Ngày 3.3.2012, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Công Hòa qua đời ở tuổi 103. Trong 84 năm tuổi đảng, ông có 2 năm là thành viên của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng do Bác Hồ thành lập và lãnh đạo.
Cuộc đời của ông tiêu biểu cho cả một thế hệ thanh niên mất nước tìm đến cách mạng như tìm ra lẽ sống.
Nguyễn Công Hòa sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, từng cận kề cái chết vì đói khát, tha phương và số phận đưa đẩy đến Hải Phòng, “12 tuổi, bơ vơ, tay trắng, thân phận tôi lúc ấy giống như một chiếc lá nhỏ bị cuốn đi trong cơn bão lớn”. Nhưng cũng từ trong cơn bão đó, Nguyễn Công Hòa đến với Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội một cách tất yếu, tự nhiên như cá đến với nước. “Mùa xuân 1928… những tờ truyền đơn của tổ chức này tung ra khắp nơi kêu gọi đồng bào đấu tranh đánh đổ tư bản thực dân và phong kiến, giành lại nhà máy cho công nhân, giành lại ruộng đất cho dân cày…”.
Cuộc tìm đến với tổ chức của người công nhân trẻ Nguyễn Công Hòa vừa giản dị vừa bất ngờ. Những người bồi bếp, hay công nhân của nhà máy Tần Tài Mậu (khu Hạ Lý - Hải Phòng) chính là những cán bộ cốt cán của tổ chức đang nhen nhóm ở thành phố Cảng đã đón nhận Nguyễn Công Hòa như đón một người em về với gia đình cách mạng. “Sau mấy lần thử thách, anh Trành nói với tôi: Nếu Hòa muốn đi tìm hội kín thì hội kín đây rồi. Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội là đoàn thể thanh niên người nghèo, đấu tranh đánh đổ tư bản, phong kiến, giành quyền lợi và bênh vực người nghèo…”. Và con đường ấy đã nhanh chóng đưa Nguyễn Công Hòa đến với những người cộng sản, được chính những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Đảng như Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Hà Huy Giáp… trực tiếp giác ngộ và hướng dẫn hoạt động, rồi được cử tới trung tâm của cuộc đấu tranh giai cấp: phong trào công nhân ở Hồng Gai - Quảng Ninh, trở thành một trong những người lãnh đạo của Công hội đỏ ở đây.
Cuối năm 1931, theo chủ trương của Đặc khu ủy, để tuyên truyền về thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, đồng thời tạo làn sóng đấu tranh hỗ trợ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang lên cao… người cộng sản trẻ Nguyễn Công Hòa đã cùng Thị ủy Hồng Gai tổ chức rải truyền đơn, treo cờ búa liềm trên đất mỏ. Một trong những địa điểm được lựa chọn để treo cờ là đỉnh núi Bài Thơ, nơi cao nhất để mọi công nhân và người dân vùng mỏ chỉ ngước mắt lên là thấy, nhưng cũng là nơi nguy hiểm nhất, vì quanh chân núi Bài Thơ vốn dày đặc những đồn bốt cu lít, nhà ở của chánh mật thám, chủ mỏ… Một kế hoạch tỉ mỉ được vạch ra, và được tổ chức thực hiện với sự nhịp nhàng hiếm thấy do chính Nguyễn Công Hòa chỉ huy. Sáng 7.11.1931, đúng ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, lá cờ đỏ búa liềm đã ngạo nghễ tung bay ngay trên đầu bọn thực dân, minh chứng cho sự hiện diện đầy thuyết phục của tổ chức Đảng cộng sản ở vùng mỏ.
Cuối năm 1936, hưởng ứng phong trào Mặt trận Bình dân trong cả nước, Nguyễn Công Hòa trong cương vị một người lãnh đạo chủ chốt của đặc khu Hồng Gai - Cẩm Phả đã trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công lớn nhất và cũng vang dội nhất của công nhân mỏ trong toàn quốc chống cường quyền bóc lột.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Công Hòa từng giữ cương vị Xứ ủy phụ trách vùng duyên hải Hồng - Quảng, lãnh đạo nhân dân nơi đây tiến hành cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp trên cả vùng duyên hải đông bắc Tổ quốc.
Nghỉ hưu khi ở cương vị Phó chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, càng đến gần giới hạn của một đời người, nhà cộng sản lão thành càng hay nhớ lại thời kỳ hoạt động đầy hào sảng. Ông từng nói với một nhà văn - người bạn vong niên của mình, rằng “Thời Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội… cái thời ấy sao mà đẹp. Khổ, nhưng mà đẹp! Nhớ lại thời ấy là thấy mình như vẫn còn trẻ mãi…”.
Thanh Nhã
Bình luận (0)