Báo cáo trước HĐND TP.Hà Nội sáng 9.7 về việc khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT, mono rail, giao thông thông minh bằng hình thức hợp tác công tư (PPP), ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, cho biết có 2 nhà đầu tư lớn quan tâm đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.
Theo ông Quyền, hiện đã thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP, cụ thể là BT, tuyến đường sắt đô thị số 2 giai đoạn 2 từ Trần Hưng đạo - Thượng Đình, và tuyến số 3 đoạn từ Trôi - Nhổn.
Với tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, Vingroup đang thực hiện chuẩn bị đầu tư, đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo ý kiến của hội đồng thẩm định thành phố, để trình Chính phủ và Quốc hội thẩm định, thông qua và phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tuyến số 3 đoạn từ Trôi - Nhổn thì Tập đoàn T&T đang nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi trình UBND thành phố xem xét.
Tuyến số 5 đoạn nam Hồ Tây - Văn Cao vành đai 4, điểm cuối tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức cũng đang được Vingroup thực hiện chuẩn bị đầu tư theo hình thức BT, và cũng đang ở bước hoàn thiện báo cáo tiền khả thi theo ý kiến của Hội đồng thẩm định thành phố để trình Chính phủ và Quốc hội thẩm định thông qua và phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo ông Quyền, ngân sách thành phố sẽ đầu tư phần mua sắm thiết bị cho đề pô, toa xe;... dự án BT sẽ làm phần xây dựng ga, đề pô, đào hầm, đường trên cao đi bằng cũng như đi dây.
Tuy 2 nhà đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, nhưng do hiện Bộ Tài chính có văn bản báo cáo Chính phủ yêu cầu tạm dừng các dự án PPP để rà soát cơ chế, chính sách mới tiếp tục triển khai thực hiện, nên Hà Nội cũng đang chờ hoàn thiện cơ chế, chính sách trước khi tiếp tục triển khai.
Tổng mức đầu tư của cả 2 dự án này cũng như khu vực dự kiến là đất đối ứng chưa được Hà Nội tiết lộ chi tiết.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội cũng đã có tờ trình HĐND thành phố về tuyến đường sắt số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dự kiến có tổng vốn đầu tư 40.576 tỉ đồng. Hà Nội dự kiến vay vốn của WB, ADB, Ngân hàng Tái thiết Đức, Chính phủ Pháp và Cơ quan phát triển Pháp để đầu tư tuyến đường sắt trên.
Hà Nội đã quy hoạch 9 tuyến đường sắt đô thị, nhưng trong 2 tuyến đã triển khai, không một tuyến nào suôn sẻ. Tất cả đều chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn và mắc kẹt về thủ tục.
9 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội theo quy hoạch:
Tuyến số 1 gồm 2 nhánh: Ngọc Hồi - Ga trung tâm Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên và Gia Lâm - Dương Xá (Phú Thụy); tuyến đi trên cao kết hợp giữa đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia. Chiều dài tuyến khoảng 36 km.
Tuyến số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt với chiều dài khoảng 42 km. Đoạn Nội Bài - Hoàng Quốc Việt đi trên cao, đi ngầm trên đoạn còn lại.
Tuyến 2A: Cát Linh - Ngã Tư Sở - Hà Đông với chiều dài khoảng 14 km. Tuyến này chuẩn bị được đưa vào vận hành. Tuyến số 3: Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai với chiều dài khoảng 26 km, tuyến đi cao trên đoạn Trôi - Cầu Giấy và chủ yếu đi ngầm trên đoạn còn lại với tổng số 26 ga. Giai đoạn 1 xây dựng đoạn từ Nhổn - ga Hà Nội; T&T muốn đầu tư đoạn Trôi - Nhổn và đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai đang được UBND TP triển khai các thủ tục vay ODA để làm. Hà Nội dự kiến đưa khai thác toàn tuyến vào năm 2023.
Tuyến số 4: Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - vành đai 2,5 - Cổ Nhuế - Liên Hà với chiều dài khoảng 54 km. Trong số này, đoạn Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt đang được Vingroup quan tâm.
Tuyến số 5: Văn Cao - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4 - Hòa Lạc với chiều dài khoảng 39 km. Đoạn từ Nam Hồ Tây - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng - Trung tâm Hội nghị quốc gia đi ngầm, đoạn tiếp theo đi trên mặt đất hoặc đi cao trong phạm vi dải phân cách giữa của đại lộ Thăng Long.
Tuyến số 6: Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi với chiều dài khoảng 43 km.
Tuyến số 7: Mê Linh - Đô thị mới Nhổn - Vân Canh - Dương Nội với chiều dài khoảng 28 km, tuyến đi cao toàn bộ hoặc đi cao kết hợp đi ngầm trong đoạn đô thị vành đai 4.
Tuyến số 8: Sơn Đồng - Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) - vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá với chiều dài khoảng 37 km. Đoạn từ Sơn Đồng - Mai Dịch quy hoạch đi cao, đoạn tuyến đi theo vành đai 3 đến Lĩnh Nam đi ngầm, đoạn tuyến từ Lĩnh Nam - vượt sông Hồng - Dương Xá đi trên cao.
Trong 9 tuyến trên có tuyến số 1 và tuyến số 2A do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, các tuyến còn lại do Hà Nội làm chủ đầu tư.
|
Bình luận (0)