Phòng thí nghiệm nghiên cứu 5G/6G do Viettel tài trợ bao gồm một hệ thống mạng viễn thông 5G Stand-alone (kiến trúc mạng 5G sử dụng đầy đủ các công nghệ lõi, không phụ thuộc 4G) hoàn chỉnh do tập đoàn này nghiên cứu phát triển từ mạng lõi (xử lý dữ liệu) đến vô tuyến (kết nối với thiết bị đầu cuối).
Các nhóm nghiên cứu ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng phòng thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu các công nghệ lõi của kết nối không dây thế hệ mới như beamforming (định hướng tín hiệu vô tuyến, giúp cải thiện hiệu suất truyền dẫn với thiết bị đầu cuối), network slicing (phân chia mạng, chia mạng vật lý thành các mạng riêng biệt để đáp ứng các nhu cầu khác nhau), uRRLC (kết nối siêu chính xác ở độ trễ siêu thấp, truyền tải dữ liệu gần như không có lỗi ở độ trễ mili giây). Đây là các công nghệ phục vụ các ứng dụng của 5G như công nghiệp tự động hoá, điều khiển tự động, xe tự lái, phẫu thuật y tế từ xa.
Tại sự kiện, Viettel còn trao 9 học bổng cao học phát triển tài năng nghiên cứu (Viettel Research Excellence Scholarship - VES). Đây là chương trình học bổng dành cho các nhà nghiên cứu trẻ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên Viettel phối hợp triển khai.
Trước đó, năm 2023, tập đoàn đã trao 8 suất học bổng cho các học viên thạc sỹ của ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Tính đến nay, Viettel và Đại học Bách Khoa Hà Nội đã hợp tác nghiên cứu và công bố 25 báo cáo khoa học. Thượng tá Cao Anh Sơn, Phó tổng Giám đốc Viettel, khẳng định: "Viettel nhận thức rất rõ về việc đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Là một Tập đoàn công nghệ, chúng tôi hiểu rằng cần phải mở rộng mạng lưới hợp tác nghiên cứu chuyên sâu, để từ những nghiên cứu đó tạo thành những sản phẩm đóng góp cho xã hội".
Bình luận (0)