Vĩnh biệt 'sầu nữ' Út Bạch Lan

05/11/2016 09:45 GMT+7

'Sầu nữ' Út Bạch Lan đã yên nghỉ sau 81 năm bươn chải giữa thế gian này. Một đời vinh quang trên sân khấu. Một đời cay đắng trên tình trường. Nhưng cũng là một đời tận tụy với đồng bào nghèo, lo từng cái ăn, cái mặc.

Bà nằm xuống, bao nhiêu người ngã nón, bao nhiêu người khóc, gọi bằng tiếng “má” thân yêu. Thôi thế là quá đủ cho một trái tim lúc nào cũng thổn thức vì đời…
Tôi gắn bó với NSƯT Út Bạch Lan không chỉ trên mặt báo, mà còn trên những chuyến đi từ thiện. Kỷ niệm là nơi ấy. Thương và kính cũng từ nơi ấy. Gọi bằng “cô Út” hay “má Út” đều gần gũi như nhau. Tôi nhớ căn hộ nhỏ của bà trong khu chung cư trên đường Trần Hưng Đạo, hễ tôi đến phỏng vấn viết bài đều thấy bà ngồi đợi rất đúng giờ, giản dị với cái áo túi của dân miền Nam, y như hình ảnh bà ngoại tôi năm xưa. Bà cười thật tươi, mặt vẫn còn nguyên đường nét đẹp thời son trẻ. Bà vui vẻ sống trong căn hộ nhỏ ấy với người chị và các con cháu. Con chỉ con nuôi, tất nhiên cháu cũng không cùng huyết thống. Vậy mà 20 năm quen biết bà, tôi chứng kiến đàn con cháu ấy lớn lên, hòa thuận, và căn hộ ấy phải cơi nới thêm gác lửng, ngăn vách làm phòng, để đại gia đình quấn quít bên nhau.
Vĩnh biệt NSND  Út Bạch Lan
NSƯT Út Bạch Lan trong vòng tay của đồng nghiệp và khán giả Ảnh: H.K
Bà có một góc trên căn gác để thờ Phật, tụng kinh, chen chúc giữa chật chội mà sao yên tĩnh, bình an lạ kỳ. Bộ salon nhỏ ngay góc nhà cũng vừa đủ để bà ngồi tiếp khách và xem ti vi. Thế nhưng vẫn còn không gian cho những thùng quà từ thiện chất đầy chuẩn bị lên đường. Đôi khi tôi ngạc nhiên, không hiểu sao từng ấy con người và đồ vật có thể hiện diện trong căn nhà nhỏ bé. Nhưng rồi tôi mỉm cười: “Thì cũng như trái tim bà thôi, có chừng đó mà chứa biết bao tình thương, cưu mang bao nhiêu số phận. Dễ hiểu quá mà”. Cưu mang những đứa con rơi của chồng, đem về nuôi như con ruột. Rồi cưu mang thêm những đứa con khác trên đường đời gặp gỡ. Lại cưu mang thêm những thân phận bọt bèo ở khắp miền đất nước, khiến những chuyến xe từ thiện của “má Út” cứ lăn bánh không thôi, lăn bánh tới 80 tuổi vẫn chưa chịu dừng…
Có lần tôi nói: “Cô Út khỏe dữ ha! Đi xuyên lục địa luôn! Mới hôm trước ở miền Nam, hôm sau đã ngồi xe ra miền Trung, rồi lại quay về miền Đông. Con khâm phục cái lưng của cô Út đó nhe. Con ngồi không nổi đâu”. Bà cười ngất, xuống giọng: “Nói nhỏ nghe nè, thấy cái vỏ vậy thôi, chứ rệu rã hết trơn. Về tới nhà là nó rêm mình rêm mẩy. Nhưng kỳ, đau thì đau, hễ nghe nói đi cứu trợ là nó tỉnh queo, ngồi dậy khỏe re hà con!”. Tôi cười ngất theo bà: “Biết rồi, biết rồi! Má Út mình có doping mà”. Bà gật đầu: “Có ông Phật phù hộ đó con. Vậy chớ ở nhà là bịnh, còn đi thì khỏe. Cứ đi cho tới hơi thở cuối cùng”.
Nhớ mấy lần tôi đi cứu trợ chung với bà, hẹn nhau 4 giờ sáng ngay cổng chung cư, tôi tới là đã thấy bà xách giỏ đứng chờ tự hồi nào. Tôi áy náy vì mình đi sau, thì bà nói: “Đâu có, tại cô Út thức sớm dữ lắm, ba giờ mấy đã xuống đây rồi. Kệ, đứng sớm một chút để chờ mấy cô Phật tử kia, nhiều cô chưa biết nhà của Út, đi kiếm mất công”. Quả là mấy chiếc taxi trờ tới đã thấy nhiều người dáo dác tìm, may có bà đứng chờ thế là í ới chào mừng rỡ. Sự đúng giờ đúng hẹn này còn thấy trong những buổi tập tuồng, quay phim. Nhiều lần bà kiên nhẫn ngồi chờ lớp diễn viên trẻ, không hờn không giận. Bà nói: “Quen rồi, từ hồi xưa đi hát đã vậy, đúng giờ răm rắp. Biết là tụi nhỏ thường đi trễ, nhưng mình không đi trễ được. Thà ngồi chờ mà yên tâm”.
Bà đem quà đến cho người nghèo và đem cả tiếng ca tặng họ. Phải nói là làn hơi bà khỏe khoắn lạ kỳ. Lần đi về Đồng Tháp, dân tập trung đầy cả ngôi chùa, mà chùa nghèo không có micro, cũng không có dàn đờn, bà hát “chay” luôn. Giọng hát 70 tuổi mà vang khắp cả chánh điện rộng, và theo lời yêu cầu của khán giả bà cứ hát mãi, hát mãi, tới chừng tôi đếm được 8 bài thì bà mới ngưng. Tôi quá nể người nghệ sĩ lão thành này. Sau này bà đi hát khắp nơi, cũng làm một lèo mấy bài, khi già yếu hơn nữa thì cũng 2-3 bài chứ không chịu thua. Tôi đùa: “Đúng là ca sỉ chứ không ca lẻ ha cô Út!”. Bà cười: “Ai biểu yêu cầu hoài, thì hát hoài chớ!”.
Giọng ca sầu nữ một thời vẫn chinh phục trái tim khán giả. Năm nào bà cũng đi suốt mùa Phật Đản và Vu Lan, hết mùa thì hát trong đoàn từ thiện, hát ở đại nhạc hội, hoặc diễn sân khấu. Người ta vẫn trân trọng mời bà. Cho nên lịch của bà gần như kín mít. Mà ngộ, bình thường bà giản dị như bà ngoại miền Nam, nhưng khi mặc áo dài son phấn bước lên sân khấu thì bà rạng ngời bất chấp tuổi tác. Tổ nghiệp vẫn ưu ái bà. Bà nói: “Thật tình thì từng tuổi này không còn ham mê danh vọng gì nữa, hát cũng được, mà không hát cũng được. Nhưng tổ nghiệp còn thương, khán giả còn thương thì mình còn hát, không được nói tiếng từ chối”.

tin liên quan

'Sầu nữ' Út Bạch Lan qua đời
Tối 4.11, không khí u buồn bao trùm làng cải lương trước thông tin nghệ sĩ Út Bạch Lan qua đời. Bà đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 81 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.