Vĩnh biệt 'cơn lốc đường biên' một thời tung hoành của bóng đá Việt Nam

Quang Tuyến
Quang Tuyến
01/09/2023 22:52 GMT+7

Hậu vệ phải Nguyễn Chí Bảo, sinh năm 1972, từng một thời được xem là "cơn lốc đường biên" của bóng đá Việt Nam thập niên 90 thế kỷ trước đã giã từ cõi tạm ở tuổi 51, vào chiều ngày 1.9.2023 sau cơn bạo bệnh.

Nói đến Nguyễn Chí Bảo, không người hâm mộ bóng đá nào của TP.HCM và cả nước lại không nhớ đến một cầu thủ nhỏ con, luôn chơi bám biên phải, lên công về thủ nhịp nhàng, mạnh mẽ và có những pha ra chân táo bạo với nhiều cú sút sấm sét gây ngỡ ngàng cho đối thủ và mang lại nhiều cảm xúc thú vị.

Những năm đầu 90 của thế kỷ trước, chính Chí Bảo là 1 trong những cầu thủ hiếm hoi khoác áo lần lượt 3 đội bóng TP.HCM là Hải quan, Cảng Sài Gòn và Công an TP.HCM chỉ trong vòng 4 mùa bóng. Ông đã từng giành 2 ngôi vô địch quốc gia năm 1993 - 1994 sau khi cùng Cảng Sài Gòn thắng Công an TP.HCM 2-0 trong trận chung kết. Sau đó lại cùng đồng đội Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Nguyễn Liêm Thanh, Châu Trí Cường vượt qua Huế để đăng quang ngôi vô địch năm 1995.

Vĩnh biệt 'Cơn lốc đường biên' một thời tung hoành của bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

Chí Bảo (hàng ngồi, bìa trái), Liêm Thanh (hàng ngồi, bìa phải) cùng Huỳnh Đức, Minh Chiến trong màu áo đội tuyển Việt Nam và Công an TP.HCM

Tư liệu

Thời điểm đó Chí Bảo được HLV Weigang gọi vào đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 18 ở Chiangmai năm 1995 rồi Tiger Cup 1996 ở Singapore. Trong màu áo số 3 quen thuộc, Chí Bảo đã chơi tả xung hữu đột với thể lực bền bỉ, kiên nhẫn và dẻo dai. Khi cần phòng ngự, ông thầy người Đức sắp Chí Bảo đá chính ở hành lang phải, còn khi đội hình chuyển động theo hướng tấn công, Chí Bảo được đẩy lên như một tiền vệ để Trần Công Minh vào đá cánh phải. Dù là vai trò nào, tiền vệ nhỏ con chỉ cao 1,60 m này luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thể hiện sự khôn ngoan, khéo léo và chơi vô cùng tinh quái. 

Chính HLV Weigang lúc sinh thời, đã từng nói: "Chí Bảo không phải là mẫu hậu vệ thép, nhưng tinh thần và sự lì lợm thì khỏi chê. Để bóng đến chân anh thì ngay lập tức sóng gió nổi lên phía đối phương, bởi cách chơi tràn đầy sức sống, hừng hực của Chí Bảo. Đặc biệt những pha leo biên, tạt bóng của Chí Bảo có độ sát thương rất cao". HLV Nguyễn Kim Hằng (ông đã mất) của đội Hải Quan hồi đó cũng nhận xét: "Chí Bảo không cao nhưng bất cứ ai giáp mặt cũng phải e dè vì những cú đi bóng dữ dội, rất khó lấy bóng trong chân anh. Chí Bảo xứng đáng là cơn lốc đường biên của bóng đá Việt Nam".

Vĩnh biệt 'Cơn lốc đường biên' một thời tung hoành của bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

Nguyễn Chí Bảo vẫn luôn giữ sự lạc quan trong lúc bị bệnh

Khả Hòa

Tôi còn nhớ đầu tháng 1.1996 khi Báo Thanh Niên tổ chức cuộc gặp gỡ nhân kỷ niệm ngày thành lập báo tại khách sạn New World, có rất nhiều tuyển thủ quốc gia đến chia vui, trong đó có bộ đôi Chí Bảo và Liêm Thanh đi chung với nhau. Cả 2 vừa trở về sau khi giành huy chương bạc SEA Games ở Thái Lan. Khi đó tôi có hỏi Chí Bảo, anh nhỏ con như vậy lấy nguồn năng lượng ở đâu ra mà chơi hay đến thế, hậu vệ tài năng này nói ngay: "Không phải chỉ riêng tôi mà bóng đá Việt Nam mình cũng có nhiều cầu thủ nhỏ người nhưng chơi tốt như anh Hồ Văn Lợi hay Lư Đình Tuấn. Đơn giản vì chúng tôi luôn biết cách biến bất lợi của mình thành lối đá rực lửa thu hút mọi người bằng sự quyết tâm, luôn tập trung cao trong trận đấu và chơi bằng tất cả con tim. Cộng với nền tảng kỹ thuật vốn có và tốc độ thông qua đôi chân, chúng tôi luôn biết tự mình tạo ra những cơ hội".

Vĩnh biệt 'Cơn lốc đường biên' một thời tung hoành của bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

Chí Bảo khi còn là cầu thủ

Tư liệu

Nhận xét hợp lý đó đã hình thành nên một Chí Bảo khiêm tốn, chơi bóng tự nhiên như hơi thở. Nhưng Chí Bảo có một điểm yếu, chính là sự nóng nảy. Trận chung kết giải vô địch quốc gia trên sân Cao Lãnh năm 1996 sau khi trở về từ Tiger Cup, ông vướng vào sự cố nên sự nghiệp sau đó sớm phải rơi vào ngã rẽ.

Vĩnh biệt 'Cơn lốc đường biên' một thời tung hoành của bóng đá Việt Nam - Ảnh 4.

Chí Bảo (thứ 3 từ phải sang, hàng ngồi) tại SEA Games 1995

Con đường bóng đá của Chí Bảo bị ảnh hưởng nặng nề khi không còn được gọi vào đội tuyển quốc gia và sự nghiệp cũng sớm chấm dứt vào đầu những năm 2000 và buộc phải chia tay đội Công an TP.HCM rồi sau đó là đội Bưu Điện. Thật ra lúc đó cũng có vài đội muốn Chí Bảo tham gia thi đấu tiếp, nhưng ông kiên quyết nói không và chấp nhận lùi về phía sau và xin làm bưu tá. "Dù không còn chơi bóng đỉnh cao nữa và mất động lực sống lại với nghề nhưng tôi vẫn dõi theo các đồng đội, đàn em và hết lòng cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam ở các giải đấu lớn của châu lục và thế giới", Chí Bảo từng nói như vậy với tôi.

Vĩnh biệt 'Cơn lốc đường biên' một thời tung hoành của bóng đá Việt Nam - Ảnh 5.

Nguyễn Chí Bảo dù giã từ sân cỏ hơn 20 năm đau đáu tình yêu với bóng đá

Tư liệu

Công việc âm thầm này cộng với cuộc sống nhiều khó khăn khi Chí Bảo phải ở trong ngôi nhà chật hẹp tại đường Bùi Minh Trực (Q.8, TP.HCM) chung với gia đình anh em, đã khiến Chí Bảo nom già trước tuổi. Dẫu vậy Chí Bảo ít kêu ca, vẫn dành thời gian cuối tuần ra đá phủi với các đồng đội cũ. Hai năm trước, ông còn làm bảo vệ cho một cửa hàng Mobifone trên đường Tô Hiến Thành (Q.10), vẫn còn khoác trên người chiếc áo có cờ đội tuyển. Ông đã gục ngã vì căn bệnh quái ác, ra đi mãi mãi ở tuổi 51.

Vĩnh biệt 'Cơn lốc đường biên' một thời tung hoành của bóng đá Việt Nam - Ảnh 6.

Chí Bảo và chiếc áo số 3 ở đội tuyển Việt Nam

Khả Hòa

 

Vĩnh biệt ông, "cơn lốc đường biên" đã có những đóng góp tuyệt vời, khắc sâu vào tâm trí người hâm mộ những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Ông có thể tự hào vì nhiều bàn thắng của Huỳnh Đức, Minh Chiến, Liêm Thanh ở đội Công an TP.HCM hay Huỳnh Quốc Cường, Trịnh Tấn Thành, Nguyễn Hồng Sơn ở đội tuyển quốc gia, đã từng có dấu giày chuyền bóng, kiến tạo của mình. Dù sự nghiệp không dài nhưng đóng góp của Chí Bảo vẫn luôn có giá trị và chỗ đứng lớn trong lòng mọi người. Xin ông ra đi thanh thản!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.