GS Trần Quốc Vượng sinh ngày 12.12.1934 tại Hải Dương, quê gốc ở tỉnh Hà Nam. Xuất thân trong một gia đình công chức - giáo chức gốc dân chài, ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Trần Quốc Vượng đã ham mê đọc sách, truyện, mới học hết bậc tiểu học đã có thể nhắm mắt đọc một lèo không nghỉ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim và Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Sau này, nối tiếp ông nội và ông ngoại, GS Trần Quốc Vượng cũng chọn nghề dạy học như cái nghiệp của đời mình.
Năm 1956, tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử - Địa, ông được giữ lại làm "Trợ lý tập sự" bộ môn Cổ sử Việt Nam tại khoa Lịch sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội). Cho đến những ngày cuối cùng trước khi ra đi, ông vẫn luôn tự hào vì mình là người duy nhất có thâm niên tới trên 40 năm gắn bó với khoa Sử. Trong hơn 40 năm ấy, ở cương vị người thầy, ông làâ tác giả của nhiều bộ giáo trình lịch sử Việt Nam hiện đang đưa vào giảng dạy: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam (NXB Giáo dục, 1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập I (viết cùng GS Hà Văn Tấn)... Ở cương vị nhà nghiên cứu, ông cùng với GS Hà Văn Tấn, GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm được xem là "tứ trụ" của ngành sử học nước nhà. Song song với công tác giảng dạy và nghiên cứu cổ sử Việt Nam, được sự khuyến khích của GS Đào Duy Anh, ông cũng chú tâm sang cả ngành khảo cổ học, rồi từ niên khóa 1959-1960, là người thầy đầu tiên lên lớp về khảo cổ học Việt Nam với sự hỗ trợ tư liệu của GS Hà Văn Tấn. Và ông, cùng GS Hà Văn Tấn, đã trở thành những nhà khảo cổ học đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên cơ sở gần như hoàn toàn tự học. Hai công trình quan trọng của ông ở lĩnh vực này là Sơ yếu Khảo cổ học nguyên thủy ở Việt Nam (viết cùng GS Hà Văn Tấn, NXB Giáo dục 1962) và đặc biệt, giáo trình Cơ sở Khảo cổ học Việt Nam (viết cùng Hà Văn Tấn và Diệp Đình Hoa - NXB Giáo dục 1975) được coi là giáo trình khảo cổ học của toàn quốc.
Sau đó vài năm, bên cạnh lịch sử và khảo cổ học, GS Trần Quốc Vượng có thêm một niềm đam mê mới: Văn hóa học, đặc biệt là Văn hóa dân gian. Năm 1989, ông được bầu làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên văn hóa của khoa Sử (nay là Trung tâm Liên văn hóa học và lịch sử), cùng với sự ra đời của bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam. Từ buổi đầu tiên thành lập đó cho đến sau này, dù tuổi ông đã cao, nhưng cán bộ và học trò của khoa Sử vẫn tha thiết đề nghị ông kiêm nhiệm chức Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa và Lịch sử văn hóa Việt Nam. Cũng từ năm 1988 đến nay, dù bận bịu công việc đến đâu, thậm chí ngay cả khi đã lâm bạo bệnh, ông vẫn liên tục tái đắc cử chức vụ Phó chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam và Ủy viên T.Ư Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Năm 1993, ông còn là Trưởng ngành (tương đương chủ nhiệm khoa) của ngành Du lịch học, nay là khoa Du lịch của Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) và được xem là người thành lập khoa Du lịch học. Dù vẫn biên chế ở khoa Sử, nhưng ông cũng không "thoái thác" được chức vụ Chủ tịch Hội đồng Khoa học của khoa Du lịch học. Người thầy "đa đoan" này còn cộng tác với khoa Địa lý (nay thuộc Trường Đại học Tự nhiên) giảng dạy, nghiên cứu về địa lý nhân văn và dưới sự chủ biên của GS Mai Đình Yên, tham gia viết giáo trình cơ sở cho khoa Môi trường.
Trong hơn 40 năm giảng dạy và nghiên cứu, ông dành nhiều tâm sức cho một đề tài lớn: Hà Nội. Không chỉ là người có công đầu trong việc sáng lập ngành Hà Nội học, ông còn cóá những công trình khoa học quan trọng về Hà Nội: Địa lý lịch sử miền Hà Nội (trước thế kỷ XI); Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử; Hà Nội - vị trí địa lý và chiều sâu lịch sử; Hà Nội truyền thống và hiện đại, tinh hoa ngàn xưa với công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa hôm nay; Hà Nội - Việt Nam: 100 năm giao thoa văn hóa Đông-Tây, Nam-Bắc (lý luận và thực tiễn); Trên mảnh đất ngàn năm văn vật... Trong những năm qua, ông vẫn tham gia lãnh đạo Hội Sử học Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Câu lạc bộ Ẩm thực Hà Nội và từ năm 1960, là người phụ trách văn nghệ dân gian Hà Nội.
Triết lý suốt một đời dạy - học của ông thật giản dị, nhưng không phải ai cũng làm được: "Vừa làm vừa học, vừa học vừa làm, làm cho chính mình tồn tại và làm cho người khác, vì người khác". Năm 1980, ông được Nhà nước phong hàm giáo sư cùng nhiều huân chương, huy chương các loại. Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Anh Quốc) đã bầu chọn ông là một trong 2.000 tác giả xuất chúng của thế kỷ XX trong lĩnh vực sử học, khảo cổ học, dân gian học và văn hóa học. Viện Tiểu sử ở Bắc Carolina (Mỹ) bình chọn ông là Nhân vật của năm 2000.
H.L
Bình luận (0)