Danh thủ Trương Á Minh ra đi thanh thản vào buổi sáng đẹp trời của mùa hạ tháng 7 trong vòng tay thân yêu của gia đình mà không có nhiều bạn bè thân quen đến viếng vì dịch bệnh. Anh em, bạn bè của làng cờ đều mong muốn được đến thắp cho anh một nén nhang tưởng niệm về một người đã cống hiến suốt cả tuổi thanh xuân cho niềm đam mê cháy bỏng mà mình yêu thích.
Trương Á Minh (sinh năm 1961) người gốc Hoa, dân tộc Nùng, là anh em kết nghĩa với danh thủ Trềnh A Sáng, Dương Hùng cùng thi đấu cho màu áo của đơn vị Quận 11, TP.HCM một thời thống trị các giải cờ tướng thành phố giai đoạn 1991-1995. Trương Á Minh đến với cờ tướng bằng sự yêu thích và không qua một trường lớp nào, trường lớp đối với anh chính là các sòng cờ “giang hồ” của Sài Gòn-Chợ Lớn.
|
Tuy trưởng thành ở các sòng cờ “giang hồ” với nhiều mánh khóe, chiêu trò nhưng Trương Á Minh lại được đông đảo anh em làng cờ mến mộ bởi đức tính hiền lành, dễ hòa đồng và đặc biệt là không bao giờ làm mất lòng ai, ở trong giới cờ người gốc Hoa hay gọi tên thân mật cúng cơm của anh là “Xíu Chảy”.
Trương Á Minh tham dự các giải thành phố từ những năm đầu của thập niên 1990 nhưng kỳ nghệ chưa nổi bật so với Nguyễn Văn Xuân, Mai Thanh Minh thời bấy giờ. Vào các năm 1992, 1993 khi giải vô địch cờ tướng toàn quốc chính thức được tổ chức tại Đà Nẵng và Hà Nội thì anh không tham dự được vì lý do kinh phí và đến năm 1994 tổ chức ngay tại sân Tinh Võ, Q5, TP.HCM thì anh mới lần đầu tiên tranh tài và xuất sắc xếp hạng 4, được chọn vào đội tuyển quốc gia cùng với Mai Thanh Minh, Trần Văn Ninh, Mong Nhi tham dự giải cờ tướng vô địch đồng đội châu Á cuối năm 1994 tại Macao và đoạt huy chương bạc đồng đội.
Thành công bước đầu đó đã tiếp tục khẳng định, đưa Trương Á Minh bước vào danh sách các cao thủ cờ tướng Việt Nam khi tiếp tục đoạt huy chương bạc cá nhân tại giải vô địch toàn quốc năm 1995 tại Đà Nẵng và tham dự giải vô địch thế giới năm 1995 tại Singgapore, xếp hạng 7 cá nhân và hạng 4 đồng đội; cuối năm 1995 tham dự các danh thủ châu Á lần 7 tại Malaysia đạt hạng 3 và được phong danh hiệu Quốc Tế Đại Sư.
Với lối chơi đơn giản, nhẹ nhàng không hung hãn như các kỳ thủ khác nhưng trung tàn cực kỳ sắc sảo thâm sâu với những ván cờ sở hữu nhiều quân nhẹ (anh em làng cờ hay gọi là cờ đi bộ) đã làm khốn đốn các cao thủ đương thời như Mai Thanh Minh, Trần Văn Ninh, Diệp Khai Nguyên …và hạ gục rất nhiều kỳ thủ tranh tài, Trương Á Minh xứng đáng là kỳ thủ hàng đầu Việt Nam trong suốt 20 năm qua.
|
Năm 1995, sau khi đạt huy chương bạc giải vô địch quốc gia thì thầy Lê Thiên Vị đã đặt biệt danh cho Trương Á Minh là Bạch Mi Ưng Vương, người xếp thứ hai trong Tứ Đại Pháp Vương của Minh Giáo (Kim Dung) với những lý do sau: Kỳ nghệ trung tàn sắc sảo liệt vào hạng cao thủ thời bấy giờ, tính tình thẳng thắn rất trọng nghĩa với anh em, có cặp lông mày bạc rất giống nhân vật Ân Thiên Chính- một trong Tứ Đại Pháp Vương của Minh Giáo
Từng đi cùng Trương Á Minh trên các chặng đường thi đấu trên các chuyến tàu từ nam ra bắc và từ bắc vào nam của mấy chục năm trước để chinh phục những thử thách, tôi thấy được nơi anh nhiệt huyết, đam mê cháy bỏng cho dù lúc đó tiền thưởng bọt bèo, thậm chí là con số không tròn trĩnh. Anh chỉ quan niệm rằng hãy thi đấu hết mình cho màu cờ sắc áo. Anh đã chiếm trọn trái tim của những người đồng đội xung quanh bởi vì qua hình ảnh của anh họ đã thấy được giá trị đích thực của một kỳ thủ chân chính.
|
Cuộc đời của Trương Á Minh là những chuyến tàu trên một hành trình dài, chạy qua không biết bao nhiêu sân ga. Sân ga nào dừng lại, sân ga nào lướt qua, khó kể hết, nhớ hết được.
Sáng nay, bầu trời Sài Gòn rất đẹp nhưng lại thiếu vắng anh. Thiếu vắng đi một Bạch Mi Ưng Vương hào hùng một thời tung hoành ngang dọc trên kỳ đàn Việt Nam. Và các đồng đội, bạn bè sẽ không còn được chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với Trương Á Minh trong những chuyến thi đấu nữa … Đường tàu, sân ga đã vắng bóng anh.
Bình luận (0)