẽ đưa ngân hàng này trở thành tập đoàn tài chính hàng đầu tại VN, vươn ra ngoài khu vực và thế giới.
Thế nhưng, do đặt tiêu chí giá lên hàng đầu, VCB đã tự đưa mình vào tình trạng bế tắc. Còn nhớ thời điểm chuẩn bị cổ phần hóa cuối năm 2007, VCB "chấm" 3 ứng cử viên là Tập đoàn tài chính Nomura (Nhật), Goldman Sachs và General Electric của Mỹ. Từ 3 ứng viên này, ngân hàng sẽ lựa chọn 2 cổ đông chiến lược. Nhưng do không thỏa thuận được về giá bán cổ phần giữa hai bên (các tập đoàn này chỉ đưa ra mức giá từ khoảng 45.000 đồng - 60.000 đồng/cổ phần) nên VCB đã IPO mà không có CĐCLNN. Việc này càng đi vào bế tắc khi giá IPO của VCB sau đó được đẩy lên tới trên 100.000 đồng/cổ phiếu, cao gần gấp đôi giá các CĐCLNN trả.
Nghịch lý và bi đát hơn, ngay sau đó giá cổ phiếu VCB trên thị trường OTC liên tục lao dốc cùng với sự sụt giảm chung của thị trường chứng khoán, thời điểm thấp nhất chỉ còn khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu. Bài toán chọn CĐCLNN của VCB không tìm được đáp án phù hợp. Bán với giá cao tất nhiên không được, nhưng nếu bán với giá thấp tương đương với giá cổ phiếu trên thị trường OTC thời điểm đó thì hóa ra "người nhà bị mua giá cao, người ngoài được mua giá thấp".
Câu chuyện chọn CĐCLNN của VCB tạm thời được gác lại và chỉ rộ lên khi ngân hàng này chuẩn bị lên sàn hồi tháng 6.2009 vừa rồi. Nhưng cuối cùng, vì nhiều lý do, ngân hàng này vẫn chưa tìm được CĐCLNN.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM khẳng định, việc NHNN "ép" VCB phải tìm CĐCLNN là hoàn toàn đúng. "Không có CĐCLNN thì cổ phần hóa không có hiệu quả cao bởi một điều chắc chắn các CĐCLNN sẽ giúp các ngân hàng trong nước nâng cao quản trị, quản lý hệ thống, chiến lược kinh doanh...", ông Dương giải thích thêm.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)