Dấu son Nước về Bắc Hưng Hải
Khi nhận giải Vàng tại LHP Moscow 1959 cho bộ phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải, đạo diễn Bùi Đình Hạc mới 25 tuổi. Đạo diễn Paul Paviot, thành viên ban giám khảo khi đó, đánh giá phim Nước về Bắc Hưng Hải có sắc thái dân tộc rõ nét, phản ánh gương lao động anh dũng của hàng vạn nhân dân VN đang ra sức biến đổi nước nhà. Theo tư liệu gia đình cố đạo diễn, vị giám khảo này khi đó cho biết: "Nước về Bắc Hưng Hải là bộ phim lộng lẫy. Tại Đại hội Liên hoan, chúng tôi đã xem gần 70 bộ phim tài liệu, trong đó có 15 bộ phim nói về các công trình xây dựng kênh đập, nhưng tất cả chúng tôi đều nhất trí đó là bộ phim hay nhất... Chúng tôi muốn ví lao động anh hùng của nhân dân VN với lao động của những con người đã sáng tạo ra những kỳ công của kim tự tháp ở Ai Cập".
Tác phẩm Nước về Bắc Hưng Hải còn được đưa vào chương trình giảng dạy ở Trường Điện ảnh Moscow. Cũng nhờ tác phẩm này, VN được cử đại diện kéo cờ vào kỳ liên hoan phim tiếp theo - LHP Moscow 1961. Ông Bùi Đình Hạc sau đó được cử đi học đạo diễn tại Trường Điện ảnh Moscow rồi trở về tiếp tục làm phim về những câu chuyện thời đại anh hùng mà mình đang sống.
Trước Nước về Bắc Hưng Hải, cuộc đời điện ảnh của Bùi Đình Hạc mở đầu với điện ảnh tài liệu. Giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, từ một người lính, ông được cử sang công tác trong ngành điện ảnh rồi trở thành quay phim cho những phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh cách mạng VN. Bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi (hoàn thành 1955) của đạo diễn Liên Xô Roman Carmen cũng có sự tham gia của ông trong vai trò quay phim. Bộ phim này là nhiệm vụ "ngoại giao điện ảnh" do chính phủ Liên Xô giao cho đạo diễn Roman Carmen - ghi lại những hình ảnh quý giá và hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ thời điểm của Nước về Bắc Hưng Hải cho đến hôm nay, con đường điện ảnh của NSND Bùi Đình Hạc có thể nói được dát đầy giải thưởng. Ông có 3 giải nhất, 1 giải nhì tại LHP quốc tế, 7 giải Bông sen vàng, 1 Bông sen bạc tại LHP VN. Những tác phẩm đó gồm: Nước về Bắc Hưng Hải (1959), Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (1964), Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ (1971), Sài Gòn tháng 5 năm 1975 (1975), Bài ca dâng Bác (1978), Nguyễn Ái Quốc đến với Lenin (1979), Đường về Tổ quốc (1980), Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (1989), Hà Nội 12 ngày đêm (2002)…
CÂU CHUYỆN THỜI ĐẠI MÌNH
Bộ phim tiếp theo mang lại giải thưởng điện ảnh quốc tế (giải Bạc tại LHP Moscow 1965) cho NSND Bùi Đình Hạc là phim tài liệu Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi. Tác phẩm được làm sau khi chính quyền Sài Gòn tử hình người công nhân yêu nước Nguyễn Văn Trỗi năm 1964. Phim có những hình ảnh tư liệu ít ỏi về những giây phút cuối cùng ở pháp trường của Nguyễn Văn Trỗi, kết hợp với những cảnh quay ở miền Bắc và điện ảnh Quân giải phóng. Phim cũng có phần tiếng - lời nhà thơ Tố Hữu đọc bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi của mình.
Đường về quê mẹ là tác phẩm "đánh chuông" tại LHP quốc tế khác của ông và lại là một phim truyện. Đường về quê mẹ nói về những chiến sĩ công binh mở đường cho bộ đội giải phóng miền Nam. Bộ phim đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ lên đường chiến đấu. Tác phẩm nhận giải nhất LHP quốc tế tại New Delhi (Ấn Độ) năm 1973.
Đạo diễn Bùi Trung Hải (Hãng Phim truyện VN), con trai NSND Bùi Đình Hạc, cho biết khi bố mình còn sống chưa bao giờ ông nói mình yêu bộ phim nào nhất. Ông chỉ nói rằng mỗi bộ phim đều mang trái tim ông. "Mỗi phim mới ông đều cố gắng đưa những cách biểu hiện mới vào. Nhưng ông cũng nói về phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người. Đó là một cách nhìn rất khác về chân dung lãnh tụ, và ông nói về cách sử dụng thủ pháp tâm lý của phim truyện trong phim tài liệu...", NSƯT Bùi Trung Hải nói.
NSND Bùi Đình Hạc cũng quan niệm mỗi bộ phim luôn phải có cách thể hiện mới, sáng tạo, không lặp lại những bộ phim mình đã làm trước đó. "Mỗi bộ phim phải có sự kết hợp tính hiện đại và tính dân tộc một cách nhuần nhuyễn, tinh tế. Chỉ có như vậy thì bộ phim mới tạo được sức lôi cuốn, sự đồng cảm sâu sắc đối với khán giả VN và quốc tế", ông cho biết khi còn sống.
Cũng về triết lý làm phim của mình, NSND Bùi Đình Hạc từng chia sẻ: "Trong những bộ phim của tôi, tôi luôn miêu tả những con người cùng thời đại với mình, thể hiện những suy nghĩ, tình cảm lớn lao, chân thành và sâu sắc của họ gắn liền với những sự kiện lớn của dân tộc, đất nước VN trong thời đại Hồ Chí Minh. Đặc biệt là hình tượng giản dị, vĩ đại và đầy tình người của Bác Hồ kính yêu".
Bình luận (0)