Khoảng giữa năm ngoái trở lại đây nhà văn Kim Lân đã trở bệnh. Ông bị bệnh hen, chắc bệnh đã ủ từ lâu, bây giờ tuổi già suy sụp, bệnh mới phát.
Cách đây chừng già hai tháng, lúc đó mới cuối xuân sang hạ, tôi dẫn cô học trò làm đề tài thạc sĩ về truyện ngắn Kim Lân mà tôi hướng dẫn đến thăm ông tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Lúc ấy khoảng 10 giờ, ông đang nằm thiêm thiếp. Cô con gái ông đang ngồi bên cạnh chăm sóc. Tôi tự giới thiệu và rón rén lại gần. Ông mở mắt và trở người, ý chừng bắt chuyện. Thày trò tôi vội chào ông và nói mục đích chuyến thăm này trước là để thăm sức khỏe của ông, sau là biếu ông cuốn luận văn thạc sĩ vừa mới bảo vệ có tên Văn hóa làng trong truyện ngắn Kim Lân. Ông tỏ ra rất vui.
Ông nói: "Trước đây cũng có vài người làm đề tài về tôi, đến gặp tôi, tôi cũng bảo xin cuốn luận án làm kỷ niệm, có người nhớ, có người không. Tôi muốn có nó cốt để nói với các con tôi rằng: Bố chúng mày cũng không đến nỗi nào, rằng các con cũng được quyền kiêu hãnh vì bố chúng mày chứ...". Tôi cười, nói chen vào: "Lớp hậu sinh chúng cháu có được một nhà văn như bác, chúng cháu cũng tự hào lắm"...
Trước đây, và trong quá trình hướng dẫn luận văn thạc sĩ, tôi có nhiều dịp đến thăm tư gia nhà văn ở xóm Hạ Hồi, theo con ngõ từ Trần Hưng Đạo chạy vào. Ở trung tâm Hà Nội mà nơi đó thật yên tĩnh. Ngồi trong nhà ông, giữa đồ đạc, căn phòng, nhìn con người ông mang vẻ trầm mặc, cổ kính, có cảm giác như đang ngồi một nơi nào thật xa vắng. Ờ, đó là màu của thời gian, của tuổi tác, của một đời văn trải qua 2/3 thế kỷ và vắt sang thế kỷ 21 được đến hơn sáu năm trời. Mỗi lần đến, tôi đều hỏi chuyện, rồi về nhà ghi chép lại được bao nhiêu là thứ.
Nhà văn Kim Lân sinh năm 1920 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Kim Lân chỉ được học hết bậc tiểu học rồi phải lao động, sớm làm quen với cuộc sống lam lũ của những người nông dân trong chế độ cũ. Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Ngay từ thời đó, các tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật đã được chú ý. Năm 1944, Kim Lân giác ngộ cách mạng, tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Cũng từ đấy, ông nổi bật trên văn đàn với một giọng văn chỉn chu mà sắc bén, với những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hóa thôn quê - đấu vật, chọi gà, thả chim, những chuyện vui buồn sau lũy tre làng... Những tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến: Vợ nhặt, Làng, Nên vợ nên chồng, Con chó xấu xí... H.Lan |
Cũng lần đến thăm vừa rồi, tôi có ngỏ lời với ông rằng, nếu ít bữa nữa ông khỏe trở lại, tôi mời ông vào khoa Sáng tác và lý luận - phê bình văn học, nơi tôi đang công tác để trò chuyện với các học viên. Ông đang nằm, bỗng nhỏm người ngồi dậy. Ông bảo: "Thế thì tốt quá. Được nói chuyện nó cũng khỏe người ra ấy chứ". Cô con gái nghe thấy bảo: "Thầy còn đi nói chuyện thế nào được nữa, sức khỏe thế này...". Ông nói như hờn dỗi: "Thầy khỏe thầy nói chuyện kiểu người khỏe. Thầy yếu thầy sẽ nói chuyện kiểu người yếu, chứ sao lại cấm thầy". Tôi chen vào làm hòa: "Bác cứ yên tâm dưỡng bệnh đã. Khi nào khá khá, thì cháu đón bác vào. Bác chỉ nói ít ít thôi, chủ yếu để đám học viên nó được chiêm ngưỡng bác là chính thôi"...
Suốt từ bấy, do bận công việc, tôi chưa đến thăm lại cụ lần nào. Có lần gọi điện đến, anh con trai út họa sĩ (làm ở Báo Tiền Phong) bảo cụ lại đi viện rồi. Bụng bảo dạ, khéo cụ bệnh nặng hơn, rồi định lúc nào ghé thăm cụ. Thế mà chiều nay đột nhiên nghe tin cụ đã đi xa mãi mãi. Không ngờ lần thăm ấy cũng là lần cuối cùng được gặp cụ.
Mong cụ yên giấc ngàn thu, ở dưới suối vàng, cụ có cả những "Người hàng xóm" tốt bụng và cả "Con chó xấu xí" trung nghĩa với chủ quây quần làm bạn với cụ.
Bạn đọc cả nước lại chứng kiến một trụ cột nữa của nền văn học Việt Nam hiện đại ra đi...
Văn Giá
Bình luận (0)