Vincom cho rằng khác nhau duy nhất của hai thương hiệu là ở một chữ N và M tại cuối từ, nhưng bản chất hai chữ này đều là phụ âm đọc tương tự nhau và nhìn cũng giống na ná nhau. Sự khác biệt này không đủ để phân biệt một cách rõ ràng giữa hai nhãn hiệu, gây nhầm lẫn cho công chúng.
Dẫn quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và thông tư hướng dẫn về yếu tố nhầm lẫn và tương tự, Vincom cho rằng nhãn hiệu của Vincon bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Vincom đang được bảo hộ. Việc sử dụng thương hiệu này của Vincon trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Vincom.
Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom, nói hành vi trên của Vincon là “cố tình nhầm lẫn để hưởng lợi trên uy tín và danh tiếng của Vincom, vốn đã được khẳng định trên thị trường”. Ông Hiệp dẫn chứng, năm 2009 đã có lời cảnh báo tới Vincon về việc họ công bố dự án khu du lịch sinh thái tại Chân Mây - Lăng Cô, khi dư luận có sự nhầm lẫn giữa hai thương hiệu. Gần đây nhất là sự việc bắt quả tang cán bộ của Vincon đánh bạc trong phòng họp, khiến dư luận hiểu lầm thành cán bộ của Vincom. “Dù đã gửi thư tới Ban lãnh đạo yêu cầu đổi tên để tránh nhầm lẫn, tuy nhiên phía Vincon đã không có câu trả lời hợp lý nên chúng tôi đã quyết định khởi kiện ra tòa để xử lý dứt điểm vấn đề này”, ông Hiệp nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại - Cục SHTT, hiện đơn của Vincom đã được chấp nhận hợp lệ và Cục SHTT đang xem xét đưa ra kết luận. Trả lời về việc Vincon - Vincom có thể xét vào trường hợp hai tên tương tự, gây nhầm lẫn không, ông Hồng cho rằng “về chữ thì rất dễ gây nhầm lẫn”.
Anh Vũ
Bình luận (0)