Con đường khác cho ngành xã hội nhân văn
GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, vẫn nhớ khoảng thời gian đầu ông tiếp xúc với nhà nghiên cứu Oscar Salemink hồi những năm 1980.
"Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó kinh tế - xã hội của chúng ta khó khăn khủng hoảng, và chúng ta tìm đường đổi mới. Một trong những yêu cầu đổi mới là về khoa học và đào tạo. Trong đổi mới khoa học và đào tạo đó, đổi mới về khoa học xã hội nhân văn vô cùng cần thiết. Phải trên tinh thần đổi mới đó mới tìm ra con đường đi ra khỏi khủng hoảng", GS Ngọc nói.
GS Ngọc cũng cho biết trước đó chúng ta chỉ hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, mà khi ấy khoa học xã hội nhân văn của họ cũng chưa tìm được đường ra. "Lúc đó trên có chỉ đạo cho giáo dục đào tạo "trổ" các lối đi. Thực ra khi đó mới đang là những "ngõ hẹp", nhưng mà mở được các lối ra. Một lối đi ra cho khoa học xã hội nhân văn khi ấy là chương trình hợp tác với Hà Lan được gọi là chương trình VH. Phía Hà Lan có nhiều chuyên gia, nhưng tôi nhớ có một chuyên gia rất trẻ là Oscar Salemink", ông Ngọc kể lại.
Thời gian tiếp theo, các liên kết đào tạo từ chương trình VH liên tiếp được thực hiện. GS Nguyễn Quang Ngọc khi đó cũng sang Hà Lan để học tập, nghiên cứu. Một trong những người đầu tiên đón ông tại Hà Lan chính là nhà nghiên cứu Oscar Salemink. Ông Oscar Salemink thậm chí còn giúp đỡ cả những vật dụng như nồi niêu, bát đũa cho những nhà nghiên cứu từ VN sang. Sau này, ông Oscar Salemink cũng hướng dẫn nhiều luận án tiến sĩ nghiên cứu về VN.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Huy lại làm việc với ông Oscar Salemink khi bắt đầu dự án xây dựng Bảo tàng Dân tộc học. Là một thành viên của quỹ Ford khi đó, Oscar Salemink kết nối các nhà nghiên cứu ở đây với Craft-link (một đơn vị thiết kế và sản xuất đồ thủ công) và cộng đồng những người thợ thủ công các dân tộc thiểu số. "Chính mô hình hợp tác đầu tiên này đã mở ra một cách tiếp cận mới đầy tính nhân văn và hiệu quả cho hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học lúc đó và mãi sau này", ông Huy cho biết. Sau này, Bảo tàng Dân tộc học đã trở thành điểm đến nổi tiếng với khách nước ngoài tới Hà Nội.
Về học thuật, PGS-TS Huy cho biết: "Oscar Salemink là một người bạn tuyệt vời, luôn sẵn lòng chia sẻ và giúp chúng tôi bất cứ khó khăn nào mà chúng tôi gặp phải trong nhận thức khoa học cũng như nhận thức/thực tiễn về xã hội". Khoảng năm 2010, mê tín dị đoan còn là vấn đề nặng nề với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, Hội Di sản văn hóa VN tổ chức một tọa đàm "Mê tín dị đoan, từ quan niệm học thuật đến ứng xử trong đời sống". Hội mời Oscar Salemink tới và ông chia sẻ một báo cáo rất hay kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn với tiêu đề Mê tín dị đoan, tôn giáo và khoa học. Những góc nhìn khác về nhân học, di sản, lịch sử, tôn giáo… đã được nhà VN học này chia sẻ tận tâm như vậy.
Sánh ngang Condominas
GS Nguyễn Quang Ngọc đánh giá rất cao đóng góp của nhà nghiên cứu Oscar Salemink vào việc thúc đẩy nền khoa học xã hội nhân văn VN. "Phương pháp chúng ta khi đó (những năm 1980) là rất cổ điển. Oscar Salemink là người có công giúp cho các chuyên gia của VN tiệm cận được các phương pháp mới, giúp đào tạo chuyên gia trẻ. Anh dồn nhiều tâm sức vào các công trình, nhiều dự án quỹ Ford đầu tư cho VN", GS Ngọc nói. Tuy nhiên, theo GS Ngọc: "Đóng góp lớn nhất của Oscar Salemink là trực tiếp nghiên cứu điều tra làm công tác của chuyên gia nhân học. Ông là chuyên gia phương Tây có phương pháp rất hiện đại nhưng lại kết hợp với các phương pháp truyền thống của VN".
PGS-TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học VN, cho biết Oscar có thời gian dài học tập, nghiên cứu và làm việc tại VN. Tiếng Việt của ông đủ tốt để trao đổi mọi chuyện, mọi vấn đề. Ông hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Amsterdam về lịch sử tộc người ở Tây nguyên. Để thực hiện luận án này, ngoài nghiên cứu ở VN, ông còn dành thời gian đọc tài liệu tại Anh, Pháp và Mỹ; gặp gỡ, phỏng vấn nhiều nhân vật trong chính giới và các học giả của Pháp, của Mỹ đã từng làm việc hay quan tâm tới VN, cùng với nhiều người thuộc các dân tộc ở Tây nguyên di cư sang Pháp và Mỹ. Oscar Salemink cũng từng có 5 năm làm cán bộ chương trình cho Quỹ Ford ở Hà Nội nên càng có điều kiện hiểu biết, kết nối với nhiều tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực về khoa học, nghệ thuật ở VN. "Nói vậy để thấy, GS Oscar Salemink có một nền tảng rất tốt về tri thức và điều kiện để trở thành học giả về VN có tên tuổi trên thế giới", PGS-TS Tình đánh giá.
Cũng theo PGS-TS Vương Xuân Tình, mối quan tâm lớn nhất của GS Oscar Salemink là VN. Ông có khoảng gần 40 tác phẩm, kể từ sách riêng đến các chương sách hay chuyên luận đăng trên các tạp chí viết về VN, và số lượng này chiếm quãng một nửa những công trình của cuộc đời ông.
"Nghiên cứu về VN, ngoài vấn đề của luận án tiến sĩ đã nêu, ông còn chú trọng đến các lĩnh vực như chính sách phát triển, an ninh con người, thực hành tôn giáo và chính trị về di sản. Đặc biệt, Oscar rất quan tâm đến thực hành tôn giáo truyền thống (hay còn gọi là tín ngưỡng dân gian) ở VN", PGS-TS Tình cho biết.
PGS-TS Vương Xuân Tình cho rằng: "Với những đóng góp về học thuật, và nếu chỉ tính người nước ngoài nghiên cứu xã hội VN, GS Oscar Salemink xứng đáng đứng cùng các học giả có tên tuổi lớn như G.Condominas hay J.Cuisinier thời thuộc Pháp".
Bình luận (0)