Vĩnh biệt Đại tướng Mai Chí Thọ - Một vị tướng mạnh mẽ và nhân ái

29/05/2007 23:33 GMT+7

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng (ở đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM) trong những ngày này, anh Phan Huy Thắng - con trai thứ tư của Đại tướng vẫn chưa hết đau buồn. Anh lên lầu một lúc, rồi mang xuống giới thiệu với chúng tôi 3 cuốn Hồi ức Mai Chí Thọ thay cho câu chuyện kể về cha mình theo lời thỉnh cầu của chúng tôi.

Cuốn đầu và thứ hai do chính tay ông tự viết. Cuốn thứ 3 có lẽ do tuổi cao sức yếu không tự viết được nên nhờ một nhà văn viết lại theo thể ký sự, xuất bản năm 2005.  Đó là một chuỗi những sự kiện, từ "Sự tàn ác, dã man ghê gớm của bọn cướp nước và tay sai" cho đến "Cuộc đời đen tối và nhục nhã đến cùng cực của nhân dân ta dưới ách thống trị của bọn xâm lược", rồi "Đất nước ta giàu đẹp. Nhân dân ta anh hùng". Có một đoạn trong "Hồi ức" rất ấn tượng, đó là khi Đại tướng trả lời phỏng vấn một tạp chí "Vì sao lại có bí danh Năm Xuân, và từ đâu lại mang tên Mai Chí Thọ?".  Đại tướng: "Xuân chính là tên con gái út của tôi. Năm là thứ của vợ tôi. Do đó tôi có bí danh Năm Xuân". Còn tên Mai Chí Thọ là do ông Phạm Hùng lúc đó là Phó giám đốc Sở Công an Nam Bộ đặt cho. Té ra là vậy. Nhưng tại sao lại là Mai Chí Thọ mà không là một cái tên nào khác? Lịch sử về cái tên Mai Chí Thọ đã được Đại tướng diễn giải như sau: Từ năm 1945-1948 ông lấy tên là Nguyễn Xuân Mai. Chiến trường Mỹ Tho lúc đó ác liệt, hai cán bộ lãnh đạo cách mạng của tỉnh liên tiếp hy sinh. Anh em hay dùng tiếng Pháp nói đùa với nhau: "Giả mè đơ săng troa" (Jamais deux sans trois), nghĩa là không bao giờ có hai mà lại không có ba. Ý nói sẽ còn phải hy sinh nữa. Đại tướng được ông Phạm Hùng thương yêu, mong muốn Đại tướng sống... mút chỉ tuổi thọ - Chí Thọ, không thể chết được. Tên Mai đi với Chí Thọ thành cái tên theo ông cho đến suốt cuộc đời.


Đại tướng Mai Chí Thọ đi thăm và trợ giúp xây dựng trường học cho vùng căn cứ kháng chiến nghèo ở huyện Thới Bình (Cà Mau) - Ảnh: T.L

Trong câu chuyện về Đại tướng tại nhà anh Thắng, chúng tôi còn được biết rất nhiều tư liệu về những gì mà đồng chí, đồng đội của Đại tướng vẫn hay nói về ông, đó là tính cách mạnh mẽ trong đấu tranh cách mạng, cả trong đấu tranh chống ngoại xâm, lẫn đấu tranh trong nội bộ những năm xây dựng lại đất nước, nhất là thời kỳ đổi mới. Có một tập những bài viết của Đại tướng được tập hợp lại vào tháng 7.2006, trong đó tư tưởng đổi mới của Đại tướng phát triển rất mạnh đã được gửi đến cơ quan cao nhất của Đảng. Trong một bức thư còn lưu lại, đề ngày 26.8.2006 Đại tướng viết: "Công cuộc xây dựng xã hội - XHCN đối với nước ta đi đôi với phát huy cơ chế thị trường và phát triển tư bản là đòi hỏi nóng bỏng. Không làm như thế là chệch hướng XHCN, mất lý lưởng", "Cách mạng là của quần chúng, quần chúng phải được tôn trọng nghiêm ngặt trong tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước". Tinh thần đấu tranh trong Đại tướng càng về sau càng mạnh mẽ hơn. Gần như không có vụ tham nhũng nào mà Đại tướng không quan tâm. Về vụ PMU 18 mới đây, Đại tướng cho rằng đó là "một vụ án tham nhũng tệ hại nhất, là nỗi sỉ nhục quốc gia". Theo Đại tướng có 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay, đó là: sai lầm về đường lối giáo dục; đồng lương cán bộ, công nhân viên còn thấp; bệnh quan liêu, quyền bính đang ngự trị trong nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước; mất cảnh giác với mặt trái của cơ chế thị trường; coi thường phong trào quần chúng.  

Nhiều người bảo trong con người của Đại tướng luôn có hai mặt trái ngược nhưng không đối lập: rất mạnh mẽ trong đấu tranh, nhưng cũng sẵn sàng... khóc khi chứng kiến một cảnh đời cơ cực. Sau ngày hòa bình lập lại, người dân TP.HCM biết đến ông nhiều hơn qua những lần ông "xắn ống quần" lặn lội xuống với bà con vùng sâu, dân nghèo thành thị. "Lòng nhân ái của bà nội tôi và mẹ tôi đã ảnh hưởng sâu đậm đến tình cảm ngây thơ của tôi (...). Ảnh hưởng sâu đậm đến mức ngay hồi còn nhỏ khi làm văn, tôi luôn chọn đề tài nói về người nghèo như người ăn xin trong đêm mưa, người hát rong mù lòa...", trong một lần trả lời báo chí Đại tướng đã nói như vậy. Chính ông là người đi đầu và ươm mầm cho phong trào xóa đói giảm nghèo (XĐGN) ở TP.HCM, để phong trào có được kết quả như ngày hôm nay. Khi xuống với dân, trăn trở cùng người dân tìm cách thoát nghèo; khi lên diễn đàn phát động XĐGN bao giờ Đại tướng cũng là người hăng hái nhất, tâm huyết nhất. "Người Cộng sản sẽ tìm thấy ở phong trào XĐGN định hướng XHCN rõ nét nhất. Đó là sự phục hồi và phát triển vững chắc niềm tin mà cuộc khủng hoảng của CNXH vừa qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến một số đảng viên, cán bộ. XĐGN giúp cho những người Cộng sản đã bị quan liêu hóa trở về cội nguồn trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, của tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh", Đại tướng phát biểu như vậy trước đông đảo đảng viên, cán bộ trong một hội nghị về XĐGN. Dân nghèo TP.HCM, vì vậy,  vẫn thường thân mật gọi ông là... "tướng con dân". Xin vĩnh biệt ông, một vị tướng xuất thân từ dân và suốt đời hết lòng vì dân vì nước!     

Đại tướng Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống, sinh năm 1922 tại xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ông có bí danh: Mai Chí Thọ, Tám Cao, Năm Xuân.

Năm 1936, ông tham gia phong trào học sinh Huế và Hà Nội; tiếp đó là phong trào Thanh niên phản đế và trở thành thủ lĩnh, Bí thư Đoàn Thanh niên Phản đế Nam Định. Tháng 9.1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ 1940-1945, ông bị thực dân Pháp bắt và giam giữ ở các nhà tù Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La, khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo.

Sau khi ra tù, từ 1945-1954, ông giữ các vị trí Trưởng ty công an, Bí thư các tỉnh Cần Thơ, Mỹ Tho rồi là Xứ ủy viên, Bí thư Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Chính ủy Quân khu miền Đông...

Từ 1965-1975, ông từng giữ các chức vụ Phó bí thư, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.

Sau 1975, ông đã giữ các chức vụ Giám đốc Công an TP.HCM, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Phó bí thư thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Cùng với hai vị lãnh đạo khác là cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông là người ủng hộ và khởi xướng cho thời kỳ đổi mới ở TP.HCM, trước 1986.

Năm 1986, ông nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và sau đó là Bộ trưởng. Ông cũng là vị Bộ trưởng đầu tiên trong ngành công an mang cấp hàm Đại tướng.

Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân - huy chương cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất... Đầu năm 2007, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Vào lúc 8 giờ sáng 28.5.2007, Đại tướng Mai Chí Thọ đã ra đi sau một cơn bạo bệnh tại Viện Quân y 108 (Hà Nội). 

Ban Biên tập cùng toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Thanh Niên xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình, người thân của Đại tướng.

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.