Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khải

16/01/2008 00:42 GMT+7

Nhà văn lớn ấy đích thực đã "trôi theo tự nhiên" đúng như tên tác phẩm cuối cùng tôi được nhận từ anh. Tôi chắc trong những ngày nằm viện, anh vẫn tiếp tục suy nghĩ về những điều sẽ viết tiếp như điều anh đã hứa "nhất định tôi sẽ gửi cho anh".

Thế mà giờ đây, anh đã bỏ chúng tôi mà ra đi mãi mãi thật sao, anh Nguyễn Khải ơi!

Đành rằng rồi cũng phải chấp nhận sự nghiệt ngã của sự sống, dù nghị lực sung sức đến mấy cũng không sao cưỡng lại được quy luật của tự nhiên, nhưng "Hồi ức về sự hình thành một bút pháp" đã xong đâu. Mới đây thôi anh còn hồn nhiên, vui vẻ bông đùa "họ lên đường cả, mình rồi cũng phải chuẩn bị thôi, cho nên nghĩ được đến đâu là tôi viết ngay, đánh máy ngay". Nhưng, anh Khải ơi, điều tôi xót xa nhất, là đã xong đâu tác phẩm lớn mà anh đã cho đọc, dặn giữ cẩn thận, tập Tùy bút chính trị của anh đang trước mắt tôi đây.


Nhà văn Nguyễn Khải - ảnh: Nguyễn Trọng Tín

Nhà văn Nguyễn Khải tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải, sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930, quê quán: Phố Hàng Nâu - Nam Định. Sau năm 1975 ông sống ở TP Hồ Chí Minh.

Ông đang học dở năm thứ ba cao đẳng tiểu học thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông vào bộ đội khi mới 16 tuổi. Từng làm y tá, làm báo Tỉnh đội Hưng Yên, thư ký tòa soạn Báo Chiến sĩ Khu Ba. Là thành viên sáng lập và trong ban biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1988, ông chuyển về Hội Nhà văn Việt Nam với quân hàm đại tá. Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN các khóa 2, 3 và là Phó tổng thư ký khóa 3. Đại biểu Quốc hội khóa 7. Tác phẩm chính: về tiểu thuyết có Xung đột, Mùa lạc, Ra đảo, Chủ tịch huyện, Chiến sĩ, Cha và con và..., Gặp gỡ cuối năm, Thượng đế thì cười... Kịch: Cách mạng...

Ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000, Giải thưởng ASEAN 2000...

Sau khi mổ tim ổn định, ông tiếp tục phải giải phẫu bụng tại Bệnh viện 115 TP Hồ Chí Minh, do xuất huyết ruột, và đã qua đời vào lúc 19 giờ 25 ngày 15 tháng 1 năm 2008.

Lễ viếng bắt đầu từ 12 giờ trưa nay, 16.1, tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ truy điệu vào 17g ngày 17.1. Động quan lúc 6g  ngày 18.1, sau đó an táng tại nghĩa trang TP.HCM.

Bàng hoàng lật lại những trang viết, càng cảm được cái sung sức của bút lực và sự mạnh mẽ của bút pháp để làm sao "cân nhắc, xem xét, lật trái lộn phải một nghi vấn, một cách trả lời, một khẳng định còn rụt rè, một kết luận còn chưa đủ tự tin", càng đau đớn nghĩ về một công trình đang dang dở trong sự trăn trở. Đấy là sự trăn trở của một ngòi bút trung thực nhưng thận trọng, đang viết ra những dồn nén trong tư tưởng, tuy đã chín trong suy ngẫm, song vẫn còn muốn có thời gian để dòng tư duy mạnh mẽ đủ sức thanh lọc những ý tưởng đúc kết từ chính sự trải nghiệm của cả cuộc đời. Đó là những suy tư quyết liệt và giằng xé: "trong từng cá nhân vẫn còn bao nhiêu năng lực chưa được khai mở, còn bao nhiêu của cải chưa được khai thác, còn bao nhiêu yếu tố của cái phi thường chưa được nuôi dưỡng đúng như nó phải có. Tất cả tùy thuộc vào lòng can đảm ta có dám cởi trói cho chính ta không, ta có dám đối mặt với những thơ ngây, lầm lẫn của chính ta không? Trước hết hãy tự giải phóng mình ra khỏi những định kiến, những nguyên lý, những quy tắc từ lâu đã chả có tác dụng gì nhiều tới những hoạt động thực tiễn cả".

"Nghĩ muộn" là cái tên anh đặt cho công trình còn dang dở ấy, đã nói lên phần nào động lực thôi thúc anh viết Tùy bút chính trị, mà theo tôi, là một hứa hẹn độc đáo về giá trị tìm tòi và thẩm định của một người cầm bút có trách nhiệm bằng cả chiều dài thời gian và bề dày trải nghiệm của một nhà văn từng lăn lộn trên chiến trường và trong nhiều trận địa của cuộc sống. Nhưng, anh Khải ơi, chẳng có sức nghĩ nào là "muộn" như anh băn khoăn. Thì đấy, anh đã viết trong Trôi theo tự nhiên: "Trong mọi cảnh ngộ trớ trêu, tính cách và nghị lực con người chỉ làm chủ một nửa, còn một nửa là những rủi ro không thể tính trước".

Và cái không thể tính trước được chính là nỗi đau hôm nay chúng tôi phải chịu đựng, một nỗi đau đến sớm để công trình chúng tôi chờ đợi phải dang dở vì con người tài hoa và trung thực ấy đã tuyệt đối nằm xuống. Cho dù anh từng chiêm nghiệm và viết ra "năm tháng đã qua đi nhưng vẫn còn lưu lại mùi hương đã nhạt của một thời, và cả những vệt nước mắt vừa khô của một thời", thì, một thời ấy, cuộc đời muốn nhận được sự tái hiện sống động bởi văn tài và ý thức công dân của người cầm bút Nguyễn Khải. Thật oan uổng và xót xa cho cuộc đời đã không được tiếp nhận trọn vẹn những tìm tòi, những đúc kết nghĩ suy và đưa ra những thẩm định chính trị sau cả một quãng đường dài hơn nửa thế kỷ của một nhà văn tài hoa và có trách nhiệm với chính cuộc đời ấy.

Anh Khải ơi, Nghĩ muộn của anh không hề "muộn", ngược lại, nó còn "sớm" hơn với nhiều người cầm bút, và đáng tiếc, và đau đớn là ở đấy. Nhưng cũng chính vì vậy mà cuộc đời trân trọng biết ơn anh, biết ơn văn tài của anh đã để lại cho đời những tác phẩm lớn, trong đó, có những trang viết bất tử. Vì vậy, chúng tôi tuy đau đớn, song vẫn được an ủi, vì anh thanh thản nằm xuống khi đã dừng bút trên trang viết một tác phẩm có độ chín suy tư của một nhà văn lớn. Nhà văn ấy đã từng lao động hết mình, để lại cho đời những tác phẩm sáng giá, mà với một người cầm bút, có được chỉ một trong toàn bộ ấy cũng đã là một mơ ước.

Chuyến đi cuối cùng

Có hai nhà văn gốc Bắc viết về Nam Bộ mà tôi thường đọc đi đọc lại, đó là Nguyễn Thi và Nguyễn Khải.

Với Nguyễn Thi, ông thực sự chắt lọc ngôn ngữ Nam bằng cả một lòng yêu mến để cô lại cái cốt lõi giàu hình ảnh và biểu cảm nhưng không hề làm giảm chất mộc mạc đậm hơi thở cuộc sống. Nguyễn Khải thì khác hẳn. Nhân vật trên đất Nam của ông phần lớn là dân gốc Bắc, nhưng do những biến thiên xã hội lại sống trong Nam, nên cách nghĩ, cách sống, cách ứng xử đều đậm đà tính cách miền Nam, không cần phải gắng gượng chút nào trong lời ăn tiếng nói. Càng đọc càng thấy rõ Nguyễn Khải quả là cao thủ.


Nhà văn Nguyễn Khải, NSND Trần Tiến, nhà thơ Nguyễn Duy, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn chụp ảnh lưu niệm tại tổng hành dinh Mường Phăng (từ phải qua) - ảnh: Nguyễn Trọng Tín

Tám năm nay, cứ vài tháng tôi lại một lần gặp nhà văn Nguyễn Khải. Trong một lần như thế, thấy nhà thơ Nguyễn Duy và tôi hào hứng chuẩn bị chuyến xuyên Việt, ông nói mình cũng đang mong có một chuyến đi như thế. Cứ ngỡ ông già 76 tuổi chỉ nói cho vui, nào ngờ ông cương quyết thực hiện ý định. Đó là vào cuối tháng 10.2006.

Tôi hẹn sẽ đón ông tại nhà, cốt để người nhà ông yên tâm, nhưng ông bảo cứ để ông ra thẳng sân bay. Khi tôi đưa ông đến quầy làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất, thấy ông mang theo gậy chống, cô nhân viên áo dài xanh xinh đẹp nói rằng, nếu cần cô có thể giúp bác hành khách cao tuổi lên phòng chờ bằng lối riêng, để bác không phải leo cầu thang. Ông đưa cao gậy, đi vài bước tỏ ra vẫn vững vàng và cười vui, nói ông mang gậy theo chỉ để leo núi. Cô gái lại hỏi ông đi Hà Nội thì leo núi nào? Ông không giấu sự tự hào, đáp rằng mình sẽ lên Điện Biên Phủ.

Chuyến bay Tân Sơn Nhất - Nội Bài mất hơn hai giờ, và thêm gần 3 giờ chờ đợi để bay tiếp Nội Bài - Điện Biên. Thế mà ông không hề tỏ ra mỏi mệt, vẫn trò chuyện rất hào hứng. Nhưng trên đường từ sân bay Mường Thanh về nhà nghỉ, ông lại trầm ngâm hẳn, dán mắt vào cửa kính xe. Rồi ông nói rằng, cảnh vật không còn chút gì giống với thời kỳ mà ông sống ở đây, 46 năm trước. Đó là năm 1959, nhà văn quân đội 29 tuổi Nguyễn Khải, quân hàm thượng úy, được phân công lên nông trường Điện Biên, nông trường vào loại lớn nhất miền Bắc thời ấy, để vừa thâm nhập thực tế phục vụ sáng tác, vừa tham gia lao động trực tiếp. Thời gian là hai năm. Cụ thể, mỗi ngày ông có một buổi thâm nhập thực tế, nghĩa là muốn đi đâu thì đi, muốn gặp ai thì gặp; buổi còn lại, bắt buộc phải lao động sản xuất như một nông trường viên thực sự, và phải tính công điểm. Vì khó thể rạch ròi giữa hai nhiệm vụ nên không ít lần ông bị chính trị viên nông trường và cả bà đội trưởng sản xuất khiển trách vì không lo gánh phân, nhổ lạc mà lại lãn công để đi trò chuyện linh tinh. Dù sao thì cuối cùng, năm 1961, tập truyện ngắn Mùa lạc cũng được xuất bản, ghi thêm tên Nguyễn Khải vào danh sách những nhà văn đương đại Việt Nam.

Tiếng là du khảo, nhưng trong hai ngày ở Điện Biên chúng tôi di chuyển ròng rã từ sáng đến tối, vậy mà ông già 76 tuổi vẫn không hề bỏ qua đoạn đường nào. Ngay đêm mà mấy anh em bí tỉ cùng rượu sâu chích ở bản Ten với bà con người Thái đến tận nửa đêm, ông vẫn không chịu bỏ cuộc, cho dù không uống. Hôm lên Mường Phăng thăm tổng hành dinh của Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên, phải lội bộ một quãng dài men theo triền núi Pu Lôn, anh em muốn ông ở lại, ông vẫn cứ chống gậy lần theo.

Từ Điện Biên qua Tuần Giáo, vượt đèo Pha Đin xuống Sơn La, rồi ngược lên sông Đà để được tận mắt thấy công trình thủy điện đang ngổn ngang, không lúc nào tay ông rời quyển sổ ghi chép. Ông luôn dí dỏm, sinh động với những câu chuyện trêu đùa trên đường. Hình như chuyến đi và vùng đất này đã thức dậy trong ông một ý định nào đó. Thế nhưng sau khi qua Mai Châu, xuống Hòa Bình, về đến Hà Nội thì khớp chân ông đau không đi được nữa nên đành phải bỏ dở chuyến đi để Đoàn Đạt hộ tống ông về Sài Gòn.

Cách nay chưa tròn tháng, Báo Sài Gòn Tiếp Thị muốn mời ông viết cho báo Tết, qua điện thoại ông báo mình đang nằm viện. Nhưng ông bảo đừng đến thăm, vì ông cũng sắp về. Rồi ông hỏi sắp có chuyến đi nào không? Tôi nói vui chuyến tới sẽ đi biển và đảo. Ông đăng ký, hứa sẽ làm hướng dẫn viên nếu đoàn có ý định đến đảo Cồn Cỏ.

Thế mà hôm nay ông lại ra đi có một mình. Thật khó tin một người yêu đời, yêu nghiệp viết như ông lại vắng bóng trên cuộc đời này.

Nguyễn Trọng Tín

Tương Lai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.