Vĩnh biệt cựu danh thủ lẫy lừng một thời Đỗ Cẩu, nhà á quân SEAP Games 1973

Quang Tuyến
Quang Tuyến
17/06/2022 06:48 GMT+7

Bóng đá Sài Gòn và miền Nam vừa lại mất thêm một hậu vệ tài năng là ông Đỗ Cẩu, thân sinh của tuyển thủ xuất sắc Đỗ Khải, người đã truyền cảm hứng cho những người con của mình theo nghiệp bóng đá.

Đỗ Cẩu không phải là cái tên xa lạ của làng bóng miền Nam trước 1975. Ông từng khoác áo đội tuyển Thanh Niên miền Nam (cùng lứa với Quang Đức Vĩnh, Cù Hè..) năm 1971 và chỉ một năm sau trở thành hậu vệ chính thức cho đội tuyển miền Nam tham dự nhiều giải đấu quan trọng như Merdeka, SEAP Games, vòng loại giải thế giới.. Thành tích tốt nhất mà Đỗ Cẩu đạt được thời gian này chính là chiếc huy chương bạc SEAP Games năm 1973 tại Singapore. Trong trận chung kết dù đã dẫn trước đối thủ Myanmar 1-0 do Trần Văn Xinh ghi nhưng rút cuộc đội tuyển miền Nam vẫn thua 2-3 và ngậm ngùi nhìn đối thủ đăng quang ngôi vô địch.

Tôi biết ông Đỗ Cẩu chỉ mới từ sau năm 1975 vì trước đó tuy có đi xem một số trận đấu ở hạng danh dự của bóng đá Sài Gòn bấy giờ nhưng cái tên của ông chưa gây ấn tượng bằng những Tam Lang, Tiết Anh hay Võ Thành Sơn, một phần vì ông đá ở đội Hải Xưởng, một đội vào loại trung bình, phần khác thời đó nhiều hậu vệ mỗi người có một nét độc đáo riêng, không trộn lẫn vào đâu được và có những biệt danh để đời như Sang “hoàng đế”, Lắm "rổ” khiến ai nấy cũng chú ý.

Cựu danh thủ Đỗ Cẩu thời còn khoác áo tuyển miền Nam

Tư liệu

Nhưng khi ông Đỗ Cẩu khoác áo Công Nghiệp Thực Phẩm, một đội cũng vào loại trung bình của bóng đá TP.HCM sau 1975 thì ông lại được nhắc đến nhiều. Đầu tiên là cái tên khá đặc biệt của ông mà sau này tìm hiểu thì được nghe một vài đồng đội thân thiết của ông giải thích do ông sinh năm 1946 là năm con chó nên ông được đặt tên này. Ban đầu nghe rất lạ tai và có khi còn khó chịu, nhưng dần dần khi được hỏi chính ông lại thích cái tên này vì “cha sinh mẹ đẻ thế nào cứ để nguyên vậy, quan trọng là mình sống thế nào, chơi bóng ra sao, chứ không nên quá nặng nề với cái tên”.

Tuy nhiên chính cách chơi bóng của ông mới đáng nể. Vốn là một người rất điềm đạm, luôn chơi bóng bằng “cái đầu”, cựu danh thủ Đỗ Cẩu đã nhanh chóng tạo cho mình một dấu ấn bằng tầm nhìn bao quát, xử lý bóng khéo léo. Đặc biệt sự khôn khéo và tâm lý vững vàng đã giúp ông luôn chiến thắng trong những cuộc đấu tay đôi trước những tiền đạo lẫy lừng thời đó. Có giai đoạn dù đá hậu vệ phải hay trung vệ thì ông cùng với các đồng đội Dư Tân và Nguyễn Văn Cư tạo thành một hàng phòng ngự rất tốt, được nhiều đối thủ nể phục xem như bức tường thép.

Đỗ Cẩu cùng Lê Văn Tâm ( Tâm Huế) trong đội tuyển miền Nam

Giai đoạn đó mỗi lần đi xem Công Nghiệp Thực phẩm đá, tôi rất thích không thua gì xem Hải quan, Cảng Sài Gòn hay Sở Công Nghiệp. Không chỉ với một đội hình chất lượng mà quan trọng là hàng thủ của họ trong đó có ông Đỗ Cẩu chơi bóng đầy nhiệt huyết nhưng hết sức lạnh lùng, tỉnh táo, gây rất nhiều lúng túng và bế tắc cho các tiền đạo giỏi của đối phương. Tuy chưa đủ sức tạo ra đối trọng với các đội bóng tên tuổi hơn, nhưng bất cứ CLB nào mỗi khi giáp mặt với Công Nghiệp Thực Phẩm đều ít nhiều phải run rẩy trước hàng thủ kiên cường mà vai trò ông Đỗ Cẩu khi đó là hết sức quan trọng. Ngay trận CLB Quân đội với nhiều danh thủ Thế Anh, Cao Cường, Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Trần Văn Khánh.. khi đó lần đầu tiên vào miền Nam thi đấu vào tháng 5.1979 dù thắng Công Nghiệp Thực Phẩm nhưng cũng hết sức toát mồ hôi.

Sự nghiệp của ông Đỗ Cẩu chấm dứt vào năm 1980 khi ông cũng đã 34 tuổi cùng lúc đó đội Công Nghiệp Thực Phẩm cũng đi xuống khi rớt hạng và được tổ chức lại. Sau này chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, cựu danh thủ Thể Công từ miền Bắc vào nắm đội làm lại để lên hạng trở lại vào năm 1984 đánh giá: “ Khi tôi vào nhận đội, các anh như Đỗ Cẩu, Dư Tân đều đã có tuổi, một số người xin nghỉ, một số còn ở lại nhưng cũng chỉ phòng hờ cho lớp trẻ. Khi đó tôi rất thích phong cách chơi của anh Đỗ Cẩu và cũng có thuyết phục anh. Dù sau này tôi phải làm lại cùng với thế hệ mới như Đào Việt Cường, Đinh Ngọc Nghĩa ở dưới hay Hoàng Quốc Dũng, Nguyễn Phú Tiến, Nguyễn Viết Long ở trên, nhưng thực sự tìm được một thế thủ có những người chơi đầu óc, quyết đoán và khôn khéo như anh Đỗ Cẩu không thể nào bằng”.

Ông Đỗ Cẩu và gia đình con trai Đỗ Khải những năm 2000

Gia đình cung cấp

Có lẽ chính cách chơi này của cựu trung vệ Đỗ Cẩu đã ảnh hưởng nhiều đến người con đầu của ông là cựu tuyển thủ lẫy lừng Đỗ Khải. Thừa hưởng gien ở cha về phong cách chơi bóng, Đỗ Khải đã sớm tạo cho mình một dáng dấp của thủ lĩnh hàng phòng ngự mà bằng chứng là từ sau chiếc huy chương bạc SEA Games Chiangmai năm 1995 đến Tiger Cup 1996 và nhiều giải đấu quốc tế khác kéo dài đến năm 2001, Đỗ Khải là một chốt chặn quan trọng không thể thiếu của đội tuyển Việt Nam. Chính Đỗ Khải cũng thừa nhận cha anh chính là người đã truyền cảm hứng, luôn nhắc nhở động viên mỗi khi anh thi đấu, luôn theo sát từng bước chạy trên sân, chỉnh sửa cho anh từng động tác và động viên tình thần cho anh mỗi khi thất bại, giúp cho Đỗ Khải hơn 5 năm liền trở thành trung vệ thòng số 1 Việt Nam.

Có lần tôi gặp ông Đỗ Cẩu tại nhà ông ở đường Cao Bá Nhạ (Q.1). Khi đó ông mới đi ăn sáng gần đó về tôi có hỏi chuyện về thành công của những đứa con ông thời đó, ông nói “ Đỗ Khải thì tôi yên tâm rồi, nhưng tôi vẫn nhắc cháu nghề này tuổi thọ không nhiều nên phải hết sức chú ý vì chấn thương có thể ập đến bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến phong độ. Nhất là đá hậu vệ phải thường xuyên truy cản đối phương thì chấn thương rất dễ xảy ra. Nhưng tôi lo hơn cả chính là thằng Hùng (Đỗ Văn Hùng- PV), cháu nó cũng có tố chất nhưng lối đá vẫn còn phập phù quá mà có những cái cần phải uốn nắn nhiều”.

Đỗ Hùng chính là con thứ của ông Đỗ Cẩu cũng là một hậu vệ tài năng, cũng chơi cho Hải quan như anh mình và là một trong số ít cầu thủ của đội bóng này cùng với Lê Kim Phụng trong màu áo tuyển TP.HCM do các HLV Dương Vũ Lâm và Vũ Tiến Thành dẫn dắt giành ngôi Á quân giải U.22 quốc gia báo Thanh Niên đầu tiên năm 1997. Đỗ Hùng khi đó đá vị trí hậu vệ trái, có lối đá xông xáo, mạnh mẽ, có hơi khác một chút so với Đỗ Khải, nhưng vẫn có điểm chung là rất tỉnh táo, khôn ngoan chọn vị trí và tâm lý khá vững vàng.

Ông Đỗ Cẩu lo vì cách chơi của Đỗ Hùng rất dễ chấn thương hơn so với anh mình mà ông thì không muốn sự nghiệp bị ảnh hưởng quá sớm.Thực tế thì sau đó Đỗ Hùng tuy cũng có vài lần được gọi vào đội Olympic và đội tuyển chọn U.21 nhưng lại không bật lên được và sau đó kết thúc sự nghiệp vào năm 2004 ở Ngân hàng Đông Á. Nhưng điều mà ông Đỗ Cẩu không ngờ là Đỗ Khải lại còn kết thúc cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp cũng sớm ở tuổi chưa đến 30 khi gặp một chấn thương nặng vào năm 2001. Hai con trai mà ông yêu quý không thể kéo dài tuổi thọ bóng đá như ông còn chơi bóng đến tuổi 34!

Dù vậy như có lần ông tâm sự “ Cuộc đời cho mình gì thì mình nhận cũng không thể nào cưỡng lại số phận. Hai đứa không thể chơi bóng chuyên nghiệp lâu dài âu cũng là cái số, nhưng tôi tự hào vì chúng nó rất biết ý thức giữ gìn trong cuộc sống, cũng có vài đóng góp nhất định cho bóng đá nước nhà, vậy là mãn nguyện rồi”. Trong hơn 40 năm qua từ khi chia tay sân cỏ có lúc bệnh khó đi lại, nhưng ông vẫn đau đáu với bóng đá nước nhà, vẫn xem và chia sẻ nhiều điều thú vị với đồng đội và đàn em.

Vĩnh biệt ông, một người luôn cháy hết mình với bóng đá Việt Nam, nhất là đã tạo ra một cựu trung vệ quá hay đóng góp rất hiệu quả cho đội tuyển quốc gia ở giai đoạn đầu hội nhập. Những gì gia đình ông để lại chắc chắn sẽ còn lưu danh, với ông đó là những ký ức tuổi thơ mà tôi còn lưu giữ. Ông ra đi thanh thản ông nhé!

Ông Đỗ Cẩu sinh năm 1946, mất lúc 13 giờ ngày 16.6.2022, thọ 77 tuổi. Linh cữu được quàn tại số 81, Đường 15, Khu dân cư Phong phú 5, H.Bình Chánh, TP.HCM. Lễ động quan lúc 6 giờ 30 ngày 19.6 sau đó được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Đa Phước, Bình Chánh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.