Viettel chung tay giải quyết vấn đề công nghệ toàn cầu

27/02/2024 18:43 GMT+7

Là một trong những tập đoàn công nghệ Việt Nam lớn nhất tại Hội nghị Di động thế giới năm 2024, Viettel mang đến những sản phẩm và giải pháp tham gia giải quyết các vấn đề công nghệ toàn cầu.

Human AI Vi An trả lời câu hỏi trên sóng livestream

Human AI Vi An trả lời câu hỏi trên sóng livestream

Với chủ đề "Future First" (Tương lai là trên hết) của Hội nghị di động thế giới (Mobile World Congress) - MWC 2024 được tổ chức tại Barcelona, Viettel bày tỏ mong muốn cam kết "công nghệ từ trái tim" để phát triển mạng lưới bền vững, hạ tầng lưu trữ an toàn, tin cậy và ứng dụng nhân văn phục vụ con người.

Sau sự kiện năm 2023 nói về tăng tốc 5G và kỷ nguyên mới của AI, năm nay Hiệp hội di động toàn cầu (GSMA), nhà tổ chức MWC nhìn nhận những mặt trái của phát triển công nghệ, thay vì chỉ phát triển và thịnh vượng.

Trong một thế giới ngày càng nhiều kết nối, mức độ tiêu hao tài nguyên và hiệu suất của mạng lưới hay độ an toàn của các tập dữ liệu trở thành các vấn đề cấp bách. Tương tự, khi AI trở thành ngành công nghiệp quy mô khổng lồ đóng góp 16 triệu tỉ USD vào kinh tế toàn cầu tới năm 2030, theo ước tính của GSMA, các tổ chức phải tính đến rủi ro với dữ liệu người dùng.

Tại MWC 2024, Viettel thể hiện cách tiếp cận của mình với các vấn đề công nghệ này thông qua 4 nhóm sản phẩm: hạ tầng mạng tương lai bền vững; hạ tầng lưu trữ, xử lý dữ liệu an toàn; các ứng dụng phục vụ con người và nhóm sản phẩm tầm nhìn tương lai. Các sản phẩm "Make in Vietnam", "Made by Viettel" bao quát toàn trình từ mạng lưới đến người dùng cuối, trong đó nhiều sản phẩm đã chứng minh giá trị trên thị trường toàn cầu.

Viettel chung tay giải quyết vấn đề công nghệ toàn cầu- Ảnh 2.

Khách tham quan và RFIC tại gian hàng Viettel tại MWC 2024

Hạ tầng mạng bền vững cho tương lai

Viettel là một trong số hiếm vừa là nhà mạng viễn thông đồng thời là nhà sản xuất thiết bị làm chủ từ mạng lõi đến trạm thu phát, nhờ đó có khả năng đưa thế hệ di động mới nhất đến người dùng ở các nước đang phát triển. Hệ sinh thái 5G "Make in Vietnam", "Made by Viettel" được trình diễn tại MWC 2024 bao gồm sản phẩm chip 5G DFE, một trong những thành phần phức tạp nhất trong hệ sinh thái 5G.

Chip 5G DFE điều khiển toàn bộ các hoạt động của khối thu/chuyển tín hiệu và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Con chip được làm chủ toàn trình về thiết kế bởi các kỹ sư Viettel đạt khả năng tính toán 1.000 tỉ phép tính trên giây, hiệu năng tương đương chip 5G của một trong top 10 công ty bán dẫn thế giới mà Viettel từng sử dụng trong thiết bị, đáp ứng tiêu chuẩn chung về 5G của 3GPP - hiệp hội các tổ chức phát triển giao thức cho viễn thông di động.

Không dừng lại ở mạng lưới truyền thống, Viettel sử dụng mạng lưới tự động tối ưu sử dụng điện năng, tự động sửa lỗi, tối ưu chất lượng mạng, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng bền vững trong bối cảnh "Kết nối vạn vật", các mạng lưới ngày càng mở rộng.

Khách tham quan trải nghiệm thực tế ảo trên TV 360

Khách tham quan trải nghiệm thực tế ảo trên TV 360

Hạ tầng lưu trữ, xử lý hiệu quả và an toàn

Đáng chú ý, trong bối cảnh mọi ngành kinh doanh từ tài chính đến hàng tiêu dùng đều trở thành cuộc chiến dữ liệu, Viettel đem đến MWC hệ sinh thái Viettel Cloud, cung cấp giải pháp tổng thể từ cơ sở hạ tầng, nền tảng, phần mềm đến dịch vụ quản lý lưu trữ, đồng thời đảm bảo an toàn về dữ liệu với hệ thống Trung tâm an ninh mạng (SOC).

Đây là hệ thống bảo mật đối với các lớp điện toán đám mây được phát triển bởi đội ngũ Viettel Cyber Security với chuyên môn cao, nhiều lần vượt qua các hãng công nghệ toàn cầu, gần đây nhất là tại Pwn2Own 2023 ở Toronto.

Ngay cả với việc đa dạng giải pháp và an toàn, thì việc tham gia vào thị trường điện toán đám mây là không dễ. Hơn 65% thị phần hiện nằm trong tay Amazon, Microsoft và Google, và ngay cả các công ty như IBM hay Tencent cũng chỉ chiếm khoảng 2%, theo thống kê của Statista.

Dù vậy, Viettel Cloud, một trong những hệ sinh thái đám mây hoàn chỉnh đầu tiên do Việt Nam làm chủ, sẽ tiếp tục được mở rộng quy mô đầu tư lên 40.000 tỉ đồng đến năm 2030, với sứ mệnh bảo vệ chủ quyền số quốc gia - mỗi doanh nghiệp đều có thể lưu trữ và xử lý dữ liệu của mình trong các hạ tầng an toàn đặt tại Việt Nam.

Hệ sinh thái 5G O-Ran tại gian hàng Viettel

Hệ sinh thái 5G O-Ran tại gian hàng Viettel

Ứng dụng số phục vụ con người

Dựa trên hạ tầng mạng và đám mây, Viettel cũng là nhà phát triển các ứng dụng số giải quyết nhu cầu của số đông khách hàng, đồng thời sử dụng tài nguyên hiệu quả. Xuất hiện tại MWC 2024 là nền tảng Viettel Digital Finance (VDFP) và TV 360.

Nếu VDFP là nền tảng cung cấp các chức năng tài chính số cho đa dạng người dùng trong nền kinh tế, bao gồm giao dịch ở những nơi không có Internet - tính năng hầu hết các ứng dụng tài chính số cả trong nước và thế giới hiện không hỗ trợ, thì TV 360 hiện là ứng dụng truyền hình OTT nhiều người dùng bậc nhất ở Việt Nam với hơn 10 triệu người dùng thường xuyên, cũng là sản phẩm được xây dựng trên nền tảng Viettel Cloud, sử dụng kiến trúc Cloud Microservices - các dịch vụ nhỏ, độc lập có thể kết nối với nhau để tạo thành một hệ thống lớn do đó dễ mở rộng theo nhu cầu.

Về AI - nằm trong chủ đề của MWC năm nay, V-Space sẽ là một trong những sản phẩm AI của Viettel được trình diễn tại sự kiện.

Công cụ này sẽ trao quyền cho các cấp quản lý ở từng cấp hành chính khác nhau giám sát thông tin ở nhiều lĩnh vực như xây dựng, giao thông, nông nghiệp;… tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định dựa trên dữ liệu và liên ngành, giảm thiểu thời gian báo cáo thủ công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.