Christophe qua đời hôm 16.4 (giờ địa phương) sau khi bị một số triệu chứng về phổi và được gia đình đưa vào bệnh viện tại thành phố Brest (tỉnh Finistère, Pháp), đại diện gia đình ông nói với hãng tin AFP.
Thập niên 1960-1970, người yêu nhạc Pháp ở Sài Gòn luôn có những bản nhạc “gối đầu giường” của danh ca Christophe. Đâu đó trong những con phố vắng, tiếng đàn guitar rả rích trong đêm hòa cùng lời ca khúc Aline (Gọi tên người yêu) đã một thời làm thổn thức những người mê nhạc Pháp. J'avais dessiné/Sur le sable/Son doux visage/Qui me souriait/Et j'ai crié, crié/Aline/Pour qu'elle revienne/Et j'ai pleuré, pleuré/Oh! J'avais trop de peine… Ngồi họa hình người tình/ Vào bãi cát vàng/Hình dáng em ngoan/ Nụ cười ôi mến thương/ Rồi anh sẽ hét/ Sẽ hét lên, hét lên/ Gọi tên người quen/ Rồi anh sẽ khóc/ Sẽ khóc lên, khóc lên/ Lòng đau triền miên...
|
Christophe tên thật là Daniel Bevilacqua, sinh ngày 13.10.1945 tại vùng Juvisy-sur-Orge, ngoại ô Paris. Cha ông là người gốc Ý. Chàng trai trẻ Daniel Bevilacqua bị mê hoặc bởi âm nhạc và văn hóa Mỹ từ rất sớm. Nhạc blues của những người tiên phong như John Lee Hooker và Robert Johnson đã quyến rũ Daniel, sau đó là làn sóng rock'n'roll với các ca khúc của Elvis Presley và những ca sĩ nổi tiếng khác đã ảnh hưởng mạnh đến sự nghiệp sáng tác và biểu diễn của Christophe sau này.
Sau một đĩa đơn đầu tiên không thành công vào năm 1963, chàng trai trẻ Christophe đã “hạ gục” người mê nhạc Pháp bằng bản hit Aline vào mùa hè năm 1965. Sau đó là hàng loạt ca khúc làm nên tên tuổi Christophe như Les Marionnettes, Les mots bleus, Maman, Je ne J’aime plus, Main dans la main, Mal, Oh! mon amour…
Đến cuối thập niên 1960, khi hào quang đang chói lọi, Christophe gần như biến mất khỏi sân khấu. Năm 1973, 1975, 1978 ông có trở lại với vài tác phẩm như Les paradis perdus, Les mots bleus, Le beau bizarre… nhưng dấu ấn thực sự phải kể đến bài Succès fou ra mắt năm 1983, với khoảng 600.000 đĩa bán ra. Năm 1996, ông gần như “phản bội” chính mình khi trở lại với album Bevilacqua đầy tham vọng. Đây là một thể nghiệm của nhạc điện tử, đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ trong tư duy âm thanh và sáng tác, khác xa những gì từng ghi đậm dấu ấn Christophe với làng nhạc thế giới. Năm 2008, album Aimer ce que nous sommes cũng tiếp tục con đường này, đồng thời kết hợp cả các thể nghiệm về âm nhạc thị giác, điện ảnh. Christophe chấp nhận thể nghiệm thì khó lòng thu hút người nghe hoặc khán giả tức thời; chưa nói, có khi còn “đi ngược” thị hiếu định sẵn của những người từng yêu mến ông. Và do đó ông không mấy thành công với những ca khúc mới.
|
Ký ức đêm diễn của Christophe tại TP.HCM
Ngày 23.11.2013, danh ca Christophe từng có buổi biểu diễn tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM trong chương trình ca nhạc từ thiện Christophe Live Concert. Trong đêm diễn đó, Christophe đã tự chơi piano, guitar cùng các loại nhạc cụ khác cùng với những ca khúc trong sự nghiệp 50 năm hoạt động âm nhạc phong phú của ông. Những bài hát được ghi vào di sản âm nhạc nước Pháp cho đến các ca khúc mới nhất, Christophe luôn đem đến cho khán giả cảm xúc lạ thường. Ông khiến từng người nghe hát theo lời ca khúc Les amoureux qui passent, Main dans la main, Mal… Chính ông chứ không phải ai khác là người đã làm sống lại ký ức người Sài Gòn về những ngày xưa cũ, thời những mái đầu nay đã bạc còn cắp sách đến trường, e ấp với mối tình đàu thơ dại. Tại lần xuất hiện có thể nói là quá hiếm hoi của thần tượng, cho dù ông đã bước qua tuổi 68, gương mặt hằn sâu những vết chân chim của tuổi tác nhưng cảm xúc ông truyền đến cho người nghe nhạc vẫn đong đầy, vẫn ngọt ngào lãng mạn như chính những gì ông đã viết ra. Cùng tham gia với ông trong đêm diễn còn có 3 ca sĩ khách mời là Elvis Phương, Mỹ Linh và Đồng Lan.
Christophe ra đi, cho dù không còn thấy ông trên sân khấu với những bộ quần áo hippy, mái tóc dài bồng bềnh cùng cây guitar điện nhưng âm nhạc của ông thì sống mãi. Xin lấy lời ca khúc bất tử Oh! mon amour thay cho lời kết: Anh nơi phương xa nào anh có biết/ Có hay tình ta nhớ thương vơi đầy…
Bình luận (0)